Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Cố đô Hoa Lư cách Hà Nội 100km, là kinh đô của nước Đại Cồ Việt cách đây hơn 10 thế kỷ. Trong lịch sử, khu vực này từng là địa điểm đóng đô của 3 vương triều (Đinh, Tiền Lê và Lý), với 6 vị vua: Đinh Tiên Hoàng, Đinh Toàn, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh và Lý Thái Tổ… Cố đô Hoa Lư xưa rộng 300ha trải dài trên địa phận các thôn Chi Phong, Yên Thành, Yên Thượng thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Kinh thành xưa có ba khu vực: thành Ngoại, thành Nội và thành Nam. Khám phá thành Ngoại, du khách sẽ vào thôn Yên Thành, xã Trường Yên.
Trong khu vực Cố đô Hoa Lư hiện nay còn lưu giữ được 678 di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, trong đó có hai di tích quan trọng nhất là đền Vua Đinh và đền Vua Lê được xây dựng vào thế kỷ XVII với nghệ thuật điêu khắc trên gỗ đá.
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng, được dựng trên nền chính điện của kinh đô Hoa Lư, có mặt bằng kiến trúc dạng “nội công ngoại quốc”, với tổng diện tích khoảng 3 mẫu Bắc Bộ. Trước đền có núi Mã Yên làm bình phong, phía sau đền là dãy núi Dù bao bọc, các kiến trúc thành phần được bố trí đối xứng nhau qua đường “dũng đạo”. Kiến trúc chính của đền gồm: Bắc môn, nghi môn ngoại, nghi môn nội, sân rồng, nhà Khải Thánh, tiền đường, thiêu hương, hậu cung, nhà bia, sân vườn…
Đền thờ Lê Đại Hành được dựng trên mặt bằng kiến trúc hình chữ “Công”, gồm các hạng mục: tiền đường, thiêu hương và hậu cung. Kiến trúc tiền đường gồm 5 gian, mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Thiêu hương gồm 2 gian dọc, dài 2,8m, rộng 6,15m, với các bộ vì được làm theo kiểu “trụ chung kẻ góc”, hai bên vách bưng ván đố lụa, gian giữa đặt ban thờ các quan. Hậu cung gồm 5 gian, dài 14m, rộng 6m. Gian giữa đặt tượng Lê Đại Hành, gian bên trái đặt tượng Thái hậu Dương Vân Nga, gian bên phải đặt tượng Khải Minh Vương (Lê Long Đĩnh)… Ngoài ra, trong khu vực này còn có một số hạng mục kiến trúc khác, như tam môn, từ vũ, nghi môn ngoại, nghi môn nội, sân rồng, nhà vọng, hai nhà bia.
Người ta gọi Hoa Lư là kinh thành đá và đền Vua Đinh, Vua Lê cũng sử dụng nhiều chất liệu từ đá.
Cách đền Vua Lê 200m, là chùa Nhất Trụ, được xây từ đời Vua Lê Đại Hành, trước cửa chùa có cột đá, cao 4,16m hình tám cạnh, khắc bài kinh Lăng Nghiêm do nhà vua làm để dâng nhà Phật. Cạnh đó là đền Phất Kim thờ công chúa thứ ba của Vua Đinh Tiên Hoàng đã nhảy xuống giếng tự vẫn chứ không theo chồng phản tặc chống lại vua cha. Trong khu Thành Ngoại xưa hiện vẫn còn nhiều chùa cổ khác, đều được xây dựng từ thời nhà Đinh như chùa Đìa, chùa Tháp, Bà Ngô.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích Cố đô Hoa Lư, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư là Di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch), nhân dân địa phương lại mở hội để tưởng nhớ Đinh Tiên Hoàng và các bậc đế vương… Ngoài những nghi lễ thông thường, trong hội còn có nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cư dân sở tại và du khách thập phương./.
(ST)