Từ khi phát động phong trào xây dựng NTM nâng cao (năm 2019), Đảng uỷ, UBND xã Yên Đồng (Ý Yên) đã tập trung chỉ đạo, huy động nguồn lực xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao tiếp tục được đầu tư nâng cấp, phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong cộng đồng.
Đội văn nghệ giáo viên Trường Mầm non Yên Đồng biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVI (nhiệm kỳ 2020-2025). |
Đồng chí Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho biết: Trước kia, thời còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng người dân nơi đây luôn coi trọng xây dựng đời sống văn hóa tinh thần. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, UBND xã đã quy hoạch quỹ đất, hỗ trợ các xóm kinh phí kết hợp nguồn vốn huy động tại chỗ san lấp mặt bằng xây dựng nhà văn hóa (NVH). Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào xây dựng NVH xóm ở Yên Đồng được đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân tích cực tham gia; cả 8 thôn trong xã đã xây dựng được 17 NVH liên xóm. Các NVH xóm đều trang bị được tủ sách cộng đồng với số lượng từ 50-70 đầu sách/NVH, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, nâng cao tri thức của người dân. Ở mỗi xóm, các chi Hội CCB, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tích cực vận động nhân dân ủng hộ các đầu sách, báo, tạp chí. Từ khi tủ sách NVH xóm đi vào hoạt động, phong trào đọc sách của nhân dân trong xã được nhân rộng từ cán bộ công chức, công nhân, nông dân đến các em học sinh. Hàng năm, tại các NVH, các xóm đều tổ chức giao lưu văn hoá, văn nghệ, TDTT vào các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước; đặc biệt là trong các dịp: Tết Trung thu, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11). Xã đã thành lập được CLB văn nghệ xung kích với nòng cốt là các hội viên phụ nữ và đoàn viên, thanh niên xã. Bằng các tiết mục văn nghệ sinh động các thể loại từ chèo, kịch đến múa - hát các ca khúc cách mạng, CLB văn nghệ xung kích xã còn lồng ghép tuyên truyền về các chủ đề như: Dân số - KHHGĐ, xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở... Ở Yên Đồng, các trường học trong xã đều có đội văn nghệ giáo viên và học sinh các khối lớp biểu diễn đa dạng các thể loại như: ca - múa - nhạc, kịch, chèo, hát dân ca… Để bồi đắp tình yêu nghệ thuật cho học sinh, các nhà trường thường xuyên tổ chức chương trình văn nghệ nhân dịp khai giảng, tổng kết năm học, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Đoàn (26-3). Cả 8 thôn trong xã đều thành lập được đội văn nghệ quần chúng, tự biên tự diễn các chương trình văn hóa văn nghệ với chủ đề nội dung đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và đời sống tinh thần của người dân địa phương. Thôn An Trung là đơn vị có phong trào văn nghệ phát triển mạnh nhất xã có 30 thành viên là những người say mê ca hát ở các xóm 17, 18, 19, 20, 21. Các buổi sinh hoạt của đội văn nghệ thôn An Trung được duy trì thường xuyên tại NVH xóm và lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ của các chi hội, đoàn thể. Phong trào thể thao quần chúng ở Yên Đồng cũng phát triển rộng khắp, đa dạng ở nhiều bộ môn; trong đó, phong trào bóng đá ở các thôn: Đại An, Cốc Dương, Khang Giang, Nam Đồng; phong trào bóng bàn ở các trường mầm non, tiểu học, THCS; phong trào cầu lông người cao tuổi thôn Tiến Thắng, phong trào bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nam, nữ ở thôn La Ngạn…
Xã Yên Đồng là miền quê có nhiều di tích với gần 20 công trình kiến trúc đình, đền, chùa, phủ cổ kính gắn với các lễ hội làng truyền thống. Để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, đội múa lân - rồng làng La Ngạn được thành lập. Theo tìm hiểu, nghệ thuật múa lân - rồng làng La Ngạn có từ cách đây hơn 70 năm với các bài múa gậy nức tiếng xa gần đã thể hiện sự khát khao về một cuộc sống thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc của người dân địa phương. Hiện nay, đội múa lân, rồng của làng có hơn 30 thành viên, đa dạng ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, đội đã mua sắm được 3 đầu lân, 1 con rồng cùng nhiều trang phục, đạo cụ đẹp mắt. Nhiều năm nay, nghệ thuật múa lân - rồng kết hợp với biểu diễn võ gậy là hoạt động không thể thiếu với người dân làng La Ngạn trong lễ hội rước nước thỉnh kinh tại phủ Đại La vào mùng 2-3 âm lịch hàng năm. Không chỉ biểu diễn trong các lễ hội đầu xuân tại địa phương, đội múa lân - rồng làng La Ngạn còn nhiều lần trình diễn tại Đại hội TDTT huyện.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT ở Yên Đồng đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tác động tích cực đến việc thực hiện và nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng “Xóm văn hóa”, “Gia đình văn hóa”. Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, xã tập trung thực hiện các mục tiêu trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội; trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong xây dựng NTM bền vững, nâng cao. Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng làng xã trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ ANTT; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội... Hiện tại, 35 xóm trong xã đều đã xây dựng được hương ước, quy ước nếp sống văn hóa mới. Năm 2019, số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” của xã chiếm tỷ lệ trên 90%; cả 35 xóm được công nhận danh hiệu “Xóm văn hoá”; 3 trường học và trạm y tế xã đều được công nhận “Cơ quan đạt chuẩn nếp sống văn hóa”. Công tác dân số - KHHGĐ ở xã được triển khai thuận lợi; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; nhiều năm liền xã không có gia đình sinh con thứ 3, không có người vi phạm pháp luật; người dân giữ vững kỷ cương, nền nếp, tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trên địa bàn xã có 1 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) với lễ hội hàng năm diễn ra từ ngày mùng 1 đến mùng 10-3 âm lịch; trong đó chính hội là mùng 4-3. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong quản lý, bảo tồn di tích, xã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị lịch sử của di tích, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Các nghi lễ truyền thống của lễ hội được người dân phục dựng theo đúng phong tục truyền thống với các nghi thức: tế, lễ, rước kiệu, rước kinh, rước nước, tế nến… cùng nhiều trò chơi dân gian, giao lưu nghệ thuật hấp dẫn, lôi cuốn người dân tham gia, cổ vũ.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, thời gian tới, xã Yên Đồng tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và không ngừng nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá; gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống làng quê; khơi dậy, phát huy tinh thần chủ động, tính tích cực, vai trò tự quản và sáng tạo của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng