“Tôi yêu lao động và yêu âm nhạc, đặc biệt là sáng tác những ca khúc trữ tình, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa để dành tặng công chúng. Mảnh đất và con người Thành Nam từ lâu đã trở thành cảm hứng sáng tác và luôn có một vị trí hết sức quan trọng trong tâm hồn và trái tim tôi”. Đó là tâm sự của Nhạc sĩ, NSƯT Kiều Dư khi nói về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.
Nhạc sĩ, NSƯT Kiều Dư chỉ đạo dàn dựng một chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả. |
Nhạc sĩ, NSƯT Kiều Dư, tên đầy đủ là Kiều Khắc Dư, ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Mẹ là thành viên đội văn nghệ quần chúng HTX Tân Tiến, bố là nghệ sĩ nhiếp ảnh Kiều Văn Yên, từng công tác tại Xí nghiệp ảnh quốc doanh tỉnh Thanh Hóa. Từ khi còn nhỏ Kiều Dư đã được mẹ cho đi theo đội văn nghệ để biểu diễn. Âm nhạc đã luôn đồng hành cùng chàng trai trẻ Kiều Dư khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1980, ông tham gia và trở thành hạt nhân của đội văn nghệ HTX Tân Tiến. Năm 1982, ông theo học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện, Kiều Dư về đầu quân cho Đoàn Ca múa nhạc Hà Nam Ninh. Với vai trò là diễn viên, ngoài khả năng hát, diễn xuất, Kiều Dư còn có năng khiếu sáng tác âm nhạc. Năm 1990, ông tự học, nghiên cứu chuyên sâu về sáng tác các ca khúc mang âm hưởng dân gian, đương đại. Những năm đầu sáng tác, các ca khúc của ông chủ yếu về tình yêu đôi lứa, ca ngợi tinh thần xung kích của tuổi trẻ, đoàn viên thanh niên, phụ nữ như: “Bài ca phụ nữ Nam Định”, “Tuổi trẻ Thành Nam”… Với lòng nhiệt huyết, say nghề, Kiều Dư được bổ nhiệm giữ các chức vụ Đội trưởng đội ca Đoàn Ca múa nhạc Hà Nam Ninh (từ năm 1990-1994), Phó Trưởng đoàn Đoàn Ca múa nhạc Nam Định (từ năm 1994-2000). Quá trình đi lưu diễn ở nhiều vùng nông thôn, những nét đẹp quê hương mộc mạc, bình dị đã trở thành nguồn cảm hứng cho những sáng tác của Nhạc sĩ Kiều Dư. Năm 2001, sau khi Đoàn Ca múa nhạc Nam Định sáp nhập với Trung tâm Văn hóa thành Trung tâm Văn hóa 3-2 tỉnh, trên cương vị là Phó Giám đốc, Nhạc sĩ Kiều Dư đã dành nhiều thời gian sáng tác âm nhạc. Hàng loạt các ca khúc ca ngợi vẻ đẹp quê hương Nam Định được ra đời, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán thính giả như: “Thành Nam quê tôi”, “Nam Định phố xưa”, “Một thoáng Thành Nam”, “Nam Định vào xuân”, “Về với miền đất thiêng”, “Muôn đời Tổ quốc lưu danh”… Ca khúc “Về với miền đất thiêng” được NSƯT Anh Thơ thể hiện trong Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; ca khúc “Muôn đời Tổ quốc lưu danh” được các NSƯT Trọng Tấn, Đăng Dương thể hiện trong các dịp Kỷ niệm 100 năm và 110 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Từ năm 2012 đến nay, nhiều tuyển tập của Nhạc sĩ Kiều Dư như: “Về với miền đất thiêng” (60 ca khúc), “Xuân nồng nàn” (32 ca khúc), “Nam Định một hồn thơ” (32 ca khúc), “55 ca khúc phổ thơ”, “Tuyển tập các ca khúc Trần Công Thủy - Kiều Dư” (250 ca khúc), “Tuyển tập ca khúc Đức Miên - Kiều Dư - Trần Công Thủy” (300 ca khúc), “Dấu mùa sang” (99 bài thơ) được giới chuyên môn, bạn bè, đồng nghiệp và công chúng đánh giá cao.
Trải qua 35 gắn bó nghệ thuật, gia tài âm nhạc của Nhạc sĩ Kiều Dư có hơn 400 ca khúc với các loại hình âm nhạc: dân gian, đương đại, phổ thơ. Bằng cảm xúc chân thành, sâu nặng được khơi nguồn từ vốn dân ca, dân vũ mang bản sắc của quê hương Nam Định và những trải nghiệm của cuộc sống, Nhạc sĩ Kiều Dư còn soạn lời cho các làn điệu hát Văn với 150 tác phẩm. Không chỉ thành công ở mảng đề tài về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước, thời gian qua, Nhạc sĩ Kiều Dư còn sáng tác nhiều ca khúc nhạc cách mạng về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ nơi đảo xa như: “Nhớ mãi Trường sa”, “Gọi biển”, “Thiêng liêng Tổ quốc”, “Ngực cát trần trên biển” hay các ca khúc tuyên truyền, cổ vũ xây dựng nông thôn mới như: “Bài ca nông thôn mới”, “Hương lúa chiều quê”, “Nhịp cầu bờ vui”. Nhạc sĩ Kiều Dư vinh dự được phong tặng danh hiệu NSƯT (năm 2007); được tặng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH, TT và DL, Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam, UBND tỉnh; các giải thưởng: 5 HCV, 10 HCB quốc gia, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa; giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến (Hội VHNT Nam Hà), giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh (Hội VHNT Nam Định); các ca khúc “Hương lúa chiều quê” đạt giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, “Dòng sông kiêu hãnh” đạt giải B của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hiện nay, NSƯT Kiều Dư còn là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng bộ môn âm nhạc - múa (Hội VHNT Nam Định), Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Nam Định.
Thành công của NSƯT Kiều Dư không dừng lại ở lĩnh vực sáng tác âm nhạc mà còn với vai trò là người quản lý văn hóa. Từ khi Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh thành lập trên cơ sở khi sáp nhập từ 3 đơn vị Trung tâm Văn hóa 3-2, Trung tâm Thông tin - Triển lãm, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (năm 2019), trên cương vị là Giám đốc Trung tâm, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, NSƯT Kiều Dư luôn trau dồi, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện tốt các nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động; tổ chức dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật, chiếu phim, triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện của địa phương, của đất nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nghệ thuật ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Tuy dành nhiều thời gian cho công việc quản lý, nhưng niềm đam mê, cảm hứng sáng tạo nghệ thuật vẫn luôn “cháy” trong tâm hồn NSƯT Kiều Dư. Năm 2020, nhằm cổ vũ tinh thần chống đại dịch COVID-19 bằng âm nhạc, NSƯT Kiều Dư đã cho “ra đời” 2 ca khúc: “Nói với con trong mùa dịch” (thơ Nguyễn Anh Trí), “Bão tan bầu trời bừng sáng” (thơ Nguyễn Thế Minh). Cả 2 ca khúc đã được chọn in trong Tuyển tập “Niềm tin” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
56 năm tuổi đời, 35 năm tuổi nghề, Nhạc sĩ, NSƯT Kiều Dư đã dành toàn bộ tâm sức, nhiệt huyết của mình cho nghệ thuật; coi việc được cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn hóa Nam Định là niềm tự hào của người nghệ sĩ quê hương. Các ca khúc của NSƯT Kiều Dư là lời tri ân, biết ơn sâu sắc đối với vùng đất nơi ông sinh ra và trưởng thành./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng