Vùng đất cổ Ý Yên là “cái nôi” của các môn nghệ thuật chèo, chầu văn, ca trù, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn nhiều nghệ sĩ chân quê luôn tâm huyết gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Với người dân Ý Yên, văn hóa, văn nghệ đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.
Câu lạc bộ văn nghệ dân gian xã Yên Tiến biểu diễn trong lễ hội truyền thống Đình Cát Đằng (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Văn nghệ dân gian ở Ý Yên được người dân gìn giữ, kế thừa từ đời này sang đời khác. Nhiều làng quê trong huyện đã sản sinh ra các nghệ nhân dân gian xuất sắc ở một hoặc nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Tiêu biểu như hai cố nghệ nhân: Đào Thị Sại và Hà Thị Cầu đều xuất thân từ những gia đình có truyền thống về nghệ thuật ca trù, hát văn, hát xẩm. Cả hai nghệ nhân từng được coi là “kho tư liệu sống” về văn hóa, nghệ thuật truyền thống vô giá, đi đầu trong việc phục hưng, bảo tồn, truyền dạy giá trị văn hóa phi vật thể của quê hương. Từ hàng chục năm trước, các đội văn nghệ dân gian do các gia đình, họ tộc thành lập đã vượt qua “cổng làng” được mời biểu diễn phục vụ các lễ hội, đình đám, mừng thọ, sự kiện văn hóa ở nhiều địa phương trong và ngoài huyện. Cứ vào dịp “xuân, thu nhị kỳ”, các làng quê trong huyện lại mở hội truyền thống, tổ chức các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn hóa, văn nghệ dân gian để tưởng nhớ, tri ân các vị tổ nghề, thành hoàng làng, các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc có công với quê hương, đất nước. Hiện nay, toàn huyện có trên 50 tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng ở 31 xã, thị trấn hoạt động theo phương thức xã hội hoá. Ở xã Yên Phong, nhiều đội chèo gia đình có các thế hệ từng là nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công trong các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh. Tiêu biểu ở xóm Nội Thôn có các ông, bà: Hoàng Thuý Dân, Hoàng Văn Thành, Hoàng Thị Nền, Hoàng Thanh Chuyền, Hoàng Văn Quynh đều là những người trong một gia đình đam mê nghệ thuật ca trù, hát văn, hát xẩm, có nhiều đóng góp trong phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Ở thôn Bồng Quỹ có gia đình cụ Nguyễn Thị Tính (95 tuổi) cùng các con: Trần Xuân Đề, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trần Quang Lộc, NSƯT Trần Đăng Khoa. NNƯT Trần Quang Lộc (72 tuổi) có hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, giành nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên toàn tỉnh, khu vực và toàn quốc. Với niềm đam mê chèo, hát văn, ca trù, NNƯT Trần Quang Lộc là người duy nhất trong huyện có khả năng soạn lời mới cho bài hát cổ ở các loại hình nghệ thuật này. Ông có công phục dựng các làng chèo: Giao Hải (Giao Thủy), Hải Châu (Hải Hậu); Ninh An (Hoa Lư), Liên Huy (Gia Viễn) tỉnh Ninh Bình. Tại quê nhà, ông Lộc là người gây dựng CLB chèo Yên Phong (năm 2013) và phối hợp với các cán bộ của Trung tâm VH-TT huyện mở các lớp dạy hát, múa, diễn chèo cho các thế hệ kế cận. Với vai trò chủ nhiệm CLB ca trù Ý Yên, ông cùng các thành viên trong CLB là các ca nương, kép đàn, trống chầu: Nguyễn Thị Lý, Bùi Thị Lan, Bùi Ngọc Tình, Ngô Minh Hinh đem tài năng, tâm huyết và lòng nhiệt tình chăm lo, tạo điều kiện để CLB hoạt động hiệu quả. NSƯT Trần Đăng Khoa (69 tuổi) từng là diễn viên trong các Đoàn Chèo Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định. Trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật, ông Khoa đã giành nhiều huy chương tại các liên hoan, hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc. Ngoài khả năng diễn xuất, NSƯT Trần Đăng Khoa từng tham gia dàn dựng, sáng tác cho các chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh như: Chương trình nghệ thuật tại Đại hội TDTT toàn tỉnh (năm 2013), Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII tổ chức tại Nam Định (năm 2014)…
