Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, tỉnh ta là nơi hội tụ, bảo lưu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, bao gồm các di tích lịch sử, bảo vật quốc gia, các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, làng nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội... Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được ngành VH, TT và DL, các địa phương trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo với nhiều hoạt động phong phú; từ đó, phát huy được vai trò chủ thể của các tầng lớp nhân dân trong việc sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, gắn kết cộng đồng.
Múa rồng trong lễ hội Đền Trần. |
Theo số liệu kiểm kê di tích của Sở VH, TT và DL, hiện nay tỉnh ta có 1.348 di tích nằm trong danh mục được UBND tỉnh phê duyệt, công bố; trong đó có 2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 85 di tích xếp hạng quốc gia, 297 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 4 bảo vật quốc gia. Đối với di sản văn hóa vật thể, gần 10 năm qua, từ nguồn kinh phí đầu tư thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích và nguồn xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng, nhiều di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng đã được tu bổ theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã phát huy được giá trị nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh. Gắn với các di tích, tỉnh ta có hơn 100 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm. Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội” và các văn bản của Bộ VH, TT và DL, UBND tỉnh trong quản lý, phân cấp, bảo vệ di sản văn hóa, Sở VH, TT và DL đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn di tích theo Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tại các di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và quốc gia đặc biệt như: Đền Trần - Chùa Tháp (thành phố Nam Định), Phủ Dầy (Vụ Bản), Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường) hàng năm diễn ra các lễ hội lớn quy mô vùng như: lễ hội Khai ấn Đền Trần (tháng Giêng), lễ hội Đền Trần (tháng 8 âm lịch), lễ hội Phủ Dầy (tháng 3 âm lịch), lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (tháng 9 âm lịch); trong đó, lễ hội Đền Trần và lễ hội Chùa Keo Hành Thiện đã được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tại các địa phương có di tích được xếp hạng, hàng năm, Phòng VH-TT các huyện, thành phố cùng với UBND các xã, phường, thị trấn đã triển khai các biện pháp quản lý Nhà nước về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; các lễ hội được tổ chức trọng thể theo đúng kế hoạch đề ra, đảm bảo tuân thủ đúng nghi lễ, nghi thức truyền thống, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Nam Định đến với du khách trong và ngoài nước. Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa diễn ra trong lễ hội được tập trung vào thời điểm trước, trong và sau khi diễn ra lễ hội. Để phát huy giá trị di sản văn hoá lễ hội Đền Trần, dự án “Xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại Nam Định” trên diện tích 92,5ha với tổng mức đầu tư hơn 734 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ. Tại Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, sau khi UBND tỉnh lập Quy hoạch phân khu (năm 2016) tại hơn 20 di tích đình, đền, chùa, phủ, lăng và những vùng phụ cận nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di tích, thời gian qua, Ban Quản lý di tích và danh thắng, Phòng Quản lý di sản (Sở VH, TT và DL) đã xây dựng các kế hoạch, đề án về kiểm kê di tích, bảo tồn một số loại hình văn hoá đặc trưng của Nam Định như: nghệ thuật ca trù, hát chèo, hát văn; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy giá trị di sản để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 5 năm Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (tổ chức năm 2021). Từ năm 2015 đến nay, Thanh tra Sở VH, TT đã chủ trì phối hợp với Phòng VH-TT các huyện, thành phố, Phòng An ninh Chính trị nội bộ - PA03 (Công an tỉnh) cùng các lực lượng chức năng có liên quan tổ chức 23 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội, hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng trong lễ hội; tiến hành kiểm tra 178 lượt đền, phủ, chùa, lăng trong Quần thể di tích Phủ Dầy.
Trong số các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được công nhận trong thời gian gần đây (từ năm 2019 đến nay) như: lễ hội Chùa Đại Bi (Nam Trực), lễ hội Đền - Chùa Linh Quang (Trực Ninh), Lễ hội Đền thờ Đức thánh tổ Nguyễn Minh Không (Ý Yên), các địa phương đã làm tốt công tác quảng bá ý nghĩa lịch sử của di tích, lễ hội đến với du khách thập phương; hướng dẫn nhân dân không cài, đặt tiền tuỳ tiện gây phản cảm trong nội tự di tích; đồng thời đảm bảo công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường. Trong tổ chức lễ hội, việc sử dụng các nguồn kinh phí được Ban quản lý các di tích, Ban tổ chức các lễ hội chủ động xây dựng kế hoạch thu, chi báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định phân cấp. Từ khi “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2016), nghi lễ Chầu văn (hầu đồng) của người Việt đang phục hồi mạnh mẽ và ngày càng được phát huy trong đời sống cộng đồng, có “chỗ đứng” quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân Nam Định. Ở xã Kim Thái, hàng năm vào ngày mùng 4-3 âm lịch, hội thi hát Chầu văn trong lễ hội Phủ Dầy được tổ chức tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát với sự tham gia của các cung văn nức tiếng xa gần, biểu diễn chuyên nghiệp, góp phần tôn vinh và lưu truyền vẻ đẹp, giá trị đích thực của nghệ thuật hát Chầu văn và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định trong đời sống cộng đồng.
Để phát huy vai trò công tác quản lý, bảo vệ giá trị văn hóa các di sản, thời gian tới, ngành VH, TT và DL tỉnh, các địa phương tiếp tục hoàn thiện quy hoạch xây dựng và quản lý các khu di tích, điểm du lịch. Tập trung xây dựng các chương trình hành động, đề án về phát triển du lịch văn hóa tâm linh mang đặc trưng vùng; giới thiệu, quảng bá đến du khách. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, tu bổ di tích, bảo tồn di sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về di tích, lễ hội, những nét đẹp văn hóa nhằm giáo dục truyền thống; nâng cao nhận thức cho nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh tại nơi thờ tự. Xây dựng kế hoạch kiểm kê, phân loại quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội mang tính khoa học. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động lễ hội, dịch vụ văn hoá trong các lễ hội trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng