Thôn Sa Nhì, xã Trực Nội (Trực Ninh) là một trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Về thôn Sa Nhì hôm nay, chứng kiến diện mạo nông thôn mới (NTM) khang trang, sạch đẹp, chúng tôi cảm nhận được sự “chuyển mình” của làng quê giàu truyền thống văn hóa trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
Nhà văn hóa thôn Sa Nhì, xã Trực Nội. |
Tiếp chúng tôi tại nhà văn hóa thôn, ông Nguyễn Tiến Đắc, Bí thư Chi bộ thôn Sa Nhì cho biết: Thôn Sa Nhì cũng giống 6 thôn còn lại ở xã Trực Nội, đời sống của 255 hộ dân nơi đây chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi quy mô nhỏ. Không có nhiều ngành nghề cho giá trị thu nhập cao. Tuy thế nhiều năm qua, người dân trong thôn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong các công việc chung của cộng đồng; đặc biệt là hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM. Từ năm 1999, Sa Nhì đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” và đã giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa” 20 năm qua. Điểm nổi bật của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở thôn Sa Nhì là chi bộ Đảng, các đoàn thể và nhân dân luôn chú trọng điều chỉnh hoàn thiện hương ước cho phù hợp với thực tiễn trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống quê hương để đảm bảo việc thực thi chủ động, hiệu quả và tự giác. Ban chi ủy, Ban công tác Mặt trận thôn luôn đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo triển khai xây dựng các mô hình, phát động các phong trào, cuộc vận động quần chúng ở khu dân cư như: Xây dựng “Gia đình văn hóa - NTM”, “Khu dân cư 5 không, 3 sạch”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Giúp nhau giảm nghèo”, “Khu dân cư thân thiện với môi trường”, “Tự quản, tự bảo vệ môi trường cộng đồng dân cư”… Vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11) hàng năm, thôn tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các phong trào, cuộc vận động, đồng thời bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua. Hàng năm, tỷ lệ “Gia đình văn hóa” của thôn luôn đạt từ 95-98%. Trong thôn có nhiều gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” 3 năm liên tục, tiêu biểu như: gia đình cụ Nguyễn Đức Thái, gia đình bà Nguyễn Thị Đựng, gia đình ông Nguyễn Đức Nguyện… Tình làng nghĩa xóm được củng cố và phát huy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều năm qua, thôn Sa Nhì không có gia đình sinh con thứ 3, không có người vi phạm pháp luật, không có tình trạng tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp; các quỹ từ thiện vì người nghèo, khuyến học - khuyến tài được nhân dân tham gia đóng góp, ủng hộ…
Trưởng thôn Nguyễn Kim Đức cho biết: điểm nổi bật của thôn trong giai đoạn 2015-2020 là tập thể cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đã phát huy truyền thống đoàn kết thực hiện nghị quyết Đảng bộ xã về phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Quy chế dân chủ cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân góp vốn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng thụ” được chi bộ, chính quyền tổ chức thực hiện tốt các tiêu chí được thực hiện rõ ràng, lộ trình thực hiện từng công việc cụ thể phù hợp với hoàn cảnh thực tế, có cơ chế về nguồn vốn đầu tư cho từng hạng mục xây dựng NTM. Nhân dân tự nguyện hiến đất để quy hoạch kiến thiết chỉnh trang khu dân cư, xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao; mở rộng đường làng, ngõ xóm; xây dựng hệ thống rãnh thoát nước, cống ngầm; kiên cố hóa kè đường, ao hồ... Đến nay, 100% đường giao thông gồm đường trục, dong xóm, đường ra đồng ở thôn được bê tông hoá, cứng hóa; trong đó, hơn 1km đường trục chính của thôn được bê tông hóa rộng từ 3,5-4m, mặt bê tông dày 15-20cm. Đặc biệt trong việc giải phóng mặt bằng đoạn đường Quốc lộ 21B và tỉnh lộ 488B đi qua khu dân cư, Chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn đã vận động 51 hộ nằm trong diện giải tỏa tự nguyện hiến 567m2 đất để làm đường. Tháng 12-2017, nhà văn hóa thôn Sa Nhì được khánh thành với tổng kinh phí xây dựng 3,7 tỷ đồng, phần lớn do gia đình cụ Nguyễn Đức Thái - người dân quê hương ủng hộ và nguồn đóng góp của con em làm ăn thành đạt xa quê. Nhà văn hóa được trang bị đồng bộ dụng cụ thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp của các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Thực hiện cuộc vận động “Nhà có hàng rào, cổng nhà đẹp, đường làng ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp”, lãnh đạo thôn Sa Nhì đã tổ chức cho người dân thảo luận về các nội dung hoạt động, thống nhất quan điểm, tự giác ký cam kết thực hành xử lý, thu gom rác thải để đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi rác ra nơi công cộng. 72% số hộ dân có thùng riêng để phân loại rác thải ngay tại gia đình. Hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh”, hàng tuần, các đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội cùng nhân dân xuống đường phát quang cây cối, tổng dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, kênh mương, ao hồ… góp phần giữ gìn cảnh quan nông thôn. Người dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng để trồng cây xanh trên hai bên đường làng, lắp đặt 200 cột đèn chiếu sáng khu dân cư, camera an ninh nông thôn khu vực đầu làng.
Sự đồng lòng nhất trí của cộng đồng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương là yếu tố then chốt giúp thôn Sa Nhì giữ vững truyền thống “làng văn hóa” suốt 2 thập kỷ qua. Đó là hành trang quý, nền tảng xã hội vững chắc cho thôn phát triển trong giai đoạn tới./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng