Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 33), những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội thời kỳ CNH-HĐH đất nước; Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn.
Một tiết mục hát Chèo của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. |
Xác định xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện, hướng đến “chân - thiện - mỹ”, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, ngày 9-6-2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Trong đó, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; chú trọng công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, làm nền tảng để thực hiện Nghị quyết 33. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phong trào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các phong trào xây dựng “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn nếp sống văn hóa” được thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, phong phú và đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2020, toàn tỉnh có 534.369/604.175 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 86,79%); 3.553/3.634 làng, thôn, xóm, TDP được công nhận danh hiệu “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa” (đạt tỷ lệ 97,8%); 84,9% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn “Nếp sống văn hóa”.
Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế là một trong 6 nhiệm vụ của Nghị quyết 33 đã đề ra, luôn được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế; tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, phát triển văn hóa... Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã gắn việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị với đẩy mạnh phong trào xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, phong phú; tích cực rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng suất lao động. Phong trào xây dựng nêu gương người tốt, việc tốt đã trở thành mục tiêu phấn đấu trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư. Nhiều cá nhân, tập thể đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, công sức xây dựng nông thôn mới với các công trình: nhà văn hóa, sân thể thao, đường giao thông, trường học… Năm 2020, toàn tỉnh đã bầu được hơn 350 điển hình tiên tiến tham dự Đại hội Thi đua yêu nước cấp tỉnh lần thứ V (2020-2025).
Rước kiệu trong lễ hội Đền Vạn Khoảnh, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) ngày 18 tháng Giêng. |
Một trong 4 giải pháp quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 33 là tăng cường các nguồn lực phát triển văn hóa. Các địa phương trong tỉnh đã căn cứ tình hình, nhiệm vụ thực tế của từng địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Trong đó, việc thực hiện chính sách xã hội hóa văn hóa đã tăng cường vai trò trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng, bảo đảm mức hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân; đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa. Đời sống văn hóa quần chúng ngày càng phong phú.
Công nghiệp văn hóa được quan tâm phát triển đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa nhằm khai thác, phát huy tiềm năng và giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương; trong đó tập trung vào lĩnh vực du lịch như: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh…; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa (văn hóa ẩm thực, sản phẩm làng nghề…) góp phần quảng bá văn hóa, con người quê hương Nam Định đến bạn bè trong nước và quốc tế. UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Tăng cường hội nhập quốc tế về văn hóa và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tỉnh ta đã không ngừng chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa đối ngoại, hội thảo, triển lãm quốc tế. Tiêu biểu là chương trình giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Nghi lễ Chầu văn của người Việt thu hút hơn 20 đại sứ, đại diện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng trong nước đến dự và trải nghiệm di sản; lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với sự tham gia của đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, đại sứ của 10 nước trên thế giới… Ngoài ra còn có các sự kiện văn hóa như: Chương trình nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật dân tộc thành phố Erenhot (Nội Mông - Trung Quốc), Chương trình nghệ thuật đón đoàn đại biểu cấp cao tỉnh U Đôm Xay (Lào) sang thăm và làm việc tại tỉnh ta…
Đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33, tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai 8 nhiệm vụ và giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội; Tập trung xây dựng con người Nam Định phát triển toàn diện; Đẩy mạnh xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh; Tăng cường xây dựng văn hóa chính trị và văn hóa kinh tế; Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương Nam Định đến bạn bè trong nước và quốc tế./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng