Theo các nguồn thư tịch cổ, dưới thời Đinh (năm 968), huyện Xuân Trường là vùng đất mới, hình thành do sự bồi đắp của biển, được bao bọc bởi 3 con sông: sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Sò nên đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa thích hợp cho sự phát triển của cây lúa. Đến thời Lý - Trần, chính quyền phong kiến đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, khai hoang mở rộng diện tích trồng trọt, trị thủy; đặc biệt là đẩy mạnh công cuộc quai đê, lấn biển. Vùng đất này đã trở thành nơi hội tụ của nhiều dòng họ từ trung du đến đồng bằng châu thổ sông Hồng về khai cơ, lập nghiệp. Mở đầu là công cuộc khai hoang, lập ấp của Tướng công Ngô Miễn (khoảng từ năm 1392 đến 1396) lập ra làng Nhật Thi (nay là 3 làng: Xuân Hy, Xuân Dương, Xuân Bảng thuộc các xã: Xuân Thủy, Xuân Hòa và thị trấn Xuân Trường). Trải qua hơn 5 thế kỷ, vùng đất Xuân Trường ngày càng được mở rộng, dân cư đông đúc. Ngoài trồng lúa, người dân còn trồng các loại cây ăn quả, trồng dâu, nuôi tằm, phát triển nghề đánh cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Sản xuất nông nghiệp ổn định đã thúc đẩy các ngành nghề thủ công phát triển như: rèn sắt, đúc đồng, dệt vải, đan lát, làm nón… với các sản phẩm nổi tiếng trong vùng như: dệt vải làng Hành Thiện, dệt chiếu làng Trà Lũ… Việc trao đổi, mua bán hàng hóa tấp nập, nhiều chợ dân sinh ở Xuân Trường được hình thành. Trong đó, ngôi làng cổ “hình cá chép” Hành Thiện từ lâu được coi là một “tiểu đô hội” của cả huyện, thu hút các thương nhân ở khắp nơi về trao đổi, buôn bán. Với vai trò là trung tâm giao thương của vùng, ngày nay, làng Hành Thiện vẫn duy trì được 3 hình thức buôn bán chính là: Buôn bán trong làng, buôn bán ở chợ và buôn chuyến. Trong đó, buôn bán trong làng (từ xóm 10 đến xóm 14) kết hợp song song với buôn bán ở làng Ngọc Tiên đã tạo thành “phố” buôn sầm uất “trên bến dưới thuyền” với các sản phẩm: cá, ghẹ, tôm, mực, sò, ngao… Làng Hành Thiện có 2 chợ; chợ chính họp vào tất cả các ngày trong tuần, kinh doanh những sản phẩm “tự cung, tự cấp” như: gạo, ngô, rượu, muối, thuốc bắc…; chợ nhỏ kinh doanh những sản phẩm như thủ công. Những hộ dân làm nghề buôn chuyến ở Hành Thiện sản xuất, trao đổi hàng hóa từ địa phương với các chợ phiên từ nơi khác chuyển về. Chính vì vậy, việc giao thương hàng hoá khá nhộn nhịp với nhiều sản phẩm vùng miền khác nhau như: hoa quả, bánh kẹo, quần áo, nông cụ, cây cảnh…
Xuân Trường là vùng đất học tiêu biểu của Phủ Thiên Trường xưa với các làng khoa bảng, dòng họ văn hóa - hiếu học. Từ khoa thi Nho học đầu tiên (tháng 3-1075) đến khoa thi Hội cuối cùng năm Kỷ Mùi (1919), huyện Xuân Trường có 5 Tiến sĩ, 4 Phó bảng. Các vị đại khoa ở Xuân Trường đều là những bậc hiền tài của đất nước như: Cụ Đào Minh Dương, người làng Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh đỗ Tiến sĩ năm 1550 đời Vua Mạc Phúc Nguyên, mở đầu cho sự phát triển Nho học ở quê hương. Là vùng đất có nhiều người đỗ đạt cao nên nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống quan văn của triều đình phong kiến từ Trung ương tới địa phương đều có người con quê hương Xuân Trường nắm giữ. Các dòng họ, gia đình có nhiều người đỗ đạt ở Xuân Trường chiếm số lượng lớn như: họ Đặng, họ Nguyễn, họ Phạm... Như mạch nguồn chảy mãi, các con cháu đời sau trong các làng, dòng họ vẫn đang tiếp nối, phát huy truyền thống cha ông, viết tiếp những trang vàng hiếu học của quê hương. Dòng họ Hoàng ở làng Xuân Bảng, thị trấn Xuân Trường có 3 cụ đỗ Tú tài. Từ năm 1954 trở lại đây, dòng họ thành đạt rực rỡ về khoa cử với 22 tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ và hàng trăm cử nhân. Họ Nguyễn là một trong 13 dòng họ chính ở làng Kiên Lao, 2 xã Xuân Kiên và Xuân Tiến. Thủy tổ dòng họ là cụ Nguyễn Bá Địch làm quan dưới thời Tiền Lê, giữ chức Đô Chỉ huy sứ, tước Nham Hầu và được các đời vua nhà Nguyễn truy ban 6 đạo sắc phong. Tính đến nay, dòng họ Nguyễn đã phát triển đến đời thứ 21 và là dòng họ lớn trong xã. Trong dòng họ, nhiều gia đình văn hóa, cá nhân tiêu biểu đã trở thành niềm tự hào của dòng tộc với nhiều đóng góp trong xây dựng các công trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua ở địa phương như hộ các ông: Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Đông... Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng nổi tiếng là vùng đất học của cả nước, được các triều vua vinh danh là “Làng khoa bảng”. Dưới thời Nguyễn, làng có số người khoa mục đứng đầu toàn quốc với 3 Tiến sĩ gồm: Đặng Xuân Bảng (đỗ năm 1856), Nguyễn Ngọc Liên, Đặng Hữu Dương (đỗ năm 1889); 4 Phó bảng: Đặng Kim Toán (đỗ năm 1848), Đặng Đức Dịch (đỗ năm 1849), Nguyễn Âu Chuyên (đỗ năm 1884), Phạm Đình Sắc (đỗ năm 1901). Ở các từ đường họ tộc vào những ngày lễ lớn của dân tộc, lễ kỵ tổ dòng họ thường tổ chức dâng hương, tạ ơn tiên tổ, trời đất, tôn vinh công lao to lớn của các vị đại khoa có nhiều đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước, thể hiện nghĩa tình và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Với bề dày lịch sử văn hóa ấy nên ở Xuân Trường, nhiều tín ngưỡng cổ truyền vẫn tồn tại và phát triển trong đời sống cộng đồng như tín ngưỡng tôn thờ trời đất, tục thờ cúng tổ tiên, thờ các anh hùng dân tộc. Những người có công với làng, với nước được nhân dân xây dựng đền thờ, tôn vinh làm Thành hoàng. Đạo Phật có ảnh hưởng rộng lớn, được người dân Xuân Trường coi trọng từ đời nhà Đinh, phát triển mạnh từ thời Lý - Trần cho đến nay. Dân làng ở mỗi địa phương đều đóng góp công sức, tiền của để xây chùa, tô tượng, đúc chuông… Trong đó, nhiều chùa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa như: Chùa Keo Hành Thiện, Linh Quang tự, Đĩnh Lan tự, Viên Quang tự, Chùa Kiên Lao, Chùa Thọ Vực, Chùa Lãng Lăng… Cùng với sự phát triển của đạo Phật, từ năm 1533, đạo Thiên Chúa được truyền bá vào Xuân Trường. Vùng đất Trà Lũ, Bắc Câu, thị trấn Xuân Trường là những địa phương đầu tiên tiếp nhận sự du nhập của Thiên Chúa giáo. Tòa giám mục Bùi Chu, xã Xuân Ngọc là một trong những trung tâm Công giáo lớn ở miền Bắc điều hành giáo phận 6 huyện phía Nam của tỉnh. Với tinh thần đoàn kết lương - giáo, hàng năm, các địa phương trong huyện tổ chức nhiều lễ hội làng; như: Lễ hội Đền - Chùa Kiên Lao (mồng 5 tháng Giêng), xã Xuân Kiên; lễ hội làng An Cư (mồng 6, 7 tháng Giêng), xã Xuân Vinh; lễ hội Chùa Thọ Vực (15 tháng Giêng), xã Xuân Phong; lễ hội làng Nhân Thọ (15 tháng Giêng), xã Thọ Nghiệp; lễ hội làng Ngọc Tỉnh (11 tháng Giêng), thị trấn Xuân Trường; lễ hội Chùa Nghĩa Xá (1-3 âm lịch), xã Xuân Ninh; lễ hội Đền Xuân Hy (20-8 âm lịch), xã Xuân Thủy; lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (từ ngày 12 đến 15-9 âm lịch), lễ hội làng Ngọc Tiên (từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng), xã Xuân Hồng… Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng được tổ chức nhân kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh tổ Không Lộ Thiền sư - người có công dạy dân làng nghề nông - ngư nghiệp và thủ công nghiệp. Ngoài các nghi thức, lễ tiết mang tính tôn giáo, lễ hội còn diễn ra những sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân nông nghiệp lúa nước với các trò chơi dân gian như: bơi chải đứng, ném pháo, bắt vịt, leo cầu ngô, tổ tôm điếm, múa rối nước, rối cạn, chọi gà, biểu diễn Thái cực trường sinh đạo, ngâm thơ, hát chèo, hát văn… Lễ hội làng Xuân Bảng, thị trấn Xuân Trường được tổ chức để tưởng nhớ công ơn của Ngô Tướng Công - danh tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược (cuối thế kỷ XIV). Trong lễ hội, cùng với các hoạt động văn hóa dân gian như: tế, lễ, rước kiệu, chọi gà, bịt mắt bắt lợn, leo cầu ngô, giao lưu văn hóa văn nghệ, hát chèo…, còn có thi bơi chải nam, nữ có sự tham gia của tất cả các tổ dân trong làng. Cuộc thi bơi chải nam, nữ trong hội làng không đơn giản chỉ là môn thể thao mà còn gợi nhớ về hình ảnh tổ tiên thời kỳ lấn biển, lập đất. Bên cạnh các hoạt động văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian, các lễ hội làng ở Xuân Trường còn có nhiều tập tục độc đáo đặc trưng, gắn với những điển tích như lễ hội làng Nhân Thọ, xã Thọ Nghiệp là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn Thánh Mẫu Thiên Thành Thái trưởng - Công chúa thời Trần có công mang lương thảo cứu giúp dân làng vượt qua hoạn nạn, mất mùa đói kém. Độc đáo nhất lễ hội là màn thi 5 giải truyền thống: giải giã thóc, giải nước, giải lửa, giải cá, giải trứng./.
Khánh Dũng