Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” những năm qua, Sở GD và ĐT đã đẩy mạnh các phong trào “Thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở trong ngành GD và ĐT”, giai đoạn 2019-2025 và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, xây dựng trường học an toàn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng văn hóa học đường.
Cô và trò Trường Mầm non Yên Mỹ (Ý Yên) cùng tìm hiểu về các loài hoa. |
Cụ thể hóa các chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT về xây dựng nếp sống văn hóa trong học đường, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố trong tỉnh đã phát động các phong trào thi đua; trong đó đối với tập thể đẩy mạnh phong trào “Thi đua xây dựng tập thể cơ quan, đơn vị, trường học văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp”; đối với mỗi cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên đẩy mạnh phong trào “Thi đua thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp”… Huyện Hải Hậu là địa phương đi đầu trong thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn hóa (NSVH) trong các trường học. Hàng năm, các trường học trên địa bàn huyện đều tổ chức thực hiện chỉnh trang cảnh quan môi trường để đạt tiêu chí “xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm túc quy chế NSVH trong giao tiếp, ứng xử nơi công cộng. Bên cạnh đó, các nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh các khối lớp tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT, tham quan, du lịch, hội thi nhằm tạo không khí vui tươi cho các em. Các trường THCS, THPT đã thành lập các CLB môn học như: CLB Toán học, CLB Vật lý, CLB Hóa học, CLB Văn học…; tổ chức các cuộc thi: “Tìm hiểu kỹ năng sống”, “Tiếng hát học đường”, “Sáng tạo khoa học công nghệ”, “Viết về bạn bè, thầy cô và mái trường”… Trường THPT A Hải Hậu là một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục của huyện và của tỉnh. Hiện nay, trường có 36 lớp, gần 1.400 học sinh, 93 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 19 thạc sĩ. Thầy Lê Văn Trường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện phong trào xây dựng NSVH, hàng năm, nhà trường sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhà trường thực hiện giáo dục đạo đức cho học sinh theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng; phối hợp với chính quyền đoàn thể ở cơ sở thôn, xóm làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Chú trọng đổi mới các hình thức sinh hoạt ngoài giờ, tạo cho các em được tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, tham quan, giáo dục truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hoá ở địa phương… qua đó, tạo cho các em tinh thần thoải mái trong mỗi giờ học, phấn khởi khi đến trường, đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi hàng năm của nhà trường đạt từ 75-85%. Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thi tốt nghiệp THPT quốc gia đều ở tốp dẫn đầu toàn tỉnh... Với bề dày truyền thống 60 năm thành lập và phát triển, đến nay, nhà trường đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận như: Trường THPT đầu tiên của tỉnh, thứ 12 của cả nước được Bộ GD và ĐT công nhận “Trường THPT đạt chuẩn quốc gia”, giai đoạn 2001-2010 (năm 2003); trường đầu tiên của tỉnh được Bộ GD và ĐT công nhận “Trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3” (năm 2010); được Sở GD và ĐT công nhận “Trường học đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn” (năm 2017).
Giờ học làm bánh của học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định). |
Thành phố Nam Định hiện có 14 trường THCS, 20 trường tiểu học, 25 trường mầm non. Thực hiện phong trào xây dựng NSVH, Ban giám hiệu các nhà trường đã xây dựng các quy định về ứng xử văn hóa học đường: Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên khi đến trường trang phục phải gọn gàng, lịch sự, đúng quy định; không sử dụng đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; ứng xử, giao tiếp đúng mực với đồng nghiệp và học sinh: Đối với học sinh, nhà trường định hướng khuyến khích các em phát huy tính tự giác, ý thức trong việc thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng; vui vẻ, hoà đồng với bạn bè, lễ phép với thầy cô, đồng phục gọn gàng, đến lớp đúng giờ… Để học sinh phát triển toàn diện, các nhà trường luôn chú trọng đổi mới tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm, thực nghiệm; hội thi văn hóa, văn nghệ, giao lưu, thi đấu TDTT vào các dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Đoàn (26-3), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)… Riêng với bậc mầm non, các nhà trường đã thực hiện tốt kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục thông qua các hoạt động tập thể như: Hội diễn, giao lưu văn nghệ giáo viên giữa các nhà trường, tổ chức các cuộc thi cho trẻ như: “Bé kể chuyện, hát hay”, “Rung chuông vàng”, “Trạng nguyên nhí”… nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Tết Trung thu, Tháng hành động vì trẻ em, Ngày hội đến trường của bé… Ở bậc THCS và THPT, để cụ thể hóa phong trào xây dựng NSVH, Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định đã phát động phong trào “Tuổi trẻ học đường học tập, làm theo lời Bác”. Các trường THCS, THPT trên địa bàn đã triển khai với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo gắn với các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Xung kích, tình nguyện”, “Hai tốt”, “Học sinh làm nghìn việc tốt”. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội trong tuổi trẻ học đường.
Ở huyện Nghĩa Hưng, hàng năm, 100% trường học các cấp trên địa bàn huyện đều đăng ký thực hiện phong trào xây dựng NSVH; tuyên truyền sâu rộng các nội dung xây dựng NSVH đến cán bộ, giáo viên và học sinh; lồng ghép, gắn việc xây dựng NSVH với các nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện tốt nhiệm vụ năm học theo mục tiêu “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Đến nay, cả 73 trường học các cấp: mầm non, tiểu học, THCS của huyện đều đạt danh hiệu “Đơn vị có nếp sống văn hóa”. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh đã tạo thêm nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Cả 24 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt chuẩn “xanh - sạch - đẹp”; 19/24 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; cả 25 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, 15/25 trường THCS đạt chuẩn “xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Để nâng cao khả năng tự đọc, tự tìm hiểu kiến thức thông qua sách, báo của học sinh và giáo viên, ngành GD và ĐT huyện đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thư viện trường học. Đến nay, 100% các trường tiểu học, THCS có thư viện chuẩn quốc gia; 7 trường tiểu học, 6 trường THCS có thư viện tiên tiến, mỗi thư viện có trên 1.000 đầu sách đa dạng về chủng loại... Ở các địa phương khác trong tỉnh phong trào cũng được triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể.
Phong trào xây dựng NSVH đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, bảo đảm môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện trong các nhà trường. 5 năm qua, toàn tỉnh có có 88,8% trường học đạt chuẩn quốc gia; 58,9% trường học đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn; 453 học sinh giỏi đoạt giải quốc gia (đạt tỷ lệ 84,4%); 11 Huy chương Olympic quốc tế (3 HCV, 3 HCB, 5 HCĐ); 4/5 năm học điểm bình quân thi THPT quốc gia đứng thứ Nhất toàn quốc. Các cuộc thi, hội thi, các phong trào thi đua trong toàn ngành đều đạt thành tích nổi bật. Năm học 2019-2020, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngành GD và ĐT tỉnh ta tiếp tục khẳng định vị thế với điểm trung bình dẫn đầu toàn quốc; kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có 78/93 học sinh dự thi đoạt giải, trong đó có 4 giải Nhất, nằm trong tốp 5/74 đơn vị (các tỉnh và đại học có trường chuyên) có kết quả cao nhất cả nước; 1 học sinh đoạt HCV Hóa học, 1 học sinh đoạt HCĐ Toán học quốc tế trong tổng số 18 Huy chương toàn quốc.
Để đẩy mạnh xây dựng NSVH trong các trường học, thời gian tới, ngành GD và ĐT tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung trong Bộ quy tắc về ứng xử văn hóa học đường do Bộ GD và ĐT ban hành đảm bảo các giá trị cốt lõi “tôn trọng - nhân ái - trung thực - hợp tác - trách nhiệm” trong các mối quan hệ trong nhà trường. Các cơ sở giáo dục thực hiện tốt quy chế dân chủ, nền nếp, kỷ cương trường học; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, rèn luyện thể chất cho học sinh. Phát hiện, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, mô hình hay, nhân tố mới trong dạy và học, gương người tốt - việc tốt, học sinh tiên tiến, xuất sắc. Xây dựng văn hóa học đường đi đôi với tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh, học sinh và cộng đồng. Đẩy mạnh công tác tư vấn học đường; thực hiện việc khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thành tích để động viên khích lệ, tạo hiệu ứng tốt và sự lan tỏa trong xã hội./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng