Tỉnh ta có hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng với 1.348 di tích, hơn 100 lễ hội dân gian. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội” (Chỉ thị 41), công tác quản lý, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ trẻ.
Đoàn rước trong Lễ hội Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). |
Việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 41 được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành trong tỉnh gắn với công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20-2-2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm”. Theo thống kê, phần lớn các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào dịp mùa xuân, bắt đầu từ thời điểm sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 3 âm lịch. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về tổ chức Tết Nguyên đán với nội dung yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 41. Sở VH, TT và DL chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản yêu cầu các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; phối hợp với Sở TT và TT, Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục tăng cường tuyên truyền về các nội dung của Chỉ thị 41, Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 của UBND tỉnh về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định” và các văn bản pháp luật khác liên quan đến công tác quản lý, tổ chức lễ hội, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo. Việc triển khai các quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VH, TT và DL liên quan đến quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội ngày càng hiệu quả. Thực tế cho thấy, ở tỉnh ta, từ khi Nghị định số 110/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về “Quản lý và tổ chức lễ hội” có hiệu lực đã cơ bản khắc phục được nhiều vấn đề trước đây chưa được văn bản pháp luật điều chỉnh như: Việc phân loại, cách thức quản lý đối với các loại hình lễ hội (lễ hội gắn với di tích, lễ hội gắn với các làng nghề truyền thống, lễ hội gắn với hội chợ Viềng); nguyên tắc tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành địa phương trong công tác tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội và quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia lễ hội. Các lễ hội lớn quy mô vùng trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội Khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định); Lễ hội Chùa Đại Bi, Hội chợ Viềng xuân (Nam Trực); Lễ hội Phủ Dầy, Hội chợ Viềng xuân (Vụ Bản); Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường); Lễ hội Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Lễ hội Phủ Quảng Cung (Ý Yên)... hàng năm đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan, nghiên cứu. Trước thời điểm diễn ra lễ hội, các địa phương đều thành lập Ban tổ chức lễ hội, phân công trách nhiệm cụ thể cho các tiểu ban. Ở thành phố Nam Định, những tồn tại hạn chế trong công tác tổ chức Lễ Khai ấn Đền Trần đầu xuân đã từng bước được khắc phục, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa lịch sử của di tích, nét đẹp văn hóa trong lễ hội đến với du khách thập phương; tập trung tuyên truyền vận động người dân không cài, đặt tiền tuỳ tiện gây mất thẩm mỹ, phản cảm lên các đồ thờ tự tại di tích đi đôi với việc bố trí các hòm đựng tiền công đức hợp lý; đồng thời đảm bảo công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động dịch vụ lễ hội… Việc sử dụng các nguồn kinh phí tổ chức lễ hội được các địa phương thực hiện theo Quyết định số 19/QĐ-UBND tỉnh ngày 7-7-2017 của UBND về “Phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Do đó, việc sử dụng các nguồn kinh phí được các Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội chủ động xây dựng kế hoạch thu, chi để tổ chức các hoạt động trong lễ hội, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định phân cấp. Các hoạt động lễ hội gồm: các nghi lễ tế, rước trang trọng, các hình thức diễn xướng tâm linh cùng nhiều trò chơi dân gian, chương trình nghệ thuật đặc sắc… là những sinh hoạt văn hóa phong phú, mang tính giáo dục, nhân văn.
Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong lễ hội được các địa phương triển khai thực hiện theo Thông tư liên tịch số 19/TTLT-BVHTTDL-BTNMT của liên Bộ VH, TT và DL và Bộ TN và MT với các nội dung: Thành lập tổ vệ sinh môi trường thường xuyên quét dọn, thu gom rác thải trong khuôn viên và khu vực xung quanh di tích, đối với các khu vệ sinh công cộng thực hiện việc tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa xung quanh khu vực tổ chức lễ hội được tập trung vào thời điểm trước, trong và sau khi diễn ra lễ hội. Các tệ nạn xã hội như: cờ bạc trá hình, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nạn hành khất tại các lễ hội lớn như: Lễ Khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy đã giảm rõ rệt; hàng hóa, phí dịch vụ được niêm yết công khai… Từ năm 2015 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở VH, TT và DL chủ trì phối hợp với Phòng VH-TT các huyện, thành phố, Phòng An ninh Chính trị nội bộ - PA03 (Công an tỉnh) cùng các lực lượng chức năng có liên quan đã tổ chức 23 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội, hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng trong lễ hội; tiến hành kiểm tra 178 lượt đền, phủ, chùa, lăng trong Quần thể di tích Phủ Dầy.
Bên cạnh công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội, các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá, duy trì phong tục, tập quán tốt đẹp của quê hương. Trong tổng số 1.348 di tích đã được UBND tỉnh phê duyệt, công bố, có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 85 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 297 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Những năm qua, nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã được trùng tu, tôn tạo với kinh phí hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn xã hội hóa. Các di tích lịch sử - văn hóa sau khi được tu bổ chăm sóc đã trở thành các nguồn tài nguyên du lịch bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 9-6-2016 về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết giúp công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Các di sản văn hóa phi vật thể ở các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, làng nghề thủ công truyền thống như: Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Nghề sơn mài Cát Đằng, Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, Nghệ thuật Ca trù đang ngày càng được bảo tồn và phát huy trong mỗi dịp lễ hội; qua đó góp phần quảng bá hình ảnh quê hương con người Nam Định đến với du khách trong và ngoài nước.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị 41, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về nét đẹp văn hóa trong các lễ hội, giáo dục truyền thống lịch sử, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng. Xây dựng kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, loại hình lễ hội. Xây dựng kế hoạch đầu tư và thực hiện quy hoạch về cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch tâm linh. Đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động lễ hội, dịch vụ văn hóa trong các lễ hội trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng