Nghiên cứu, ứng dụng khoa học góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

06:10, 09/10/2020

Khu tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển Văn Lý, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu được các nhà khoa học xác định là khu chứng tích biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là dấu tích còn lại của nhà thờ Trái tim Chúa được hình thành cùng với làng Xương Điền thuộc xã Hải Lý được xây dựng lại lần thứ 2 năm 1917, hoàn thành năm 1927 theo kiến trúc châu Âu có tháp chuông cao 27m và được trang trí công phu. Do thiên nhiên khắc nghiệt, đặc biệt là sự xâm lấn không ngừng của biển khiến cả làng chài và nhà thờ bị biển xâm lấn, đến nay chỉ còn lại một phần tháp chuông, chân móng và một bức tường bao phía bắc. Đây là một trong những chứng tích về tác động của BĐKH, hiện tượng biển lấn hiếm có trên thế giới có ý nghĩa quan trọng cả về khoa học, lịch sử, xã hội. Ngoài giá trị đối với khoa học, phần chứng tích này kết hợp khung cảnh hoang sơ tự nhiên của vùng biển đã biến nơi đây thành một địa chỉ du lịch thắng cảnh hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, tác động của BĐKH hiện nay làm xói lở bờ biển Hải Hậu khiến chứng tích này có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Trước tình trạng trên, Tỉnh ủy đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Khu chứng tích BĐKH Hải Hậu - biện pháp bảo tồn và khai thác phát triển”. Hội thảo bên cạnh các nội dung nghiên cứu đề xuất giải pháp: bảo tồn các chứng tích ngoài bãi biển, trong đê còn đưa ra các gợi ý như phục dựng một số nét sinh hoạt sản xuất làng cổ (nhà ở, đường đi, cây xanh…) để khai thác giá trị du lịch; xây dựng bảo tàng văn hóa, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng bảo tàng đê điều; trạm quan trắc biến đổi môi trường và khí hậu. Đồng thời, các nhà khoa học, nhà quản lý cũng đưa ra những giải pháp để bảo vệ và phát triển Khu chứng tích BĐKH huyện Hải Hậu ở cả góc độ tổ chức, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ và khai thác, quản lý khu vực này; những vấn đề cấp tỉnh, cấp huyện cần giải quyết trước mắt để bảo tồn khu chứng tích BĐKH quý hiếm này cho toàn thể cộng đồng dân cư địa phương, quốc gia và cho thế giới. Qua buổi hội thảo đã đưa ra các căn cứ khoa học giúp huyện Hải Hậu lập phương án bảo vệ khẩn cấp chứng tích tháp chuông nhà thờ đổ và bãi neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Văn Lý, xã Hải Lý; triển khai dự án thi công xây dựng kè, rọ đá, gia cố phần móng bảo vệ và đổ đường bê tông ra khu chứng tích tạo thuận lợi cho hoạt động tham quan, du lịch và nghiên cứu khoa học góp phần phát triển ngành du lịch của Hải Hậu nói riêng và của tỉnh ta nói chung. Đồng thời giúp địa phương thêm kiến thức, kinh nghiệm triển khai các biện pháp ứng phó với tác động của BĐKH đối với các công trình ven biển.

Cây dã hương, xã Yên Nhân (Ý Yên) được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) vinh danh “Cây di sản Việt Nam”, là một trong 2 cây dã hương cổ thụ quý hiếm trên cả nước. Đây là niềm tự hào của người dân địa phương về bề dày truyền thống văn hóa của đất và người Nam Định cũng như công lao bảo vệ gìn giữ cây. Tuy nhiên do có tuổi đời quá cao, cây có nguy cơ hư hại bởi thời tiết, ký sinh trùng gây bệnh. Để bảo tồn cây “di sản” dã hương, Sở KH và CN phối hợp với Trung tâm Đa dạng sinh học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn bền vững cây gốc đại thụ thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên”. Sau hơn 2 năm nghiên cứu đã xác định được độ tuổi sinh học, tình trạng sức khỏe của cây và tìm được biện pháp khắc phục như: bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng phân bón gốc và một số loại thiên địch như giun đỏ, giun khoang, giun quắn để cải tạo đất; thả 4 loại lưỡng cư và bò sát là cóc, nhái, chẫu chuộc, thạch sùng đuôi sần để diệt các nhóm sâu bọ gây hại cho cây đại thụ. Sau khi áp dụng các biện pháp do đề tài nghiên cứu đưa ra, cây dã hương đã xanh tốt trở lại và được bàn giao lại cho địa phương tiếp tục thực hiện nhằm kéo dài tuổi thọ, đảm bảo cảnh quan môi trường, phù hợp với nhu cầu tinh thần của người dân địa phương. Thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực quản lý và phát huy giá trị các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Nam Định”, Bảo tàng tỉnh đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác quản lý hiện vật, nâng cấp hệ thống máy tính; xây dựng trang thông tin điện tử http://baotangtinhnamdinh.vn; trang bị máy tra cứu thông tin hiện vật 3D kết nối với phân hệ phần mềm không gian ảo; đào tạo hướng dẫn sử dụng phần mềm cho cán bộ trực tiếp quản lý các hiện vật; tạo bộ dữ liệu số hóa các hiện vật hiện có tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, tích hợp đa phương tiện... Hiện nay, khi truy cập trang web của Bảo tàng tỉnh, độc giả được bổ sung những thông tin súc tích về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại của từng hiện vật; những bài nghiên cứu, những đoạn video clip minh họa sinh động. Ngoài ra, trang web này còn tích hợp ứng dụng tham quan bảo tàng ảo 3D giúp người xem thưởng lãm toàn bộ không gian bảo tàng và tìm hiểu về từng khu vực trưng bày hiện vật, chia sẻ thông tin qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zalo… nhằm kết nối những người quan tâm đến bảo tàng. Cùng với hoạt động của website, máy tra cứu thông tin hiện vật 3D được đặt ở khu vực trưng bày giúp khách tham quan xem xét kỹ từng chi tiết hiện vật trong không gian 3 chiều với độ chính xác cao. Việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động ở Bảo tàng tỉnh đã góp phần phát huy giá trị các di sản văn hóa, cung cấp tri thức, giáo dục truyền thống, thu hút khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.

Thời gian qua, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu cùng những cuộc hội thảo khoa học được tổ chức nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa vào phục vụ phát triển du lịch. Điển hình là các đề tài, dự án: “Dấu ấn văn hóa thời Trần với cộng đồng dân cư Nam Định” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; “Nghiên cứu bảo tồn một số loài cây cổ thụ tại khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp thành phố Nam Định” của Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cùng các nhà nghiên cứu trong tỉnh; “Nghiên cứu địa danh Nam Định: Những biến đổi của địa danh làng xã ở Nam Định trong hai thế kỷ XIX và XX”… đã góp phần làm dày thêm những địa tầng ý nghĩa giá trị các di sản văn hóa. Để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thời gian tới các cấp, các ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách, cơ chế về bảo vệ di sản. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, gắn bảo tồn phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch văn minh. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý các di tích lịch sử. Tổ chức các cuộc hội thảo nhằm tăng cường giao lưu hợp tác, trao đổi chuyên môn giữa các thế hệ vừa giúp cho các nhà nghiên cứu trẻ học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, vừa tìm kiếm các giải pháp, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com