Người Việt xưa có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” với hàm ý nêu bật vị trí, tầm quan trọng của con trâu trong nền kinh tế nông nghiệp lúa nước. Theo lịch Can - Chi, con trâu (sửu) ở vị trí thứ 2, sau con chuột (tý) trong số 12 con giáp. Từ dòng chảy văn hóa dân gian, hình tượng con trâu đã khơi nguồn cảm xúc, trở thành mạch nguồn sáng tác cho các hoạ sĩ Nam Định.
Ở bộ môn Mỹ Thuật, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, cố họa sĩ Hồ Y được mệnh danh là “người lưu giữ hồn Thành Nam” với gần 20 bức tranh vẽ về phố cổ. Vốn sinh ra ở huyện Nam Trực, sau này sống ở thành phố Nam Định, nhưng trong tâm tưởng ông luôn hoài niệm về những hình tượng làng quê như con trâu, cây đa, bến nước… vì vậy, một số bức tranh vẽ về phố của hoạ sĩ Hồ Y vẫn phảng phất hình tượng làng quê. Bến đò Chè Nam Định được thể hiện qua tranh của họa sĩ Hồ Y thật sinh động. Ở đó là cảnh sinh hoạt thanh bình của bến đò xưa, dưới sông tấp nập thuyền ngược xuôi chở hàng hóa, trên bờ các cô, các chị đội thúng, mủng chuẩn bị xuống đò; xung quanh là những dãy tre xanh có hình ảnh con trâu đang nhẩn nha gặm cỏ. Hoạ sĩ Hồ Y đã vẽ con trâu vào một trong 4 “điểm mạnh” để thu hút thị giác người xem, bởi vậy nhìn tổng thể con trâu tuy nhỏ bé nhưng lại là điểm nhấn quan trọng thổi hồn vào tác phẩm. Bức tranh “Bến đò Chè” sau này được Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Việt Nam mua lại và lưu trữ. Bức tranh “Nguyễn Bính - con đê đầu làng” của cố hoạ sĩ Hồ Y lấy cảm hứng từ bài thơ “Chân quê” của nhà thơ Nguyễn Bính, trong đó có câu thơ: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Đợi em ở mãi con đê đầu làng”. Bức tranh tái hiện một làng quê thu nhỏ, ở đó có chiếc cổng làng quen thuộc, điểm xuyết là hàng cau, gà mẹ gà con, đôi trâu đang thong dong trên đường đê, người phụ nữ đứng chờ đò và tiền cảnh góc trái của bức tranh là nhà thơ Nguyễn Bính. Bức tranh “Ao thu Nguyễn Khuyến” được tác giả Hồ Y lấy cảm hứng từ chùm thơ thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Trong bức tranh tiền cảnh chủ đạo là ao nước trong xanh, điểm xuyết một vài lá sen, hoa đã trơ phần nhuỵ báo hiệu mùa thu sang. Trung cảnh với “điểm nhấn” là cổng làng, tán lá úa màu, đụn rơm vàng và 2 con trâu: 1 con phía bên phải được buộc vào gốc tre xanh, 1 con đang nằm yên bình trước khung cảnh làng quê vắng bóng người. Hậu cảnh thấp thoáng những mái nhà, với cây cau và màu xanh của trời thu. Qua các bức tranh của hoạ sĩ Hồ Y có thể thấy ông luôn đề cao yếu tố cảm xúc, không lệ thuộc nhiều vào các kỹ thuật bác học hội họa. Các mảng màu trên tranh của họa sĩ Hồ Y đa dạng, phong phú, đan xen nhau hài hòa, hợp lý, trong đó gam màu ấm chiếm chủ đạo.
“Mùa hoa xoan” - Tranh sơn dầu của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Châu. |
Hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Châu, hội viên Hội VHNT tỉnh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam có nhiều tranh sáng tác về chủ đề đồng quê, phong cảnh Việt Nam. Trong đó, một trong những đề tài làm nên tên tuổi của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Châu là các bức tranh vẽ về con trâu. Ông cho biết: “Sinh ra ở làng quê ven sông Đáy (Ninh Bình), những hình ảnh gắn liền với cuộc sống thôn quê đã hằn sâu trong tâm hồn tôi, thôi thúc tôi sáng tác”. Những tác phẩm tiêu biểu về đề tài con trâu của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Châu có thể kể đến như: “Chọi trâu”, “Mùa hoa xoan”, “Tình mẫu tử”, “Lão nông và đàn trâu”, “Trong vườn”… Tác phẩm “Mùa hoa xoan” (sáng tác 1980) là một trong những bức tranh đầu tiên hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Châu vẽ về đề tài con trâu. Ông cho biết: “Bức tranh được lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế một vùng nông thôn ở Nam Định. Trước khung cảnh mùa xuân, hoa xoan đang rộ tím, lại bắt gặp hình ảnh 2 con trâu đang âu yếm nhau dầm mình trong đầm, tôi vội lấy giấy bút vẽ phác thảo… sau đó về nhà vẽ tranh chất liệu sơn dầu kích thước 1,6mx2m”. Bức tranh “Mùa hoa xoan” được chọn Triển lãm Mỹ thuật Hà Nội năm 1980. Khác với sự nhẹ nhàng của “Mùa hoa xoan”, tác phẩm “Chọi trâu” của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Châu vẽ năm 2000 bằng chất liệu sơn dầu lại mang đến cảm giác gay cấn cho người xem. Trung tâm bức tranh là 2 con trâu đang chọi nhau trong thế giằng co quyết liệt. Để thể hiện sự căng thẳng, tinh thần đua tranh, tác giả sử dụng gam màu nóng làm chủ đạo, các lớp màu có độ tương phản cao, mảng màu cụ thể, đường nét dứt khoát. Tác phẩm “Chọi trâu” được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật đồng bằng sông Hồng năm 2000. Bức tranh “Lão nông và đàn trâu” vẽ năm 1998 là một trong những bức tranh nổi tiếng của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Châu vẽ về con trâu. Bức tranh được vẽ gam màu nóng, tái hiện cảnh người nông dân đang dắt đàn trâu trở về trong ráng chiều. Hình ảnh đàn trâu đều tăm tắp, sung sức thể hiện dụng ý của tác giả muốn nêu bật sức phát triển ngành chăn nuôi nông thôn. Năm 1998, bức tranh tham gia triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Qua các tác phẩm về đề tài con trâu, có thể thấy hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Châu sử dụng nhiều thủ pháp từ vẽ hiện thực, trìu tượng, thể hiện, lập thể. Các tác phẩm của ông được vẽ ở nhiều trường phái nhưng đều có điểm chung đó là giàu cảm xúc, lôi cuốn người xem.
Hình tượng con trâu với cuộc sống ở nông thôn là đề tài giàu sức lôi cuốn của bộ môn Mỹ thuật, Hội VHNT tỉnh. Với lao động nghệ thuật nghiêm túc các hoạ sĩ thuộc Hội VHNT tỉnh đã và đang góp phần tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống, khơi dậy nét đẹp văn hoá quê hương, đất nước./.
Viết Dư