"Mái nhà chung" của những người yêu thơ Thành Nam

08:04, 23/04/2021

Trong tiết Thanh Minh một ngày trung tuần tháng 4, giữa không khí chân tình ấm áp, các hội viên CLB Thơ Việt Nam thành phố Nam Định cùng nhau chia sẻ niềm đam mê trong buổi lễ kết nạp hội viên mới và ra mắt tập thơ Đường Hoa (NXB Hội Nhà văn) - ấn phẩm đầu tiên của CLB sau 2 năm tái lập. 

Một tiết mục văn nghệ của CLB Thơ Việt Nam thành phố Nam Định tại lễ kết nạp hội viên, giới thiệu tác phẩm và giao lưu thơ ca.
Một tiết mục văn nghệ của CLB Thơ Việt Nam thành phố Nam Định tại lễ kết nạp hội viên, giới thiệu tác phẩm và giao lưu thơ ca.

Được biết đến như là “mái nhà chung” của các cây bút Thành Nam yêu thơ, CLB tuy mới có gần 2 năm tái hoạt động, nhưng bằng tâm huyết của Ban chủ nhiệm gồm các nhà thơ: Trần Như Chuyên (bút danh Thanh Tùng), Phạm Ngọc Toàn (bút danh Tú Bánh Chè), Trần Thanh Hiền (bút danh Hương Giang) và các hội viên, CLB đã tổ chức được nhiều hoạt động văn học - nghệ thuật ý nghĩa, góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh đẹp về tình yêu quê hương đất nước, vẻ đẹp của đất và người Nam Định đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và cả nước. Chưa đầy 2 năm, CLB đã tổ chức và tham gia nhiều sự kiện, chương trình giao lưu, giới thiệu thơ với các CLB thi ca trong và ngoài tỉnh như: Miền Thu không lỗi hẹn, Gặp gỡ sông Sồi (lần 7), Giới thiệu thơ hội viên lần thứ nhất, Màu xanh áo lính, Hương sắc Liễu Đề, Thơ mừng đất nước (Nam Trực), Dòng đời vẫn chảy... Với 40 hội viên, trong đó đa số đều là những người đã nghỉ hưu, trở thành “tỷ phú thời gian” có điều kiện để nghiền ngẫm, chiêm nghiệm chuyện mình, chuyện đời và trải lòng với thơ. Tập thơ đầu tiên “Đường Hoa” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2020) tập hợp gần 60 bài thơ của hội viên viết về tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước, con người Thành Nam văn hiến, vẽ một bức tranh đa sắc, đa thanh. Tác giả Phạm Quốc Khánh, nhà thơ đã có nhiều tác phẩm đã được xuất bản trên các báo Trung ương, địa phương, xuất bản nhiều tập thơ như: “Hoa của đất”, “Thu mong manh”, “Uớc vọng xanh”, “Cộng vào khoảng trống”, “Vịn bóng mùa xưa” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) đóng góp 3 bài thơ trong tập Đường Hoa. Ông quan niệm, thơ cốt gợi chứ không cốt tả, giấu vào phía sau con chữ những điều ấp ủ không chỉ riêng mình, nói được điều gì đó đụng chạm đến thẳm sâu nhân tình thế thái sẽ đến gần với thành công hơn: “Nâng niu từng giọt hoà bình/ Chắt yêu thương để ta mình là nhau/ Quý vì chữ biết lắng sâu/ Nên thơ bởi tại ta đau cùng mình”, bài “Với thơ”. Tác giả Dân Hoàng với nhịp cầu thơ đa sắc màu, gắn kết bè bạn bốn phương, kết luận: “Cuộc đời như một bức tranh/ Dẫu là đen trắng vẫn dành cho nhau” (Nối nhịp); tác giả Trần Văn Đại chỉ mấy hình ảnh liên tưởng đầy chất thơ cho ta sự bất ngờ thú vị: “Em như là hạt mưa/ Rơi đau thềm cỏ dại/ Bóng em xa dần mãi/ Khoảng trống giờ bên tôi” (bài “Khoảng trống”); tác giả Vũ Sỹ Định với ý thơ lạ, khai thác những điều “không thường tình” trong bài “Biển mùa đông”: “...Mênh mông của biển như thơ ấy/ Biển cũng như thơ, cũng trải lòng”; tác giả Thanh Hiền giàu chất sáng tạo, sử dụng nhiều thuật ngữ, thủ pháp tư duy, trừu tượng: “Em lại về bên biển/ Xôn xao lời bình yên/ Chút duyên thơ bỏ ngỏ/ Lăn tăn rẽ ưu phiền” (bài “Biển lặng”). Tác giả Trang Minh, nhẹ nhàng, mềm mại đong đếm tháng ngày, chắt chiu dịu ngọt pha lẫn chút men cay, man mác nỗi niềm nhân thế xa xôi trong bài Dòng sông tình yêu: “Dòng sông chiều êm trôi/ Nước dâng lên màu ngọc/ Em soi gương chải tóc/ Cài trâm cho cuộc tình”; tác giả Nguyễn Mạnh Quỳnh với Khúc mùa hè sâu lắng: “Tình xin theo cánh phượng hồng/ Lần tìm dĩ vãng lẫn trong nắng hè/ Nhẩn nha nhặt nhặt tiếng ve/ Ngược dòng gửi nhớ thương về tuổi thơ”. Tả mà không tả đó là chất thơ ấm nồng, đằm thắm... con người, cảnh vật hoà quyện tạo nên bức tranh sinh động lưu luyến, trữ tình trong bài “Chợ Viềng” của tác giả Cao Kim Quy: “Gió đồng phủ Mẫu nẩy thơ/ Để người đi chợ thẫn thờ mặc trôi/ Bán mua ồn ã chợ đời/ Có ai mặc cả những lời tương tư”. Hay là những con người đã đi một chặng dài đường đời, nặng lòng với quê hương nơi sinh ra, lớn lên chất đầy kỷ niệm mà thấy mình chưa làm được gì nhiều cho quê hương nên đã dành tất cả những gì tốt đẹp nhất dồn nén bao năm tạo thành ý thơ như tác giả Dương Bá Thiệu trong bài “Chiều Thu”; tác giả Phạm Ngọc Toàn với bài “Nhớ...”...

Giữa khu vườn thi ca, mỗi tác giả đều để lại dấu ấn riêng. Mỗi một tác phẩm là sự gửi gắm cảm xúc, tình yêu chân thành, giản dị, tri ân sâu sắc của các hội viên đến quê hương, qua đó góp phần làm nên hương sắc muôn màu, thi vị trong vườn hoa thi ca Thành Nam. Với những hoạt động bổ ích, CLB Thơ Việt Nam thành phố Nam Định đang là điểm tựa tinh thần, điểm đến nhung nhớ cho những người yêu thơ ca trên mảnh đất Thành Nam./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com