Mong muốn được tiếp cận, nắm bắt những thông tin kịp thời, chính xác, lành mạnh là nhu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí, với vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu trong đời sống xã hội, sẽ góp phần thực hiện sứ mệnh cao cả ấy.
Phóng viên tác nghiệp đưa tin về công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN |
Thời gian qua, trong khi phần lớn tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương có nhận thức đúng đắn về vai trò, sức mạnh của báo chí và tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên các cơ quan báo chí tìm hiểu, thu thập thông tin và tác nghiệp hiệu quả; thì vẫn còn một số cơ quan chức năng và người có thẩm quyền chưa thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, tính chất đặc thù trong hoạt động báo chí, từ đó có thái độ ứng xử chưa thấu đáo với báo chí.
Dẫu biết rằng, trong đội ngũ nhà báo có một số ít người làm nghề mà “mắt không sáng, lòng không trong” nên ngòi bút bị “bẻ cong” khiến dư luận phiền lòng. Nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ trong hàng vạn người làm báo chân chính đang ngày đêm nỗ lực, lặng lẽ cống hiến hết mình vì mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng.
Báo chí ở nước ta là báo chí cách mạng, báo chí phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chứ không dành riêng cho giai cấp, tầng lớp, nhóm người nào trong xã hội. Vì thế, tính chất của báo chí cách mạng đòi hỏi các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo ở nước ta phải giải quyết nhuần nhuyễn, hài hòa mối quan hệ giữa tính chính xác và tính kịp thời; giữa chính trị và văn hóa; giữa yêu cầu bảo đảm định hướng dư luận xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin phong phú, đa dạng của các tầng lớp nhân dân.
Nghề làm báo mới thoạt nhìn bên ngoài tưởng chỉ thấy màu hồng, song thực tế đây là công việc không ít chông gai mà hầu như người làm báo chân chính nào trong nghề cũng thấm thía sâu sắc. Đó là áp lực về thời gian để bảo đảm tính kịp thời, nhanh nhạy vốn là đặc trưng hàng đầu của thông tin trong thời đại “thế giới phẳng”. Đó là áp lực về yêu cầu chính xác, chuẩn mực của câu từ, chữ nghĩa, con số, tư liệu để bảo đảm an toàn về mặt thông tin. Đó là áp lực về chất lượng, hiệu quả thông tin tốt nhất trong điều kiện tác nghiệp có thể gặp nhiều khó khăn khách quan, như: Thời tiết, khí hậu, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và cả những rủi ro từ những “điểm nóng” hiện trường tác nghiệp. Ngoài ra, nhà báo còn có thể đối mặt với nguy cơ đe dọa từ các đối tượng tiêu cực khi thông tin, điều tra về những nhóm lợi ích và mặt trái của xã hội...
Điểm qua vài ba áp lực như vậy để thấy tính chất phức tạp và yêu cầu khắt khe của công việc làm báo. Mặt khác, nhắc lại điều này để mỗi người cầm bút thời nay nhận thức thấu đáo hơn, trách nhiệm hơn với nghề nghiệp đã chọn; đồng thời cũng mong muốn xã hội, nhất là cơ quan chức năng và người có thẩm quyền, trách nhiệm ở các cấp, các ngành thêm một lần thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với nghề làm báo. Rất sai lầm khi ai đó nghĩ rằng nghề báo chỉ làm chuyên môn thuần túy, là người “làm công ăn lương” bình thường. Thực sự, nghề báo là nghề lựa chọn con người vô cùng chặt chẽ, khắt khe cả về lập trường, bản lĩnh, trình độ, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm xã hội. Hơn nữa, làm báo còn là làm chính trị, mà ở đó “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng” và “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam đã khẳng định.
Trong khi Đảng, Nhà nước và nhân dân đòi hỏi nhà báo, cơ quan báo chí phải nâng tầm văn hóa chính trị, văn hóa nghề nghiệp cho xứng tầm với vị thế, vai trò của mình trong xã hội, thì những người ngày đêm gắn bó với nghề chữ nghĩa, vất vả với nghiệp tuyên truyền rất mong muốn xã hội và các cấp, các ngành cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cần coi trọng thực hiện tốt hơn văn hóa ứng xử với báo chí. Vì thực hiện văn hóa ứng xử với báo chí thực chất là phục vụ hiệu quả “Diễn đàn của các tầng lớp nhân dân” và làm tốt điều này cũng phù hợp với mục tiêu Đề án Văn hóa công vụ của Chính phủ đã đề ra./.
Theo Báo QĐND