Để thương hiệu du lịch Nam Định phát triển bền vững

05:05, 07/05/2021

Là vùng đất văn hiến, Nam Định là nơi bảo lưu nhiều di sản văn hóa như: phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, di tích, làng nghề, lễ hội truyền thống. Về với miền đất thiêng Nam Định, du khách có dịp tìm hiểu, hòa mình vào không gian hòa quyện, đan xen giữa văn hóa biển và văn hóa truyền thống vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng.

Du khách tham quan Bảo tàng Đồng quê tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy).
Du khách tham quan Bảo tàng Đồng quê tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy).

Những năm qua, để xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh, UBND tỉnh và các cấp chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm, khu du lịch; bảo vệ, tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam - thắng cảnh; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Sở VH, TT và DL tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch như: Tham dự các hội chợ thương mại, các sự kiện trong khu vực; tổ chức hội nghị, hội thảo, khảo sát tour, tuyến, điểm du lịch; tổ chức cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Nam Định”; thiết kế logo du lịch…, liên kết với các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng chuyển tải thông tin, hình ảnh về sản phẩm du lịch quê hương Nam Định. Theo số liệu tổng hợp của Sở VH, TT và DL, toàn tỉnh hiện có 1.330 di tích đã được xếp hạng, kiểm kê; trong đó có nhiều điểm đến du lịch tâm linh, tiêu biểu như: Quần thể di tích Phủ Dầy, Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp, các di tích Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Cổ Lễ, Cầu Ngói, Cột Cờ Nam Định... Về với Nam Định, du khách còn có dịp thưởng thức nhiều món ăn ngon nổi tiếng đã trở thành đặc sản của quê hương như: Phở bò, bún đũa, kẹo Sìu châu, kẹo dồi, kẹo lạc, bánh nhãn Hải Hậu, bánh gai bà Thi, bánh xíu páo, nem nắm Giao Thủy, mắm cáy, bánh chưng bà Thìn… Chính những sản phẩm này, từ lâu đã tạo sức hút góp phần định vị thương hiệu du lịch Nam Định trên thị trường du lịch cả nước. Hiện nay, tỉnh đã hình thành và khai thác một số loại hình sản phẩm du lịch chủ yếu; trong đó du lịch văn hóa, du lịch làng nghề với điểm nhấn là các di tích, lễ hội: Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp gắn với lễ hội Đền Trần và lễ hội Khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định); di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện, lễ hội Chùa Keo (Xuân Trường); quần thể di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Phủ Dầy, lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản); hội chợ Viềng Xuân (Vụ Bản, Nam Trực); Bảo tàng Đồng quê (Giao Thủy); di tích lịch sử văn hóa Cầu Ngói gắn với lễ hội Chùa Lương (Hải Hậu)… Ngoài ra, tỉnh ta còn nổi tiếng với những làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi như: làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá (Ý Yên); trồng hoa, cây cảnh Vị Khê (Nam Trực); ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); các làng muối ven biển Hải Lý, Hải Hòa (Hải Hậu) Bạch Long (Giao Thủy)… Đối với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du khảo đồng quê, du khách có cơ hội tham quan vùng bờ, cồn nổi, vùng đất ngập nước thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng khu Ramsar Vườn quốc gia Xuân Thủy; nghỉ mát, tắm biển. Điểm nhấn của loại hình du lịch này là Vườn quốc gia Xuân Thủy, vùng đất ngập nước cửa sông Đáy, cửa sông Ninh Cơ (Nghĩa Hưng), các khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy), những cánh đồng muối (Nghĩa Hưng, Hải Hậu), trải nghiệm đời sống ngư dân tại điểm du lịch cộng đồng xã Giao Xuân (Giao Thủy).

Tín hiệu đáng mừng của tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch là đến nay, một số hãng lữ hành trong nước thiết kế tour đã đưa những khu, điểm du lịch tiêu biểu của Nam Định vào chương trình lựa chọn điểm điến du lịch như: Đền Trần, Phủ Dầy, Núi Ngăm, Ecohost Hải Hậu, các làng nghề tại Nam Định… Từ năm 2010 đến nay, lượng khách đến Nam Định tham quan du lịch đạt mức tăng bình quân 6%/năm; thu nhập từ du lịch tăng bình quân 19%/năm. Năm 2020, ngành du lịch của tỉnh có 2 sản phẩm gồm: Du lịch sinh thái Núi Ngăm, mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê Ecohost Hải Hậu được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 và thiên tai xảy ra liên tiếp đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó ngành du lịch chịu những tác động rõ nét và sâu rộng nhất. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch bị tổn thất cả về lượng khách và doanh thu. Kết quả kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh năm 2020 giảm mạnh, chỉ bằng 51% so với năm 2019; số khách đạt 1,43 triệu lượt người, doanh thu dịch vụ từ các hoạt động du lịch ước đạt 415 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển du lịch ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn. Thương hiệu chung của du lịch Nam Định phải hình thành từ những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù ở địa phương kết hợp với chất lượng dịch vụ du lịch, các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch… nhưng hầu hết các sản phẩm du lịch của tỉnh chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ, chưa tạo được thương hiệu riêng, chủ yếu phát triển trên cơ sở khai thác tài nguyên sẵn có nên chưa thực sự hấp dẫn du khách, khả năng cạnh tranh chưa cao. Du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được xem là loại hình du lịch đặc thù của Nam Định, tuy nhiên, lượng khách du lịch loại hình này về tỉnh ta đang dần bão hòa, chỉ tập trung vào một số thời điểm trong năm, thời gian lưu trú ngắn, chưa phát triển liên kết với các sản phẩm du lịch khác nên việc kích thích chi tiêu của khách không lớn. Các loại hình du lịch khác có tiềm năng nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả. Việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong vùng chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách.

Để phát triển du lịch Nam Định theo hướng bền vững, lâu dài, ngành VH, TT và DL của tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu du lịch mang tính đặc trưng vùng. Tập trung trọng điểm vào khai thác các giá trị thiên nhiên Vườn quốc gia Xuân Thủy (đã được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng) bởi các giá trị nổi bật về địa hình và hệ sinh thái của Vườn quốc gia này đặc biệt hơn các nơi khác trong cả nước và trong khu vực Đông Nam Á. Xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh phù hợp vừa tôn vinh, bảo tồn di sản vừa tạo sức hấp dẫn cho du khách quốc tế, điểm đến là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu: Quần thể di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Phủ Dầy với lễ hội Phủ Dầy và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; khuyến khích sự tham gia đông đảo của du khách trong cả nước, điểm đến là Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp với lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân. Tăng cường quảng bá, giới thiệu về “Nam Định - điểm đến an toàn, thân thiện”, thu hút ngày càng đông du khách về với quê hương. Bên cạnh các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, Sở VH, TT và DL phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú, lữ hành, khu, điểm du lịch; qua đó chấn chỉnh, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ cơ sở kinh doanh du lịch./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com