Huyện Nghĩa Hưng là vùng đất sản sinh ra nhiều ngành nghề thủ công truyền thống mang đậm “hơi thở” quê hương gắn với đời sống cộng đồng dân cư. Trải qua thăng trầm lịch sử, các làng nghề truyền thống ở Nghĩa Hưng vẫn được các thế hệ người dân lưu giữ, kế thừa và không ngừng phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nghề sản xuất nón lá truyền thống ở thôn Đào Khê Hạ, xã Nghĩa Châu. |
Trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng hiện còn lưu giữ được các làng nghề thủ công, tập trung ở 4 nhóm nghề: đan lát thủ công các sản phẩm từ mây, tre; sản xuất các sản phẩm từ cói; làm đồ chơi dân gian; chế biến thực phẩm. Các làng nghề làm nón lá Đào Khê Thượng, Đào Khê Hạ (xã Nghĩa Châu), làng nghề đan cói xuất khẩu Đồng Nam (xã Nghĩa Lợi) đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề của tỉnh. Mỗi làng nghề đều mang nét đẹp văn hóa đặc trưng của từng vùng nông thôn trong huyện. Trong số các làng nghề truyền thống ở Nghĩa Hưng, làng nghề đan cói xuất khẩu Đồng Nam (xã Nghĩa Lợi) có tuổi đời trẻ hơn so với các làng nghề khác nhưng lại mang dấu ấn của một thời kháng chiến hào hùng. Người dân nơi đây luôn tự hào với nghề đan cói của làng không chỉ mang lại nguồn thu nhập giúp các gia đình thoát nghèo mà nghề “cha truyền, con nối” qua nhiều thế hệ này có ý nghĩa đặc biệt. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, các làn, túi, bị cói… có mặt ở khắp nơi trên cả nước, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và phục vụ miền Nam trường kỳ kháng chiến. Chính vì vậy, dù trải qua bao nhiêu khó khăn nhưng người dân Đồng Nam vẫn quyết tâm giữ nghề, trân quý những sản phẩm mà mình làm ra. Hàng ngày, các hộ gia đình vẫn đều đặn làm ra sản phẩm đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã để cung ứng cho thị trường. Nét đẹp văn hóa của làng nghề Đồng Nam hiện diện trong từng sản phẩm mà người thợ làm ra với những giá trị vừa mang tính thẩm mỹ, thân thiện với môi trường, vừa mộc mạc, giản dị như lối sống của những con người chân quê nơi đây. Trong xã hội hiện đại ngày nay, sự hiện diện của các sản phẩm từ cói trở nên hạn chế nhưng vẫn có sức hút với nhiều người. Bởi lẽ, để làm được một sản phẩm cói đúng chuẩn dù đơn giản hay phức tạp, ngoài đức tính kiên nhẫn, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, người thợ còn gửi gắm vào đó cả tâm huyết của mình để đảm bảo rằng mỗi sản phẩm cói của làng xuất ra thị trường đều mang hồn cốt và bản sắc riêng, không đại trà, không lẫn với các sản phẩm của những địa phương khác. Đó chính là nền móng để làng nghề đan cói xuất khẩu Đồng Nam luôn đứng vững hơn 60 năm trước sự cạnh tranh khốc liệt của các làng nghề thủ công khác trên cả nước, tạo nên bản sắc văn hóa làng nghề. Hiện nay, không chỉ ở xã Nghĩa Lợi, nghề sản xuất các sản phẩm thủ công xuất khẩu từ cói ở Nghĩa Hưng đã lan rộng và ngày càng phát triển ở các xã: Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn, Nghĩa Thắng, Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Hùng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập từ 60-150 nghìn đồng/người/ngày. Với hơn 100 mẫu mã phong phú, đa dạng, các sản phẩm thủ công từ cói xuất khẩu của Nghĩa Hưng như: chiếu, bình, giỏ, bị, thảm, túi… đã vào các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… và đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường.
