Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà còn với việc giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc qua các thế hệ, là một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững đất nước.
Hướng tới phát triển gia đình trong bối cảnh mới, một số vấn đề đặt ra trong xây dựng gia đình cần tiếp tục xem xét, làm cơ sở cho việc xây dựng các chiến lược, chính sách về gia đình phù hợp thời gian tới.
Hiện nay, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền ở nước ta còn lớn, bất bình đẳng thu nhập dân cư có xu hướng gia tăng; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; tệ nạn xã hội nhiều nơi diễn biến phức tạp; bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em có nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em gây bức xúc xã hội; đời sống của người yếu thế còn nhiều khó khăn...
Ảnh minh họa/Internet. |
Một số khuyến nghị trong xây dựng chiến lược gia đình trong giai đoạn 2021-2030
Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra các điều kiện, cơ hội thuận lợi để các gia đình tiếp cận kiến thức, giá trị tốt đẹp của các dân tộc, các nền văn hóa khác, kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại, song cũng tiềm ẩn những thách thức về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, việc cân bằng giữa công việc và gia đình, suy giảm quan hệ liên thế hệ, mối quan hệ giữa vợ và chồng cũng đối mặt với nhiều khó khăn cả từ hệ thống chính sách, dịch vụ hỗ trợ và đặc biệt là sự phát triển chưa đồng đều của các nhóm xã hội ở các địa phương, các đặc điểm cá nhân và gia đình, văn hóa khác nhau... Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cần tiếp tục giữ gìn giá trị gia đình, đồng thời đặt gia đình trong mối quan hệ tương tác với các thiết chế xã hội khác, như kinh tế, văn hóa, chính trị…, thúc đẩy vai trò và sự tham gia của gia đình vào quá trình phát triển xã hội bền vững.
Để thực hiện được mục tiêu trên, một số khuyến nghị được đề xuất là:
Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Tổ chức đánh giá, tổng kết chính sách về gia đình, trên cơ sở đó cung cấp các luận cứ khoa học và đề xuất xây dựng các chiến lược, chính sách mới phù hợp với đặc điểm gia đình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội bền vững giai đoạn 2021-2030. Chiến lược phát triển gia đình giai đoạn 2021-2030 nên sớm được xây dựng để cùng nhịp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bình đẳng giới... Rà soát và bổ sung một số văn bản pháp luật với những định hướng mới phù hợp với bối cảnh xã hội và những vấn đề đang nảy sinh.
Thứ hai, thúc đẩy giáo dục gia đình và các dịch vụ hỗ trợ gia đình. Chú trọng giáo dục gia đình. Tránh sự phân biệt giới trong việc dạy dỗ con cái. Cần thay đổi định kiến hay khuôn mẫu giới bắt đầu từ chính các công việc nhà hằng ngày trong gia đình, từ sự dạy dỗ hay phân công công việc của cha mẹ dành cho con cái.
Bố mẹ cần xác định tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức và lối sống trong gia đình, quan tâm tạo dựng môi trường gia đình, xây dựng nền nếp, truyền thống đạo đức gia đình, lối sống lành mạnh, tình cảm yêu thương, chia sẻ, quan tâm, lắng nghe và tôn trọng con cái. Một môi trường gia đình tốt sẽ giúp trẻ em có nền tảng đạo đức, lối sống tốt.
Giáo dục trước hôn nhân nhằm cung cấp cho những người trưởng thành kiến thức cần thiết về tình bạn, tình yêu, tình dục, sức khỏe sinh sản, Luật Hôn nhân và Gia đình, điều kiện kết hôn, lựa chọn bạn đời, quan hệ vợ chồng,... Xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp
của gia đình Việt Nam truyền thống. Có các biện pháp hỗ trợ, trang bị kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ trong việc giáo dục, định hướng lối sống phù hợp cho trẻ vị thành niên cũng như trong ứng xử giữa các thế hệ của gia đình nhằm giảm thiểu khoảng cách bất đồng giữa các thế hệ. Hỗ trợ để các bậc cha mẹ có phương pháp, biện pháp, nội dung giáo dục phù hợp với sự thay đổi những giá trị mới của gia đình trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Có nhận thức đầy đủ về hệ thống dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình, xây dựng danh mục dịch vụ công và cơ chế quản lý đối với từng loại hình dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình. Nghiên cứu và triển khai những dịch vụ gia đình cần thiết để hỗ trợ cho công việc nội trợ và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ sắp xếp và tổ chức cuộc sống gia đình của người di cư lao động nhằm bảo đảm sự ổn định, an toàn của cuộc sống gia đình. Xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, kiên quyết đấu tranh chống những tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí và lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách trẻ em.
Thứ ba, sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị và xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống cho trẻ em.
Gia đình cần phối hợp chặt chẽ hơn với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ em. Thông qua quan hệ chặt chẽ với nhà trường, gia đình có thể nắm bắt rõ tình hình con cái, can thiệp giáo dục kịp thời khi con cái có biểu hiện sai lệch về lối sống, đạo đức, hạn chế những tác động tiêu cực từ phía xã hội, đồng thời khen thưởng và động viên khi con cái có thành tích học tập, rèn luyện tốt, tạo thêm động lực cho trẻ phát huy những điểm mạnh, sở trường. Khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn nếu bố mẹ của trẻ tham gia vào các hoạt động học tập của trẻ và có những hỗ trợ tích cực về mặt tinh thần, qua đó giúp trẻ phát triển hơn về tinh thần, đạo đức.
Trong môi trường xã hội, cần xác định các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống là một trong những bộ môn chính trong chương trình giáo dục từ cấp mẫu giáo trở lên. Đồng thời, cải thiện chương trình giáo dục về đạo đức, lối sống trong trường học theo hướng tăng cường các nội dung và đa dạng hóa hình thức giảng dạy có tính thực tế giúp thay đổi nhận thức và hành vi nhiều hơn.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình.
Công nghiệp hóa cần tạo cơ hội công bằng để tất cả các hộ gia đình ở mọi vùng, miền, tất cả các dân tộc, khu vực thành thị và nông thôn, nhóm hộ giàu và hộ nghèo đều có thể tham gia vào quá trình phát triển. Quan điểm này cũng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng toàn diện mà Việt Nam đang hướng tới, đó là “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển.
Cần nắm bắt đúng xu hướng biến đổi chức năng kinh tế của gia đình để có những chính sách phù hợp, thúc đẩy những yếu tố tích cực và giảm thiểu những yếu tố tác động tiêu cực tới chức năng kinh tế gia đình.
Nhà nước thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội lấy gia đình là trọng tâm, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế gia đình. Khuyến khích các thành viên trong gia đình hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong cuộc sống nhằm duy trì giá trị truyền thống gắn kết giữa các thành viên trong gia đình Việt Nam.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bình đẳng giới.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được hạnh phúc, được thể hiện bản thân, đồng thời đóng góp tốt cho xã hội.
Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, có hệ thống dịch vụ hỗ trợ (ví dụ như hệ thống nhà trẻ chăm sóc ban ngày…), giúp phụ nữ sẵn sàng và thuận lợi hơn trong tham gia xã hội.
Thứ sáu, phổ biến kết quả nghiên cứu nhằm giữ gìn, phát huy và định hướng dư luận xã hội cho các giá trị gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng nội hàm mới cho mục tiêu xây dựng gia đình trong thời kỳ mới, hướng tới xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam thịnh vượng, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh./.
Theo TCCS