Trong văn hóa của người Việt, Tết Trung thu là lễ hội lớn trong năm, mang nhiều đặc trưng và ý nghĩa của dân tộc. Tết Trung thu diễn ra vào thời điểm tháng 8 âm lịch trong tiết trời mát mẻ, thích hợp để tổ chức các hoạt động văn hóa cho thiếu nhi. Ở các địa phương trong tỉnh, nhiều nét đẹp văn hóa của Tết Trung thu truyền thống như: cắm trại, làm bánh Trung thu, phá cỗ, trông trăng, rước đèn, múa sư tử, vui chơi, ca hát… luôn được gìn giữ, kế thừa và phát huy trong cuộc sống hôm nay.
Nghề làm đèn ông sao truyền thống ở thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực). |
Những ngày này, dạo quanh các tuyến đường, phố từ thành thị đến nông thôn thị trường bánh kẹo, đồ chơi phục vụ Tết Trung thu đã hết sức sôi động. Tại các nhà văn hóa, trường học, khu vui chơi giải trí, các tổ chức, cơ sở Đoàn, Đội cũng đang tất bật chuẩn bị chương trình Tết Trung thu cho thiếu nhi với các chủ đề: “Trung thu nhớ Bác”, “Vầng trăng cổ tích”, “Vui hội đêm rằm”… Tại các cửa hàng đồ chơi ở thành phố Nam Định, những đồ chơi truyền thống vẫn luôn được trẻ em yêu thích. Chị Nguyễn Thu Phương, chủ một cửa hàng đồ chơi tại đường Trần Phú cho biết: Đèn ông sao là một trong những mặt hàng có sức mua ổn định vì giá rẻ, mẫu mã đẹp, nhiều màu sắc, được làm bằng các nguyên liệu đơn giản như: giấy màu, giấy bóng, tre, nứa, đay… Món đồ chơi này tại cửa hàng có đầy đủ các kích cỡ từ 30-40-50cm, với các mức giá 5-10-20 nghìn đồng/chiếc rất phù hợp cho trẻ con chơi và trang trí sân khấu “Đêm hội trăng rằm” tổ chức ở các khu dân cư. Đây là một trong những sản phẩm truyền thống lâu đời của làng nghề thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực). Ở Báo Đáp làm đèn ông sao quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch. Khắp làng, nhà nhà làm đèn. Từ những em nhỏ chỉ mới 7-8 tuổi đến các cụ già hơn 80 tuổi cũng có thể tự tay làm hoàn chỉnh một chiếc đèn ông sao. Trung bình mỗi người có thể làm từ 50-100 chiếc/ngày. Nhiều hộ dân ở Báo Đáp có đời sống ổn định, những hộ kinh doanh đầu mối thu gom và xuất hàng đi các nơi có thể đạt doanh thu từ 50-100 triệu đồng/tháng. Mặc dù đồ chơi điện tử, đèn điện tử Trung thu hiện đại, bắt mắt ngoại nhập tràn ngập tại các cửa hàng đồ chơi thì đèn ông sao của làng nghề Báo Đáp tuy dân giã nhưng vẫn có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với thiếu nhi, chứa đựng “hồn” và bản sắc dân tộc Việt.
Ngoài đèn lồng, đèn ông sao, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo là phần không thể thiếu của Tết Trung thu từ xưa đến nay. Bánh nướng, bánh dẻo cũng giống như bánh chưng, bánh giầy đều có điểm chung là vỏ bánh bọc lấy các loại nhân (ngũ vị) thể hiện quan niệm âm dương đối đãi, tương hợp, tương sinh, tình cảm gắn bó, bao bọc lẫn nhau. Ở thành phố Nam Định và các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Hải Hậu có nhiều cơ sở làm bánh Trung thu thủ công mang hương vị cổ truyền. Ngày nay cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, giao thoa văn hóa của quá trình hội nhập quốc tế, bánh Trung thu làm theo cách thức thủ công gia truyền đang dần bị lấn át. Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo hiện nay chủ yếu sản xuất công nghiệp của các thương hiệu lớn như: Kinh đô, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà… với hình thức bao bì phong phú, hương vị đa dạng, khác lạ. Tuy vậy các cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống trong tỉnh đã đầu tư đổi mới mẫu mã bao bì chủng loại sản phẩm với giá cả phù hợp. Đây là lý do khiến sản phẩm bánh Trung thu truyền thống của các cơ sở sản xuất trong tỉnh vẫn luôn là sự lựa chọn của người dân địa phương.
Để chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa cộng đồng dịp Tết Trung Thu, các CLB văn hóa, văn nghệ, các đội múa lân - sư - rồng ở các địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực luyện tập biểu diễn. Trên địa bàn thành phố Nam Định có nhiều CLB, đội múa lân - sư - rồng hoạt động phục vụ các dịp lễ, tết như: CLB võ thuật lân - sư - rồng Minh Vương Đường, CLB võ thuật lân - sư - rồng Thiên Trường, Đội múa lân Tấn Thảo… Nhiều động tác mới, tiết mục mới được các đội, CLB tích cực tập luyện để mang đến cho người dân và các em nhỏ đêm hội trông trăng thật sôi động như: “Rồng phun lửa”, “Rồng chầu”, “Rồng vờn mây”, “Rồng múa dưới nước”… hay “Lân chầu”, “Lân sư giao đấu”, “Lân sư kiệu”…
Để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Trung thu, các cơ quan, đơn vị, trường học ở các địa phương trong tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa, giúp thiếu niên, nhi đồng hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trung thu xưa như: bày mâm cỗ Trung thu, rước đèn trông trăng, chơi các trò chơi dân gian, làm bánh dẻo, làm đèn ông sao, vẽ mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, đố vui có thưởng với chú Cuội và chị Hằng… Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể các địa phương tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt; tuyên dương thiếu niên, nhi đồng có thành tích cao trong học tập…
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương trong tỉnh không tổ chức trại thu tập trung mà chỉ tổ chức chương trình “Đêm hội trăng rằm” với các hoạt động văn nghệ, kể chuyện, phá cỗ. Để đảm bảo mọi trẻ em được vui Tết Trung thu vui vẻ, bổ ích, an toàn, tiết kiệm, ngày 9-9-2020 UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 392/UBND-VP7 về việc tổ chức Tết Trung thu năm 2020. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em tại địa phương đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, văn hóa phẩm, đồ chơi có tính chất bạo lực, phản giáo dục, chất lượng kém, độc hại, nguy hiểm, không phù hợp với trẻ em. Bố trí kinh phí, vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia việc tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn. Các cấp bộ Đoàn, Đội các cấp đẩy mạnh công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng, hướng dẫn nội dung hoạt động trại thu bổ ích; lồng ghép hoạt động trại thu với nâng cao chất lượng sinh hoạt Đội; phát động phong trào đoàn viên, thanh niên giúp đỡ, ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong dịp Tết Trung thu./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng