Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ, trưng bày hơn 20 nghìn tài liệu, hiện vật độc đáo, quý hiếm, phản ánh toàn diện về các giai đoạn lịch sử, tự nhiên và xã hội của tỉnh; trong đó, hơn 40% hiện vật là các cổ vật, bảo vật thời Trần (thế kỷ XIII-XIV). Tiêu biểu như: Mô hình nhà thời Trần; bộ cánh cửa Chùa Phổ Minh; bộ sưu tập các hiện vật bằng gốm sành, gốm hoa nâu thời Trần; bộ sưu tập vật liệu kiến trúc bằng đất nung thời Trần…
Bộ cánh cửa được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh là cấu kiện kiến trúc bằng chất liệu gỗ lim niên đại thời Trần duy nhất còn lại của di tích lịch sử - văn hóa Chùa Phổ Minh (Chùa Tháp). Đề tài trang trí chính được thể hiện trên bộ cánh cửa Chùa Phổ Minh là hình tượng rồng và hoa sen - biểu tượng thể hiện sự uy quyền tôn quý của vua và triều đình phong kiến Việt Nam. Đây là 2 cánh bên của bộ cửa 4 cánh (2 cánh giữa được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia) có kích thước dài 194cm, rộng 75cm, dày 4,5cm. Họa tiết điêu khắc của bộ cửa có bố cục đối xứng nhau, khung riềm phía trên tạo hình vân mây, phía dưới tạo hình sóng nước. Hai ô trên chạm hình 2 con rồng, đuôi khép tạo thành hình lá đề, thể hiện trên nền hoa văn mây lửa. Hai ô dưới chạm hình hoa sen ở chính giữa, 2 bên là hình học xếp chồng lên nhau theo kiểu bệ chân quỳ. Các đề tài hoa văn trang trí trên bộ cánh cửa Chùa Phổ Minh được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh không chỉ giúp các nhà nghiên cứu, những người làm công tác văn hóa có cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình, tư duy thẩm mỹ, lịch sử, văn hoá của nghề thủ công truyền thống mà còn là cơ sở để đối chiếu so sánh, xác định niên đại với những hiện vật cùng thời; đồng thời phản ánh sự hưng thịnh của Phật giáo thời Trần (thế kỷ XIII-XIV).
Gian trưng bày các hiện vật bằng gốm sành, đầu rồng bằng đất nung thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) tại Bảo tàng tỉnh. |
Mô hình nhà thời Trần đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 25-12-2015 theo Quyết định số 2382/QĐ-TTg. Mô hình được người dân thôn Lời, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) đào được vào năm 1973 tại khu lăng Chiếng. Mô hình có nghệ thuật kiến trúc độc đáo và hoàn chỉnh gồm 14 mảnh ghép chi tiết khác nhau theo bố cục “Nội công ngoại quốc”, hình chữ nhật có kích thước dài 100cm, rộng 95cm. Bên ngoài là tường vây gồm 8 mảnh ghép; phía trước là cổng; chính giữa tường sau là toà nhà 4 mái, mặt trước 2 bên chạm thông phong hoa văn nhánh cúc. Trung tâm của mô hình nhà là cụm công trình gồm: Toà nhà chính hình chữ nhật 4 mái, hiên rộng, 2 bên dựng cột tròn, bộ cánh cửa trang trí hình rồng chầu. Kế tiếp là 2 dãy nhà dạng ống muống chạy dọc vuông góc. Bên phải tòa chính là nhà bia, bên trái là tháp mộ 2 tầng 4 mái lợp ngói mũi sen. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu khoa học thì mô hình nhà thời Trần có niên đại cách đây khoảng hơn 700 năm được chế tác hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Điểm độc đáo của mô hình là vẫn giữ nguyên gốc về hình dáng các chi tiết kiến trúc: cột, trụ, xà, đấu, vì kèo… và được trang trí tỉ mỉ, thiết kế tinh xảo với nhiều hoa văn chủ đạo như: lá đề, hoa cúc, hình rồng, sóng nước mà không một mô hình nhà nào ở Việt Nam có được. Mô hình đã giúp cho những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng và người dân hiểu thêm về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc thời Trần, cụ thể là các công trình kiến trúc: nhà ở, dinh thự, tôn giáo. Bên cạnh đó, di sản cũng góp phần làm sáng tỏ sự giao thoa văn hóa Việt Nam - Trung Quốc qua các chi tiết ngói cánh sen đơn, kép thuần Việt kết hợp với ngói ống mang đặc trưng phương Bắc. Cùng với mô hình nhà thời Trần được tìm thấy tại thôn Lời, xã Hiển Khánh (Vụ Bản), hiện Bảo tàng tỉnh còn bảo quản một mô hình nhà thời Trần khác (gồm 15 mảnh) được tìm thấy gần lăng mộ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). Cả 2 mô hình có nhiều điểm tương đồng về quy mô, hình dáng, hoa văn, niên đại và đều được phát hiện tại các vị trí gần lõi của Hành cung Thiên Trường xưa.
