Nơi kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống

04:01, 01/01/2021

Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định là vùng đất cổ lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể gắn với phong tục, tập quán, đời sống cộng đồng. Trong đó, các loại hình nghệ thuật phong phú từ dân ca, dân vũ như: hát chèo, hát văn, ca trù, hát xẩm đến nghệ thuật biểu diễn truyền thống như: múa tứ linh, múa rối nước, rối cạn, cà kheo. Trong bối cảnh hội nhập, mở rộng giao lưu văn hóa, việc bảo tồn, kế thừa giá trị các di sản văn hóa là nhiệm vụ quan trọng luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành VH, TT và DL tỉnh quan tâm gìn giữ, phát huy tạo nên bản sắc văn hóa riêng có của vùng đất “Địa linh nhân kiệt”.

Hát chèo trong lễ hội Đền Trần (thành phố Nam Định).
Hát chèo trong lễ hội Đền Trần (thành phố Nam Định).

Ở tỉnh ta, các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian là “tiếng nói” của người dân, là bản sắc văn hóa làng xã và cũng là nét đặc trưng để phân biệt văn hóa vùng, miền. Nam Định là một trong 14 địa phương hiện còn lưu giữ được loại hình nghệ thuật ca trù - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2012). Nói đến nghệ thuật ca trù tại Nam Định, không chỉ những đào, kép “hát hay, đàn giỏi” đã vang danh sử sách mà còn phải nhắc tới nhà thơ Trần Tế Xương - tác giả của nhiều bài hát ca trù nổi tiếng như: “Thi hồng”, “Ngẫu chiếm”, “Diễu bạn”, “Chú Mãn”... Hiện nay, trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể, tuy ca trù đang được quan tâm đầu tư nghiên cứu, song những giá trị độc đáo, đặc sắc của loại hình nghệ thuật này vẫn chưa được phục dựng nguyên thể do thiếu lực lượng kế cận. Toàn tỉnh hiện chỉ còn huyện Ý Yên gìn giữ được loại hình nghệ thuật này. CLB ca trù Ý Yên được thành lập từ năm 2002 đến nay vẫn duy trì hoạt động với 5 thành viên gồm: bà Nguyễn Thị Lý, chị Bùi Thị Lan (ca nương), anh Ngô Minh Hinh (kép đàn), anh Bùi Ngọc Tĩnh, ông Trần Quang Lộc (trống chầu). Chủ nhiệm CLB ca trù Ý Yên, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trần Quang Lộc là người duy nhất trong huyện có khả năng soạn lời mới cho các bài hát ca trù và đem tâm huyết, lòng nhiệt tình chăm lo, tạo điều kiện để CLB duy trì hoạt động. Gần 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian, ông Lộc còn có công phục dựng các làng chèo trong tỉnh Giao Hải (Giao Thủy), Hải Châu (Hải Hậu) và ngoài tỉnh như Ninh An (Hoa Lư), Liên Huy (Gia Viễn) tỉnh Ninh Bình. NNƯT Trần Quang Lộc đã vinh dự được Bộ VH, TT và DL trao tặng “Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng”.