Ở Nghĩa Hưng, nghề làm nón lá trước kia tập trung ở các làng: Phù Sa Thượng, Hưng Thịnh (xã Hoàng Nam); Đào Khê Thượng, Đào Khê Hạ (xã Nghĩa Châu). Ngày nay, nghề làm nón ở xã Hoàng Nam dần bị mai một, toàn xã chỉ còn hơn 40 hộ dân làm nghề thời vụ. Còn ở xã Nghĩa Châu, nghề làm nón lá không chỉ phát triển ở 2 thôn: Đào Khê Thượng (612/1.223 hộ làm nón), Đào Khê Hạ (700/1.542 hộ làm nón) mà còn phát triển toàn xã và các vùng lân cận. Có thời điểm, xã Nghĩa Châu có tới hơn 80% hộ dân làm nghề. Năm 2020, tổng lãi thu nhập từ nghề làm nón lá toàn xã đạt 6 tỷ đồng/năm. Theo các cụ cao tuổi trong làng thì nghề làm nón lá ở Nghĩa Châu xuất hiện từ những năm 1940. Xưa người dân trong vùng đã có câu thơ: “Muốn ăn cơm trắng, cá trê/ Muốn đội nón đẹp thì về Đào Khê”. Ở vùng đất này, ban đầu nón lá làm ra chỉ để thực hiện chức năng thuần tuý là che mưa, nắng, phục vụ các bà, các chị ở nông thôn nhưng giờ đây nón lá Nghĩa Châu còn là món quà lưu niệm xinh xắn, đầy ý nghĩa cho du khách, đồng thời luôn có mặt trong những điệu múa nón uyển chuyển, nhịp nhàng cùng với áo dài truyền thống đã làm nên nét duyên dáng cho thiếu nữ Việt Nam trên sân khấu. Về xã Nghĩa Châu hôm nay, đi đến đâu cũng gặp hình ảnh nhà nhà, người người làm nón. Nhìn những đôi tay thoăn thoắt, miệt mài khâu chằm những chiếc lá vào vành nón mới thấy sự tỉ mỉ và khéo léo, tâm huyết của các bà, các chị gửi vào mũi kim. Bà Trần Thị Hinh, một hộ sản xuất nón lá thôn Đào Khê Hạ cho biết: “Để làm ra một chiếc nón phải trải qua nhiều công đoạn. Những chiếc lá cọ, lá lôi thu mua từ các tỉnh miền núi được cho vào máy vò rồi đem phơi nắng cho đến khi lá chuyển sang màu trắng ngà. Sau đó, người thợ là lá bằng cách đặt lá lên lưỡi cày đã được hơ nóng, rồi dùng “bàn là” được chế từ miếng giẻ miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn, nát. Tiếp đến là công đoạn lên vành. Vành nón được làm bằng cật tre hoặc nứa, mỗi nón có 16 vành, giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Sau đó lá được xếp lên khuôn, giữa 2 lớp lá nón là một lớp mo nang lạng thật mỏng. Khi khâu, người thợ phải thật khéo léo đưa mũi kim đều đặn, không bị lộ những nút nối. Cuối cùng là công đoạn viền nón. Chiếc nón khi hoàn chỉnh được trang trí thêm nhiều hoạ tiết phong phú, sinh động”. Ở Nghĩa Châu, từ người già đến người trẻ, đàn ông hay đàn bà đều thành thục nghề làm nón, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước cùng giữ gìn nghề truyền thống. Cụ Linh Văn Miễn, một người dân trong làng cho biết: “Với người dân Nghĩa Châu, làm nón để duy trì truyền thống của ông cha mang lại lợi ích kinh tế, giải quyết việc làm cho bà con, nhất là những lúc nông nhàn. Cùng với làm nông nghiệp, nghề làm nón đã giúp nhiều gia đình ở Nghĩa Châu có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đầy đủ”. Mỗi ngày, một người dân Nghĩa Châu có thể làm được từ 2-5 chiếc nón, giá bán bình quân từ 20-25 nghìn đồng/chiếc. Ngày nắng cũng như ngày mưa, dân trong làng ngồi tại nhà với một vài vật dụng đơn giản cũng có thể kiếm ra tiền. Nón lá Nghĩa Châu nổi tiếng bởi độ mỏng, thanh thoát, đường kim, mũi chỉ đều, đẹp nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Mỗi nhà thường có 2-3 người chuyên làm nón, cứ từ 7-10 ngày, nón lá lại được người dân mang ra chợ Đào Khê bán sỉ cho các nhà buôn. Bình quân mỗi ngày chợ Đào Khê tiêu thụ khoảng hơn 2.000 chiếc nón lá. Chợ Đào Khê thường họp từ sáng sớm và chỉ bán nón lá cùng các nguyên phụ liệu làm nón (mo nứa, lá nón, cước, chỉ…). Chợ nón Đào Khê không chỉ là nơi để người làng đến bán sản phẩm, mua nguyên liệu phục vụ sản xuất mà còn là điểm trung chuyển cung cấp nguyên liệu cho những hộ làm nghề của các xã: Hoàng Nam, Nghĩa Thịnh, thị trấn Quỹ Nhất… Tại huyện Nghĩa Hưng, chiếc nón lá còn mang ý nghĩa là tặng phẩm đặc biệt và vô cùng thiêng liêng mà con dâu được nhận từ mẹ chồng trong ngày vu quy. Chiếc nón lá do người thợ làng nghề làm ra hiện hữu trong ngày hạnh phúc của nhiều đôi vợ chồng trẻ như một biểu tượng may mắn, chở che cho nàng dâu, đồng thời nhắc nhở nàng dâu biết giữ gìn và trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
Đặc điểm chung của các làng nghề thủ công ở huyện Nghĩa Hưng chính là sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa làng quê. Khi ghé thăm các làng nghề thủ công nơi đây không khó để bắt gặp hình ảnh người dân quây quần trong nhà, ngoài sân, ngoài ngõ cùng nhau làm nghề với tiếng cười nói rôm rả; người dân cư xử với nhau vui vẻ, hòa thuận. Chính nghề thủ công đã khiến dân làng xích lại gần nhau hơn, tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Giá trị văn hóa trong các làng nghề truyền thống ở Nghĩa Hưng luôn được các thế hệ người dân gìn giữ trong từng sản phẩm thể hiện sự gắn kết giữa con người với con người, gia đình với làng xã. Giá trị văn hóa ấy sẽ còn mãi với thời gian cùng sự phát triển xã hội hôm nay./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng