"Sách hóa nông thôn" - Góp phần lan tỏa tri thức trong cộng đồng

07:04, 16/04/2021

Hưởng ứng chương trình “Sách hóa nông thôn” của Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng (CKACD) thực hiện từ năm 2007 nhằm thúc đẩy phát triển phong trào đọc sách, mang tri thức đến với địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện ngày càng hiệu quả, huy động nguồn lực to lớn từ các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội để xây dựng hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Xe ô tô thư viện lưu động của Thư viện tỉnh phục vụ bạn đọc tại Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu).   Bài và ảnh: Khánh Dũng
Xe ô tô thư viện lưu động của Thư viện tỉnh phục vụ bạn đọc tại Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu).

nhiều địa phương trong tỉnh, các mô hình: “Tủ sách làng văn hóa”, “Tủ sách dòng họ”, “Tủ sách giáo xứ”… đã được xây dựng, duy trì hoạt động tốt và phát huy những lợi ích thiết thực của đọc sách trong đời sống xã hội. Nam Trực là huyện đầu tiên của tỉnh phủ “tủ sách” toàn bộ hệ thống giáo dục từ mầm non đến THCS. Với mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp của sách đến tâm hồn trẻ thơ đã thôi thúc nhiều người dân địa phương và con em xa quê hương tích cực đóng góp công sức của mình xây dựng “tủ sách cộng đồng”. Trong đó, chị Vũ Thị Thu Hà là người khởi xướng phong trào cựu học sinh và những người con xa quê đưa sách về trường cũ từ tháng 9-2014. Đến nay, các cựu học sinh của huyện Nam Trực đã quyên góp tặng cho trường cũ hàng trăm “tủ sách lớp học”. Tại huyện Trực Ninh, 100% các trường tiểu học, THCS, 70% trường THPT trên địa bàn huyện đã xây dựng được “tủ sách lớp học”, kinh phí chủ yếu từ các tổ chức xã hội. Cũng được truyền cảm hứng từ chương trình “Sách hóa nông thôn”, nhiều người hoạt động thiện nguyện ở các địa phương trong tỉnh đã trở thành những hạt nhân tích cực chung tay đưa tri thức về cơ sở. Chương trình “Sách hóa nông thôn” được ngành GD và ĐT triển khai với nhiều mô hình như: “Tủ sách phụ huynh” (Hải Hậu), “Tủ sách lớp học” (Nam Trực), “Tủ sách khởi nghiệp” (Giao Thủy)… Việc đưa sách đến từng lớp học trong các nhà trường không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh được đọc sách, mượn sách mà còn kích thích sự tò mò, sáng tạo, học và làm theo sách. Từ đó lan tỏa tình yêu đối với sách, nâng cao ý thức tự giác và tinh thần chia sẻ trách nhiệm trong mỗi học sinh. Từ năm 2015, Hội Doanh nhân Hải Hậu tại Hà Nội đã phối hợp với UBND, Phòng GD và ĐT huyện, các nhà trường, Hội đồng hương Hải Hậu tại Hà Nội, Hội thầy thuốc Hải Hậu tại Hà Nội... tích cực đóng góp, ủng hộ chương trình “Tủ sách lớp học”. Chị Nguyễn Thị Hương Liên, đại diện Hội Doanh nhân Hải Hậu tại Hà Nội là một trong những người đầu tiên có ý tưởng tặng sách cho các trường học trên địa bàn huyện. Chị đã góp kinh phí xây dựng tủ sách lớp học tại 5 xã và thư viện của 2 trường THCS ở huyện Hải Hậu và huyện Nghĩa Hưng. Ngoài ra, còn có các cá nhân tiêu biểu như: ông Đinh Quang Chiến đóng góp 50% kinh phí thực hiện chương trình; ông Mai Xuân Hiền, chị Trần Thị Phương Quỳnh, đảm nhận lựa chọn danh mục các đầu sách cho các cấp học; ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Hội Doanh nhân Hải Hậu tại Hà Nội đóng góp kinh phí và vận động hội đồng hương các xã chung tay ủng hộ; anh Vũ Mạnh Cường tài trợ kinh phí và xây dựng, quản trị website tusachlophoc.vn. Nhờ những đóng góp của các “mạnh thường quân”, đến nay, các trường học trên địa bàn huyện đều được trang bị “tủ sách lớp học” đồng bộ; trung bình 1 tủ sách/lớp học, trị giá 2 triệu đồng với 40-50 đầu sách. Tổng kinh phí huy động tài trợ sách lên tới hàng tỷ đồng; trong đó, 80% kinh phí do các doanh nhân tài trợ, 20% từ hội đồng hương và cộng đồng. Đặc biệt, trong “tủ sách lớp học” của học sinh tiểu học, THCS có nhiều cuốn sách về lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Quần Anh - quê hương Hải Hậu xưa; tìm hiểu về truyền thống văn hóa, các ngành nghề; các quan điểm triết lý nhân sinh cổ xưa và hiện đại… Ở huyện Xuân Trường “tủ sách lớp học” của Trường Tiểu học và Trường THCS Thọ Nghiệp do ông Phạm Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện tài trợ với hơn 1.000 bản sách. Sau khi có tủ sách, các nhà trường đã phát động học sinh sưu tầm các loại sách, báo hay để hàng tháng mang đến lớp học bổ sung cho tủ sách thêm phong phú, phục vụ nhu cầu đọc đa dạng của học sinh. Theo đánh giá của giáo viên và phụ huynh ở huyện Xuân Trường thì việc xây dựng đồng bộ “tủ sách lớp học” đã tác động tích cực tới chất lượng giáo dục trong các nhà trường; đồng thời lan tỏa tới cộng đồng con em các địa phương ở nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế trong công tác vận động tài trợ, ủng hộ sách. Ở huyện Ý Yên, các doanh nhân của huyện tại Hà Nội không chỉ tài trợ mà còn tham gia hướng dẫn quản lý và luân chuyển, giữ gìn sách. Nhiều đầu sách thu hút sự quan tâm của đông đảo các giáo viên và học sinh như: sách dành cho giáo viên: Đắc nhân tâm (thuật ứng xử), 10 vạn câu hỏi vì sao (khoa học), sách dành cho thiếu nhi: Những điều kỳ thú về trái đất (khoa học), Nhật ký chú bé nhút nhát (truyện)… Ở huyện Giao Thủy, từ sự tài trợ của Hội Cựu học sinh Giao Thủy, nhiều trường học trên địa bàn có “tủ sách lớp học” đồng bộ như: Trường Tiểu học Hồng Thuận và các Trường THCS: Giao Thủy, Bạch Long, Bình Hòa, Hồng Thuận, Giao Thanh, Giao An, Giao Hương… Các “tủ sách lớp học” đều có ban quản lý, có hồ sơ quản lý tủ sách một cách khoa học gồm sổ mượn sách, sổ ghi chép mã số sách, nội quy tủ sách do chính học sinh cùng tham gia quản lý. Các tủ sách đa dạng về chủng loại đã cung cấp các kiến thức ngoài trường học, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh.