Bên cạnh hàng nghìn hiện vật được nhân dân địa phương phát hiện trong quá trình lao động sản xuất, nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh thông qua công tác khảo cổ học đã “tìm về từ lòng đất” nhiều di vật quý hiếm bằng các chất liệu: đất nung, gốm sành, gốm sứ, kim loại… đã phản ánh rõ nét lịch sử, văn hoá phồn thịnh của “Kinh đô thứ hai” nhà Trần thế kỷ XIII-XIV. Bộ sưu tập vật liệu kiến trúc bằng đất nung thời Trần có gần 300 hiện vật được khai quật từ các di tích, phế tích thuộc trung tâm Hành cung Thiên Trường xưa. Tiêu biểu là các vật liệu xây dựng: gạch (gạch chữ nhật, gạch vuông hoa, gạch hình thoi, gạch có mộng, gạch chạm rồng, gạch có minh văn), ngói (ngói mũi hài, ngói mũi tròn, ngói mũi nhọn, ngói ống, ngói gắn hình trang trí)... Đề tài trang trí trên vật liệu kiến trúc bằng đất nung thời Trần rất phong phú, đa dạng như: hoa lá (hoa cúc, hoa sen, hoa chanh, hoa thị, lá đề), tứ linh, động vật (rồng, phượng, uyên ương, hổ phù), các biểu tượng tự nhiên (mây, sóng nước), hoa văn hình học, hoa văn hình tháp, hình tượng Phật, minh văn chữ Hán… Bộ sưu tập gốm hoa nâu thời Trần tại Bảo tàng tỉnh gồm 50 hiện vật với nhiều loại hình như: Thạp, thống, âu, chân đèn... mang đặc trưng của gốm men Việt Nam thế kỷ XIII-XIV. Chất liệu chính để sản xuất gốm hoa nâu là đất sét trắng cao lanh, được lọc, luyện ở mức vừa phải. Nguyên liệu tạo ra màu nâu là ô-xít sắt và đá son... Các hiện vật bằng gốm hoa nâu đều mang dáng hình bề thế, mập mạp, chắc khoẻ, cốt gốm dầy. Nghệ thuật trang trí phong phú, đa dạng, phản ánh thiên nhiên, cuộc sống với các đề tài hoa lá như: lá sen, hoa cúc, hoa thị... biểu trưng cho sự thanh tao, tinh khiết và giác ngộ trong triết lý nhà Phật. Thạp gốm hoa nâu được phát hiện trong quá trình khai quật ở khu vực phía đông Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp. Thạp được phủ men màu xanh ngọc, trang trí hoa văn màu nâu. Hoa trang trí chủ đạo là hoa sen - loài hoa đặc trưng trong phong cách tạo hình họa tiết của người Việt và trở thành quốc hoa của Việt Nam. Qua nghệ thuật trang trí, tạo hình, các hiện vật bằng gốm hoa nâu, đặc biệt là thạp gốm thời Trần đã được vua và các Thái Thượng hoàng nhà Trần dùng để trang trí nhiều hơn là vật chứa đựng hoặc thờ cúng thông thường. Bộ sưu tập hiện vật gốm sành có tổng số 139 hiện vật được phát hiện, khai quật tại các di chỉ, di tích khảo cổ học thời Trần ở phường Lộc Vượng, phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định), xã Mỹ Phúc, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc)… Các sản phẩm gốm sành thời Trần lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh được tạo nên bằng 3 phương pháp tạo hình cơ bản là: dải cuộn, nặn khối và bằng bàn xoay. Hoa văn trang trí trên sản phẩm đơn giản, thường là hoa văn chải mịn hoặc thô, sóng nước, khuông nhạc. Về công dụng, loại hình sản phẩm này chủ yếu để phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân thế kỷ XIII-XIV.
Cùng với hàng nghìn hiện vật, tại Bảo tàng tỉnh hiện còn lưu giữ hàng trăm di sản văn hóa có giá trị là những tư liệu, hình ảnh liên quan đến thời Trần như: Ảnh chụp giếng cổ thời Trần sau Chùa Phổ Minh (phát hiện năm 1970); hệ thống đường cống thoát nước sau Đền Trần (phát hiện năm 1979); Bản trích “Đại Việt sử ký toàn thư” nói về nguồn gốc nhà Trần; Bản trích “Đại Việt sử ký toàn thư” nói về sự kiện đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường năm 1262; sa bàn quy mô Hành cung Thiên Trường xưa; các bức ảnh về làng Tức Mặc - mảnh đất dấy nghiệp của Vương triều Trần; ảnh khu thờ Thủy tổ nhà Trần tại hậu cung Đền Thiên Trường; ảnh ngai, bài vị thờ Thái tổ Trần Thừa tại hậu cung Đền Vạn Khoảnh; ngọc phả nhà Trần; bản trích một số bài thơ văn Lý - Trần ca ngợi vẻ đẹp Thiên Trường xưa; ảnh về các di tích lịch sử - văn hóa thời Trần được Nhà nước xếp hạng (Đền Trần - Chùa Phổ Minh, Đền Lựu Phố, Đền Bảo Lộc, Đình - Miếu Cao Đài, Chùa Đệ Tứ, Chùa Vạn Diệp, Ba đồn binh thời Trần, Đền Liễu Nha)...
Nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; trong đó nổi bật là các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham mưu tổ chức thành công các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế góp phần làm sáng tỏ giá trị các di sản văn hóa Trần; tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa Trần; đẩy mạnh xã hội hóa, tiếp nhận nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị của các tổ chức, cá nhân hiến tặng; phối hợp tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm trong và ngoài tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống, quảng bá các giá trị di sản văn hóa Trần tới công chúng. Đặc biệt, hàng năm, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giáo dục theo Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” của Chính phủ cho thế hệ trẻ./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng