Chuyện về nhạc sĩ Văn Ký

08:08, 14/08/2020

Tháng 4 năm 2017, nhạc sĩ Lê Xuân Thọ (Tác giả bài hát “Con cò bé bé”) khuyên tôi nên đưa thơ để nhạc sĩ Văn Ký phổ nhạc vì thơ có nhiều tứ lạ. Biết tôi lừng khừng vì sợ mang tiếng “Thấy người sang bắt quàng làm họ”, nhạc sĩ Lê Xuân Thọ vẫn tổ chức cuộc gặp mặt tại 42 Tăng Bạt Hổ (Hà  Nội). Hôm ấy nhạc sĩ Văn Ký đến rất đúng giờ, trẻ trung, nhanh nhẹn hơn tuổi rất nhiều. Sau khi nghe giới thiệu về tôi, ông bắt tay thân mật rồi nói chuyện tự nhiên: “Em có thơ để phổ nhạc à?”. Tôi thật cảm động khi nghe câu này từ một người nổi tiếng(!).

Nhạc sĩ Văn Ký (giữa) với nhạc sĩ Lê Chín (bên trái) và NSƯT Minh Quang.
Nhạc sĩ Văn Ký (giữa) với nhạc sĩ Lê Chín (bên trái) và NSƯT Minh Quang.

Dần dà thân quen, việc trao thơ để phổ nhạc cũng rất chân tình cởi mở: “Anh ngại phổ thơ lục bát, vì trong thơ đã có nhạc rồi”. (Sau bài “Quảng Ngãi yêu thương” anh phổ thơ tôi và nói thật tình như vậy). Một hôm tôi mang đến tặng anh tập thơ “Tình yêu và nỗi nhớ” vừa xuất bản. Chầm chậm lật từng trang, anh bảo: “Thơ em có âm điệu và tiết tấu rất gần với âm nhạc, anh chọn bài thơ “Ba Tơ chiều ấy” để phổ, vì với anh, nó gợi nhớ nhiều kỷ niệm”. Anh kể: Rời làng Hào Kiệt, xã Liên Minh (Vụ Bản) theo bà vào ở với ông nội tại Hà Trung (Thanh Hóa) vừa đi học vừa chăn trâu cắt cỏ. Lớn hơn một chút về ở với chú ruột tại Nông Cống (Thanh Hóa). Tại nơi đây anh được giác ngộ cách mạng, bí mật tham gia phong trào Việt Minh, bị Pháp bắt giam ở nhà lao Thanh Hóa lúc mới 15 tuổi. Địch dùng đủ cực hình tra tấn, anh không hé răng nửa lời. Sau khi cùng những chiến sĩ cách mạng thoát được ngục tù, anh háo hức tham gia tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Cách mạng thành công, anh trở về làm việc tại huyện Nông Cống và được kết nạp Đảng (1946), được đề bạt Huyện Đội trưởng khi mới 18 tuổi. Ban ngày rong ruổi bằng con ngựa đua lấy được của Nhật để nắm bắt tình hình, điều hành quân sự, ban đêm anh hoạt náo với các tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn cùng chiếc đàn ghita cũ hát say sưa. Giỏi chỉ huy quân sự, có khiếu văn nghệ, nên bước ngoặc lớn của đời anh là được cử đi học lớp bồi dưỡng văn nghệ của quân khu IV. Cho đến bây giờ, nhạc sĩ Văn Ký vẫn được Huyện ủy Nông Cống dành nhiều tình cảm đặc biệt vì đã một thời hiến dâng tuổi trẻ cho quê hương xứ Thanh này.

Hàng năm cứ 11 giờ trưa ngày 19-8, nhạc sĩ Văn Ký còn vinh dự tham gia lễ thượng cờ trước cửa Nhà hát lớn do Thành ủy Hà Nội tổ chức, để nhớ lại khí thế cách mạng hào hùng mùa thu năm 1945.

Trong “Tuyển tập những ca khúc Văn Ký 1946-2015” gồm 140 bài, có gần 100 bài do tác giả viết lời. Ca từ đầy chất thơ, sâu lắng, dễ đi vào lòng người. Nhạc của Văn Ký luôn mang bản sắc riêng, có hơi thở của đất trời nơi anh đã sống hay đã từng đi qua. Trong đó “Bài ca hy vọng” đã trở thành một kiệt tác, vì được viết từ sự rung động của một trái tim trong sáng vô ngần. Nó không chỉ là tài sản quý của riêng anh mà còn của đất nước. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã lưu bản viết tay “Bài ca hy vọng” của chính tác giả và được đặt trang trọng trong đó. Có dịp gần nhạc sĩ Văn Ký mới thấy sự lan tỏa kỳ diệu của bài hát này và càng trân trọng nhân cách của anh, hiền lành, đức độ, không bon chen vụ lợi. Đầu xuân 2018, hội đồng hương Quảng Ngãi tổ chức gặp mặt bà con quê nhà đang sống và làm việc ở Hà Nội. Sau khi nghe những ca khúc nhạc sĩ Văn Ký, nhạc sĩ Lê Xuân Thọ phổ thơ tôi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lên tặng hoa và nói lời cảm ơn. Nhạc sĩ Văn Ký đáp từ thật khiêm tốn: “Chúng tôi là người viết nên tác phẩm, các bạn mới là người thẩm định tác phẩm. Cảm ơn các bạn hôm nay đã ủng hộ chúng tôi”. Tiếng vỗ tay vang lên rồi tất cả cùng cất tiếng hát: “Gửi lời chim yêu thương/ Tới miền Nam quê hương/ Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ…”. Đây là bài hát đã nói lên tâm trạng những người con miền Nam từng sống 21 năm Bắc Nam chia cắt.

Ngày 30-4-2018 chúng tôi về làng Bôn (Đông Thanh - Đông Sơn - Thanh Hóa). Vừa vào đến sân, đã nghe tiếng hát “Lời ru xưa” một ca khúc nhạc sĩ Văn Ký phổ thơ của tôi để tặng người mẹ đã sinh ra liệt sĩ Nguyễn Hữu Ninh. Anh đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn, chỉ vài giờ sau lá cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Nghe xong truyền thống cách mạng mấy đời của gia đình, nhạc sĩ Văn Ký rất cảm kích: “Tôi cảm ơn người mẹ anh hùng đã sinh ra người con anh hùng để tôi phổ ca khúc “Lời ru xưa”. Sau tràng vỗ tay như pháo nổ, tất cả quây quần bên nhạc sĩ cùng cất tiếng hát “Bài ca hy vọng”…

Những ngày cuối tháng tư năm 2020, nơi tôi ở mọi ngày rất đông vui, thế mà nay phố xá vắng tanh, trẻ con cũng biết bảo nhau “Ở nhà là yêu nước” vì dịch COVID-19 đang hoành hành. Tôi lấy bút làm bài thơ “COVID phải lùi xa”, sau đó đọc cho nhạc sĩ Văn Ký nghe qua điện thoại. Nghe xong anh như reo lên “Anh sẽ phổ nhạc bài này! Chúng ta cần chung tay góp sức với cả nước!”. Sáng ra tôi đã nghe tiếng anh rất vui trong điện thoại: “Anh đã phổ xong bài thơ và gửi cho Minh Quang rồi”. Tôi thật ngỡ ngàng. Ngay chiều đó, với giọng nam trung ấm áp truyền cảm, NSƯT Minh Quang đã đến hát cho tôi nghe. Đúng là một hành khúc đang thúc giục cả dân tộc kết đoàn xông tới, chiến thắng dịch COVID. Thế là chúng tôi đã “hợp đồng tác chiến” rất nhịp nhàng. Cảm ơn nhạc sĩ Văn Ký đã chuyển tải được cảm xúc của bài thơ, vì tôi thấy mình như đang sống lại thời chống Mỹ cứu nước. 

Sau khi Đài Truyền hình VTV1 phát chương trình “Cuộc sống vẫn tiếp diễn”, với bài hát “COVID phải lùi xa”, tôi nhận được nhiều lời chia sẻ của bạn bè. Ai cũng thấy bất ngờ vì ở cái tuổi 92 mà nhạc sĩ Văn Ký còn rất phong độ. Tôi tiết lộ thêm: Nhạc sĩ Văn Ký sống vô tư, “không chịu già” nên tư duy vẫn mạch lạc, mắt tinh, tai thính và tay không hề run nên chữ viết rất đẹp./.

Lê Chín



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com