Nghệ thuật hát văn tại Nam Định có từ thế kỷ XIII, phát triển ở thế kỷ XV, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2016). Cùng với trang phục, âm nhạc, múa thiêng thì hát văn là một yếu tố quan trọng cấu thành nghi lễ chầu văn của người Việt tại Nam Định - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2012). Hiện tại, tỉnh ta có trên 600 người tham gia thực hành nghi lễ chầu văn (khoảng hơn 200 người hầu đồng, 250 người hát văn, 170 người sử dụng nhạc cụ). Đó là những cung văn giàu kinh nghiệm vừa hát vừa phối hợp sử dụng các loại nhạc cụ: đánh đàn, gõ phách, trống. Nghệ thuật hát văn cổ truyền phổ biến ở tỉnh ta chủ yếu được diễn xướng trong các di tích đền, phủ, miếu với 287 di tích liên quan thực hành nghi lễ chầu văn. Tại đây, người hát văn phải lần lượt dâng nhiều bản văn khác nhau được gọi là giá đồng, mỗi giá đồng ứng với một vị Thánh trong điện thần Tam phủ, Tứ phủ theo thứ tự từ cao xuống thấp. Do chuyển tải nhiều bản văn khác nhau nên hát văn là hình thức diễn xướng dân gian bao chứa số lượng làn điệu và thời lượng nhiều hơn so với các loại hình diễn xướng dân tộc khác. Tại các di tích thờ, phối thờ Thánh Mẫu, nghệ thuật hát văn, hầu đồng không chỉ được thực hành trong mỗi dịp lễ hội mà diễn ra vào bất cứ ngày nào trong năm. Ở huyện Vụ Bản, tính bền vững của nghệ thuật hát văn ở xã Kim Thái và một số xã lân cận như: Hợp Hưng, Vĩnh Hào, Quang Trung, Cộng Hoà, Trung Thành đã và đang được tiếp nối từ đời này qua đời khác bởi tính chất “dòng họ hát văn”. Vào ngày mùng 4-3 âm lịch hàng năm, hội thi hát văn trong lễ hội Phủ Dầy có sự tham gia của hàng chục cung văn, nhạc công; trong đó có 60% thí sinh có tuổi đời còn rất trẻ từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố phía Bắc. Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng và sự chung tay của cộng đồng, tỉnh ta vẫn duy trì hơn 10 CLB, tổ, đội hát văn theo lối cổ; tiêu biểu như: CLB bảo tồn nghệ thuật chầu văn Nam Định, CLB hát văn Hành Thiện (Xuân Trường), CLB thơ ca Mỹ Trung, Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê (Mỹ Lộc), CLB nghệ thuật truyền thống huyện Hải Hậu... Trên sân khấu chuyên nghiệp, nhiều năm qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu dàn dựng nhiều tiết mục hát văn để tham dự các hội diễn, liên hoan khu vực và toàn quốc đoạt nhiều giải thưởng cao; đồng thời đẩy mạnh “sân khấu hóa” - diễn xướng hầu đồng biểu diễn phục vụ khán giả. Các giai điệu hát văn được soạn lời mới có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, cổ vũ khối đoàn kết toàn dân chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cũng như một số các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Hồng, nghệ thuật chèo truyền thống được coi là “đặc sản” văn hóa và là thế mạnh của Nam Định tại các cuộc thi sân khấu nghệ thuật từ quần chúng đến chuyên nghiệp. Nhiều năm qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã xây dựng các kịch mục phù hợp thị hiếu của từng nhóm khán giả, thường xuyên tổ chức diễn lưu động tới các vùng quê, các lễ hội, các trường học trong và ngoài tỉnh. Phòng VH-TT, Trung tâm VH, TT và TT các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Giao Thủy, Mỹ Lộc, đã mời các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát về truyền dạy các làn điệu chèo cổ, ca cảnh, hoạt cảnh chèo cho thành viên các CLB văn hóa, nghệ thuật quần chúng tại địa phương. Ngày nay, sự phát triển của các đội, CLB chèo là thành quả của công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân để khôi phục, kế thừa, gìn giữ các loại hình nghệ thuật này. Nhiều đội văn nghệ chuyên hát chèo với các mô hình đội chèo, chiếu chèo, gánh chèo đã vượt qua “cổng làng” để biểu diễn phục vụ các lễ hội, đình đám, mừng thọ. Tại các đất chèo cổ “nức tiếng” xa gần có nhiều nghệ nhân dân gian là những giọng ca, tay đàn, tay trống cự phách như: thôn Hào Kiệt (Vụ Bản); làng Đặng, làng Quang Sán, làng Nhân Nhuế (Mỹ Lộc); làng Phú Vân Nam (Hải Hậu); làng Hoành Nhị (Giao Thủy); làng Nam Phú, làng Hưng Nhân (Xuân Trường)… Ở đó, các nghệ nhân cao tuổi với ý thức và tâm huyết gìn giữ nghệ thuật cổ truyền đã mở lớp dạy đàn, hát dân tộc cho con em trong làng và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, hàng năm, các địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn vào dịp Tết Nguyên đán với các chủ đề như: “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương đổi mới”, “Vui hội làng”…

Là vùng đất “hội tụ” nhiều di tích lịch sử - văn hoá nên sau Tết Nguyên đán, ở khắp các làng quê trong tỉnh lại tưng bừng mở hội đầu xuân. Nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội đầu xuân là các hoạt động trong phần hội như: múa tứ linh, múa rối nước, múa rối cạn, cà kheo, trống hội, nhạc kèn... Ở mỗi địa phương, tuỳ theo không gian rộng, hẹp của di tích và quy mô của lễ hội mà các hoạt động múa lân - sư - rồng có những hình thức biểu diễn khác nhau, lúc riêng rẽ, lúc phối hợp, đặc biệt là những động tác múa kết hợp với những thế võ độc đáo tạo thành tiết mục đặc sắc hấp dẫn người xem. Từ múa tứ linh ở các xã: Vĩnh Hào, Thành Lợi, Đại Thắng, Quang Trung, Hợp Hưng, Đại An, Tân Thành (Vụ Bản) đến biểu diễn trống cà rùng, trống trắc xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) hay múa rối nước ở các xã: Hồng Quang, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) và Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); múa rối cạn là nghi thức thiêng phục vụ chầu Thánh trong lễ hội Chùa Đại Bi (Nam Trực); nghệ thuật biểu diễn cà kheo ở các vùng quê biển Hải Hậu, Giao Thủy.

Một mùa xuân mới lại về. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những giá trị văn hóa lâu đời được kết tinh từ hàng trăm năm qua vẫn được gìn giữ, tiếp vốn, tạo nên nét bản sắc riêng có của vùng đất Thiên Trường xưa, Nam Định nay./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com