Vũ điệu cà kheo

08:07, 03/07/2020

Do hàng ngày phải mưu sinh trên vùng bãi triều sình lầy và phụ thuộc vào mực nước thuỷ triều nên khi mới lập làng nơi chân sóng cách đây chừng một trăm năm, ngư dân làng Quần Vinh, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) đã biết “nối dài” đôi chân để có thể dễ dàng thả lưới, quăng chài, đi xẻo, cất te… Sự thuần thục, khéo léo đến điệu nghệ của các ngư dân trong quá trình lao động đã khiến các động tác lao động ở dưới nước - cà kheo Quần Vinh “lên bờ” trở thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn thú vị, độc đáo được ưa thích.

Đánh cá trên cà kheo là cả một nghệ thuật.  Ảnh: Lê Bích
Đánh cá trên cà kheo là cả một nghệ thuật.
Ảnh:
Lê Bích

Ông Phạm Văn Viễn, nguyên đội trưởng đội cà kheo Quần Vinh, trước đây là y tá của đội dân quân xã Nghĩa Thắng (tức đội dân quân của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Vũ Thị Thanh Nhâm, chuyên rà phá thuỷ lôi ở cửa sông Ninh Cơ trong những năm chống Mỹ) cho biết, đội cà kheo Quần Vinh được hình thành vào khoảng những năm 1930, trên cơ sở đội trống của giáo xứ Quần Vinh. Hồi đó, đội cà kheo chỉ để phục vụ trong các nghi thức tôn giáo ở địa phương. Mãi đến những năm 1980, đội cà kheo mới có dịp được biểu diễn trong các lễ hội lớn. Mặc dù ngày nay, người làng Quần Vinh ít phải đi cà kheo dưới nước nữa bởi đã có nhiều phương tiện đánh bắt tôm cá hiện đại hỗ trợ, nhưng các thế hệ ngư dân làng Quần Vinh vẫn luôn cố gắng bảo tồn loại hình nghệ thuật biểu diễn này. Đặc biệt, gia đình anh Nguyễn Văn Ngữ có tới năm anh em cùng tham gia đội kheo đã mấy chục năm nay… Họ đều nhận thức được giá trị cũng như trách nhiệm phải gìn giữ và phát triển loại hình biểu diễn cà kheo cho con cháu sau này.

Điểm độc đáo của biểu diễn cà kheo là các tiết mục đều được thực hiện trên những cây kheo cao đến gần 5m. Đôi “cẳng sếu” ấy làm bằng loại tre vườn, được chăm sóc và chọn lựa kỹ càng. Sau một thời gian ngâm dưới bùn ao và được xông bồ hóng trên gác bếp để khử hết mối mọt, chỉ còn phần xương cốt tre cứng mà dẻo dai, tre mới được mang ra làm cà kheo. Vì thế, những cây kheo thẳng, đều, dẻo dai và không quá nặng với chân người biểu diễn. Cà kheo có nhiều mức (độ cao) khác nhau dành cho từng lứa tuổi và từng giai đoạn tập luyện. Khi biểu diễn, đôi bàn chân của các “nghệ sĩ” được buộc vào giá đỡ ở đoạn trên của đôi kheo và đầu trên cùng của cây kheo buộc chắc chắn với bắp chân ngay dưới đầu gối. Vì vậy, người biểu diễn vừa di chuyển trên đôi cà kheo lại vừa có thể diễn các động tác bằng tay một cách dễ dàng, bài bản. Trang phục dùng khi biểu diễn của đội kheo được thiết kế để tạo nên sức hấp dẫn từ yếu tố lạ kỳ. Đó là những bộ quần áo mớ ba mớ bảy rất sặc sỡ, ống và tà dài lê thê từ 2 đến 4m, tương ứng với độ cao của kheo. Bộ trang phục đó trùm xuống gần hết chiều cao của cây kheo, chỉ hở một đoạn ngắn phía dưới để không bị vướng khi di chuyển và giúp người xem được tận mắt nhìn thấy đôi cà kheo. Đội cà kheo Quần Vinh hiện có 30 người, chỉ toàn là đàn ông nhưng một nửa số thành viên trong đó chuyên đóng các vai nữ nên hành trang của họ mang theo lại có cả khăn, yếm, nịt ngực, tóc giả… Những nét độc đáo, lạ mắt ấy là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự hấp dẫn của cà kheo Quần Vinh và tình cảm yêu mến, ngợi khen thán phục của công chúng gần xa.

Biểu diễn cà kheo trên cạn khó khăn và nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc đi kheo dưới nước. Để có thể biểu diễn cà kheo một cách nghệ thuật, các ngư dân Quần Vinh đã phải dày công luyện tập và gặp không ít tai nạn, đặc biệt là ở những mức kheo cao. Ban đầu là tập đứng, tập đi trên kheo chỉ cao chừng nửa mét trên bãi cát rộng ven sông rồi mới nâng dần lên. Mức kheo cao nhất là 4,8m đã được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam (tháng 7- 2005). Sau khi đã thuần thục các động tác đi và đứng thì mới được chuyển sang tập các bài biểu diễn khó hơn. Theo ông Viễn thì để biểu diễn được cà kheo, ngoài yếu tố say mê khổ luyện ra thì cũng cần phải có chút năng khiếu. Đàn ông Quần Vinh hầu như ai cũng biết đi cà kheo dưới nước nhưng số người có thể biểu diễn trên cạn được thì không nhiều. Một người chỉ được coi là biểu diễn cà kheo thành thạo và có “nghệ thuật” khi trên đôi “cẳng sếu” lênh khênh đó những bước đi, bước nhảy, bước xiết (đổi chân) và các động tác tay, chuyển động cơ thể nhịp nhàng, linh hoạt, biến hoá tài tình. 

Trải qua nhiều thế hệ gìn giữ và phát triển, đến nay đội cà kheo Quần Vinh đã sáng tạo được nhiều bài biểu diễn độc đáo, hấp dẫn. Họ vừa di chuyển lắc lư trên những đôi cà kheo cao ngất ngưởng lại vừa múa kiếm, đánh gậy, đá bóng, múa sư tử, kéo co, đấu vật… hay diễn tượng trưng các hoạt động quen thuộc của người ngư dân như: cất te, thả lưới, quăng chài… Một điều rất đáng khâm phục nữa, đó là sự say mê nghề nghiệp, tình yêu nghệ thuật của các ngư dân đội cà kheo Quần Vinh. Thường ngày, mỗi người một ngả mưu sinh nhưng khi có yêu cầu diễn thì họ nhanh chóng trở về để tập luyện, chuẩn bị đi biểu diễn không kể xa hay gần, cũng không quá quan trọng vào chuyện được thù lao, bồi dưỡng nhiều hay ít. Niềm vui lớn nhất của họ là được đi biểu diễn và được đón nhận tình cảm yêu mến, hâm mộ của công chúng. Chính vì vậy, đội cà kheo Quần Vinh đã được xuất hiện trong nhiều lễ hội lớn của địa phương và đất nước như: Lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Gia Định, Lễ hội dân gian Sài Gòn, Festival Huế, Tuần lễ Văn hoá - Du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh), Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 22 tại Sân vận động Thiên Trường (Nam Định) và nhiều lần tham gia Hội chợ Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) được nhận nhiều Bằng khen của các tỉnh, thành phố, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch…

Tuy vậy, điều mà nhiều thành viên của đội cà kheo trăn trở nhất là điều kiện để tập luyện, biểu diễn còn rất nhiều hạn chế. Các thành viên của đội cà kheo hàng ngày vẫn phải vật lộn kiếm sống với con tôm, con cá nên thời gian để tập luyện rất ít. Hơn nữa, các thành viên của đội - những người còn nhiều đam mê với nghệ thuật biểu diễn cà kheo đến nay đều đã ở độ tuổi trên, dưới 50; trong khi đó lớp trẻ kế cận thì lại mải mưu sinh ở khắp nơi nên việc duy trì đội cà kheo trong tương lai vẫn là một bài toán khó cho những người tâm huyết với loại hình nghệ thuật dân gian này. Hy vọng trong thời gian tới, xuất phát từ tình yêu đối với nghệ thuật biểu diễn cà kheo, sẽ có cơ quan, tổ chức hay Mạnh Thường Quân nào đó yêu cà kheo đầu tư để loại hình biểu diễn nghệ thuật này có điều kiện tìm đến với đông đảo công chúng hơn./.

Trần Văn Lợi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com