Với sự ủng hộ, đóng góp của các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong việc quyên góp, ủng hộ sách, khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở, phong trào đọc sách ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 10 thư viện cấp huyện, thành phố, 4 thư viện cấp xã, 1.341 phòng đọc, tủ sách cơ sở (229 tủ sách pháp luật, 198 điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ sách, báo, 914 tủ sách làng, thôn, xóm TDP) và 3 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng; 100% trường học các cấp trong tỉnh đều có thư viện, hơn 10 nghìn “tủ sách lớp học” các cấp học. Bên cạnh các thư viện truyền thống với hàng nghìn đầu sách, nhiều trường đã đầu tư thư viện điện tử hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu, tìm kiếm sách và tài liệu tham khảo của cán bộ, giáo viên và học sinh. Mỗi năm các trường học trong tỉnh đã quyên góp được số lượng lớn sách giáo khoa để tặng, cho mượn đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với Chương trình “Sách hóa nông thôn”, hiện nay, Thư viện tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai các hoạt động luân chuyển, phục vụ sách, báo tại các địa phương qua các chương trình “Ngày hội đọc sách”, “Hành trình ánh sáng tri thức - Thư viện lưu động đa phương tiện”, “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”…; qua đó giúp học sinh và người dân từ thành thị đến nông thôn tiếp cận gần hơn với sách, tạo niềm yêu thích đọc sách, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, lan tỏa tri thức trong cộng đồng./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com