Không riêng ở xã Yên Phong, trên địa bàn huyện Ý Yên còn có nhiều làng chèo truyền thống “nức tiếng” xa gần với các thành viên trong các đội, CLB là những “giọng hát hay, tay đàn giỏi”, có khả năng sáng tác kịch bản, đạo diễn, biểu diễn, tổ chức, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Tiêu biểu như các CLB dân ca, chèo ở các xã: Yên Ninh, Yên Trị, Yên Tiến, Yên Chính, Yên Thọ và thị trấn Lâm. Tại các đất chèo cổ, các nghệ nhân cao tuổi với ý thức và tâm huyết gìn giữ nghệ thuật cổ truyền đã mở lớp dạy đàn, hát dân ca cho con em trong xã và các vùng lân cận. CLB chèo xã Yên Cường được thành lập từ năm 2003, đến nay có hơn 20 thành viên là những người đam mê chèo từ nhỏ như các anh, chị: Kiều Văn Nguyện, Nguyễn Văn Hòa, Hoàng Thị Tâm, Đinh Thị Duyên… Từ khi có CLB chèo, đời sống văn hóa tinh thần ở Yên Cường ngày càng được nâng lên. Ngoài CLB chèo, cả 14 làng trong xã đều thành lập được tốp văn nghệ hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu như: làng Thức Vụ, làng Trực Mỹ, làng Đông Tiền… Xã Yên Nghĩa có 14 đội văn nghệ quần chúng, trong đó có một số “đội chèo gia đình” như: gia đình các ông bà Hoàng Văn Hoằng - Nguyễn Thị Tuyến, Hoàng Trung Tuýnh - Nguyễn Thị Nguyệt… Thành viên trong các CLB hoàn toàn tự đóng góp kinh phí mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn, tự biên, tự diễn các ca cảnh, hoạt cảnh, trích đoạn chèo cổ hoặc soạn lời mới theo các chủ đề phục vụ nhân dân địa phương vào mỗi dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lịch sử... Hàng năm, trong lễ hội Đình Ruối, nhiều tiết mục văn nghệ truyền thống được các CLB dàn dựng, biểu diễn có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng. Ở xã Yên Đồng, hát chầu văn đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu tại các di tích: Phủ Quảng Cung, Phủ - Chùa Đồi, Từ đường họ Phạm... Toàn xã có trên 10 CLB hát văn với nhiều cung văn giàu kinh nghiệm ở mọi lứa tuổi. Hàng năm, khách thập phương về dự các lễ hội đều được thưởng thức các làn điệu chầu văn và các giá đồng đặc sắc. Các bài hát văn được thành viên trong các CLB soạn lời mới với giai điệu âm nhạc vui tươi, trong sáng, mang hơi thở và nhịp sống đương đại, có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, cổ vũ toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ý Yên đã thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ. Nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng các cấp được tổ chức, thu hút hàng nghìn lượt diễn viên, nhạc công không chuyên tham gia. Trong các kỳ hội diễn văn nghệ, huyện đặc biệt khuyến khích các tiết mục dân ca, nhạc cổ truyền mang đặc trưng của mỗi địa phương. Tại các cơ quan, đơn vị, trường học trong huyện, việc bảo tồn, khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống ngày càng được quan tâm. Trung tâm VH-TT huyện, Đoàn Thanh niên các cấp thường xuyên phối hợp với các trường học, cơ sở giáo dục mở các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho đoàn viên thanh niên và học sinh; đưa các loại hình nghệ thuật dân gian: hát chèo, hát văn, ca trù vào hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường; tổ chức tốt chương trình “Sân khấu học đường”. Các địa phương trong huyện quan tâm triển khai công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn với các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh trong các kỳ lễ hội tại các di tích. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Ý Yên ngày càng phong phú, có nhiều khởi sắc từ sáng tác đến biểu diễn, thu hút đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi, ngành nghề tham gia là nhờ sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ nghệ nhân có tên tuổi, giàu kinh nghiệm ở địa phương. Đặc biệt, hoạt động của các đội, CLB văn nghệ quần chúng ở Ý Yên còn góp phần tích cực phát triển du lịch. Du khách về Ý Yên không chỉ tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trải nghiệm làng nghề truyền thống mà còn có cơ hội tìm hiểu bản sắc văn hóa bản địa qua các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các điểm du lịch.
Để phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển, thời gian tới, huyện Ý Yên tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, nâng cấp, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật quần chúng. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn đội ngũ công chức văn hóa các xã, thị trấn, Ban chủ nhiệm nhà văn hóa thôn, xóm, TDP về quy trình, chuyên môn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Các địa phương có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ, đội, CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả. Tích cực hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc. Phát triển phong trào văn nghệ quần chúng trên cơ sở gìn giữ, kế thừa giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu giá trị văn hóa mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng