Làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực) là vùng đất cổ được hình thành cách đây hơn 1.000 năm. Từ một vùng quê dân cư thưa thớt, đến nay làng Thanh Khê có gần 2.000 nhân khẩu thuộc 13 dòng họ; trong đó, nhiều dòng họ sinh sống ở làng trên 30 đời như: họ Đoàn, họ Vũ, họ Lê, họ Phạm và một số dòng họ nhỏ sinh sống từ 6-7 đời như: họ Thiều, họ Nguyễn... Các dòng họ ở Thanh Khê có truyền thống văn hóa - hiếu học, người dân cần cù, chịu khó, luôn đoàn kết, yêu thương, chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Trong sinh hoạt, từ việc “công” đến việc “tư”, người làng Thanh Khê luôn đề cao 2 chữ “liêm” và “sỉ” để ý thức hành động, ứng xử của bản thân, sống liêm khiết, không vi phạm pháp luật, văn minh, tiết kiệm, chăm lo cuộc sống gia đình và đóng góp thiết thực cho xã hội.
Người dân làng Thanh Khê dựng cây đu chuẩn bị hội làng. |
Trải qua hơn 10 thế kỷ, các thế hệ người dân ở Thanh Khê vẫn gìn giữ, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán cộng đồng. Dân làng Thanh Khê toàn tòng theo đạo Phật, có đời sống tâm linh phong phú, luôn coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ nhân thần. Làng có hệ thống di tích dày đặc; đặc sắc nhất là Cụm di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh với lịch sử khởi lập gần 1.000 năm, gồm: Chùa Hinh Lang, Đền Thành Hoàng, Phủ Thiên Tiên Thánh Mẫu, Động Thanh Am. Đền Thành Hoàng thờ Đức Bản cảnh Thành Hoàng - Chiêu Minh Viện phi Công chúa. Sự tích về bà được sách “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược” của Khiếu Năng Tĩnh ghi lại: Vào thời Lý, tại xã Thanh Khê, huyện Nam Chấn có người con gái họ Vũ, tên là Phương Dung, lúc sinh ra khí lành tỏa khắp nhà. Khi lớn lên, nàng đi tới đâu cũng có đám mây hình chiếc lọng che, trời nắng bỗng hóa râm, trời mưa cũng thành tạnh. Sau này bà trở thành Nguyên phi của vua Lý. Sau khi bà mất, Vua Lý Anh Tông vô cùng thương xót, truy tặng làm Hoàng phi và cho thuyền rồng đưa linh cữu về làng Thanh Khê an táng. Dân làng Thanh Khê đã lập đền thờ phụng ngay tại nơi yên nghỉ của bà. Tại tòa trung đường Đền Thanh Khê vẫn còn đôi câu đối ghi nội dung sự tích trên: “Vân tản triệu tường Tiên ứng hiển/ Long chu quy tặng Đế ân thâm” (Mây tỏa điềm lành Tiên hiển ứng/ Thuyền rồng ban tặng nhớ ơn Vua). Hàng năm, làng Thanh Khê diễn ra nhiều lễ hội tại các di tích, nhưng đông vui và hội tụ nhiều trò chơi dân gian độc đáo là dịp chính hội mồng 9-3 (âm lịch). Vào ngày này, bà con trong làng tạm gác công việc đồng áng, tham gia vào các hoạt động lễ hội như: tế lễ, rước kiệu, thi đánh cờ tướng, cờ người, chọi gà... Trong số những trò chơi dân gian ở làng Thanh Khê thì chơi đu tiên mỗi dịp đầu Xuân mới thu hút đông già trẻ, trai gái trong làng tham gia. Trò chơi đu tiên tại sân Đền Thành Hoàng từ lâu đã trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa in sâu vào tiềm thức của người dân địa phương. Từ những ngày cận tết, các cụ già cao tuổi có kinh nghiệm dựng cây đu của làng đã đi tìm, chọn những cây tre già, dẻo dai để làm cây đu. Giàn đu gồm 4 cây tre to, thẳng cắm xuống đất tạo thành 2 trụ đỡ. Tre làm trụ biểu trưng cho sự vững chãi, chắc chắn nên làng chỉ chọn tre của gia đình nào có cuộc sống viên mãn, con cái ngoan ngoãn, học hành tiến bộ. Thượng đu làm bằng 2 thanh tre ngang nối 2 phần trụ với nhau. Nhà nào làm kinh tế giỏi được chọn cây tre bánh tẻ nhỏ hơn, nhẵn nhụi vừa với tay cầm để làm bộ ròng rọc và tay vịn của đu. Phần mõ đu là tre có độ bền, chắc được chọn từ gốc tre già mọc ở vườn nhà các cụ cao tuổi. Cụ Vũ Văn Nghiễn (85 tuổi), người nhiều năm được dân làng tín nhiệm phụ trách việc làm đu kể: Mỗi bộ phận của cây đu đều mang một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt nên cả làng chỉ hơn chục hộ được góp tre làm đu. Vào thời khắc Giao thừa, cả làng tề tựu trước sân đền làm lễ đưa đu. Cụ cao niên được làng trọng vọng nhất ăn vận quần áo chỉnh tề, chủ trì lễ đưa đu kính cẩn dâng hương, đọc bài văn tế. Sau đó, một cao niên còn đủ sức khoẻ được dân làng tiến cử bước lên cây đu mở màn. Nam nữ trong làng chơi đu cho đến hết tháng Giêng mới hạ đu. Không chỉ là trò chơi dân gian đầu xuân mang tính chất vui chơi, giải trí, trò chơi đu tiên còn mang ý nghĩa gửi gắm ước nguyện về một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Làng Thanh Khê là vùng đất có sản vật nông nghiệp phong phú như: lúa, ngô, khoai, sắn, đậu, đỗ và rau màu; đặc biệt là hàng chục mẫu đất trồng chè xanh từ hàng trăm năm trước. Cây chè Thanh Khê có chiều cao từ 2-5m, lá xanh bóng, to, có răng cưa, gân lá nổi. “Tháng dư, ngày rảnh”, các cô, các bà làng Thanh Khê lại rủ nhau hái chè mang ra chợ bán. Xưa kia 1 nón chè có giá trị tương đương với 1 ống gạo (0,8kg). Để hãm được ấm nước chè xanh có hương vị đượm, ngọt dịu thì việc pha chế đúng công thức là bí quyết của người dân nơi đây. Sau khi hái, lá chè được rửa sạch, thái nhỏ, chiều dài của mỗi đoạn chừng 2 đốt ngón tay rồi cho vào ấm sành với số lượng lá đầy chạm nắp ấm. Sau đó đổ nước sôi để rửa qua, nhân dân địa phương gọi nôm na là “làm lông” lá chè. Tiếp theo tráng, đổ đầy nước sôi vào ấm, đậy kín nắp và vòi ấm, ủ ấm trong giỏ tre khoảng 15-20 phút cho chè chín là được ấm chè ngon. Chè xanh làng Thanh Khê nổi tiếng vì nước xanh, hương thơm, vị ngọt thanh, đậm nên cứ thu hoạch đến đâu là bán hết ngay đến đấy.
Khách buôn từ khắp các xã, thị trấn lân cận kéo về đặt mua ngay tại vườn. Ngày nay, với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chè, nhiều loại chè chế biến ra đời, bày bán rộng rãi trên thị trường nhưng nước chè xanh Thanh Khê vẫn là thứ đồ uống thông dụng truyền thống của người dân nơi đây và bất kỳ ai đã một lần đến thăm làng Thanh Khê đều được thưởng thức và nhớ mãi.
Cùng với việc canh nông, dân làng Thanh Khê luôn chăm lo cho sự nghiệp học hành của con em trong làng. Làng Thanh Khê từ xưa đến nay “nổi danh” là làng giáo viên với nhiều người công tác trong ngành giáo dục và đào tạo. Hiện trong làng có hơn 100 nhà giáo các bậc học; trong đó, nhiều người là giảng viên của các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước. Là địa phương đi đầu trong phong trào “Khuyến học - khuyến tài” của huyện, cứ vào mồng 4 Tết Nguyên đán dân làng Thanh Khê lại tưng bừng tổ chức “Ngày hội khuyến học”. Trước giờ khai hội, tại đền làng, các bậc cao niên trong làng làm lễ dâng hương tưởng nhớ Thành Hoàng, báo cáo thành tích học tập của con cháu, tôn vinh, khen thưởng những học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập; đồng thời động viên, khích lệ các gia đình, dòng họ tạo điều kiện để con cháu học hành ngày càng tiến bộ, làm tốt công tác khuyến học - khuyến tài, góp phần xây dựng mô hình “Gia đình hiếu học”, “Làng quê hiếu học”. Những gia đình có con em học tập đạt thành tích cao sẽ được Ban Khuyến học của làng tặng giấy khen. Trong dịp này, làng cũng tổ chức lễ mừng thọ cho những người cao tuổi trong làng. Qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương.
Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, làng cổ Thanh Khê hôm nay đang dần đổi thay, phát triển không ngừng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, bền vững. Vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng đặc trưng của một làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ với những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương vẫn được các thế hệ người dân Thanh Khê gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại, tạo thành sức mạnh nội lực dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng