Tháng 6, vào những ngày hè rực rỡ nhất thì đám cỏ may dưới chân đê làng tôi cũng bắt đầu mùa mới. Không còn vẻ khẳng khiu, xác xơ như những ngày đông, đám cỏ được nắng, được gió gốc xanh lên mỡ màng. Lũ trẻ trâu thương những thân cây gày nhẳng ấy thường tránh xa không cho trâu dẫm đạp lên cỏ. Hoặc giả chúng cũng không muốn bước vào cỏ, sợ hoa vô tình đâm đầy gấu quần. Ngày bé, tôi đã từng được nghe bà nội kể chuyện sự tích loài hoa cỏ may. Loài hoa gắn liền với truyền thuyết về một mối tình trái ngang, trắc trở. Cánh hoa cỏ may sắc nhọn như mũi kim, nhức nhối một niềm đau của tình yêu trong xa cách. Thân cây gầy guộc mỏng manh, mang bóng dáng của người con gái thủy chung, son sắt chờ chồng, chờ mãi đến độ nhan sắc tàn phai, thân thể xác xơ, héo hon. Năm tháng trôi đi, tình yêu nàng dành cho chồng dường như bất tử. Cứ mỗi dịp có khách qua đường, “nàng cỏ may” lại cố gắng níu bám vào ống quần, vạt áo người, để hỏi thăm tin tức về chồng, để thắp lên hy vọng về một mai ngày đoàn viên… Bà tôi nói, cỏ may nhắc nhớ những người đang yêu, hãy yêu bằng tất cả trái tim, đam mê và cuồng si, như cánh hoa may kia thật dễ bám vào mà cũng thật khó dứt ra…
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Tháng 11, khi trời đã lạnh hẳn, trên đê làng lũ trẻ trâu phải căng mắt tìm mới thấy vài cành cỏ may xơ gầy. Vào tháng 12, người ta hầu như không tìm được cuộng cỏ may nào còn xanh. Lẫn trong đất, những thân cỏ may héo rũ toàn lá vàng. Vậy mà qua vài đợt mưa xuân, từng đám cỏ mọc ra bời bời chen lấn với những gốc cỏ mật thơm dìu dịu. Mùa thu về, từ chân đê đã thấy những bông hoa tim tím hé lộ. Hoa cỏ may nhỏ xíu mà cứng cáp. Mùa hạ, hoa có màu tim tím. Thu sang, hoa ngả màu xam xám, bàng bạc. Rồi khi tiết thu trở nên se sắt hơn, hoa cỏ may bắt đầu chín, ngậm đầy hạt, từng cành hoa bạc phếch, phất phơ trong gió. Thứ màu nhợt nhạt dễ bị lẫn vào đất lan nhanh ra khắp cả triền đê, vương vấn lối về những ai đi qua đê làng. Năm ấy chị tôi lấy chồng vào đúng mùa cỏ may nở, tiếng pháo đì đùng từ nhà vang ra tận chân đê. Mẹ tiễn chân chị ra ngõ nước mắt ngắn dài. Đám cưới đi gần hết đê, mẹ nhào chạy theo, kịp đưa vội cho chị chiếc khăn tay. Chị nhìn xuống 2 bên gấu quần của mẹ hoa may găm đầy, chị thổn thức khóc. Đầy trời hoa may theo gió lay động. Mùa cỏ may, bà đi làm đồng về đều thuê chị em tôi nhặt hoa găm ở ống quần. Hai đầu ống quần của bà hoa may đâm dày đặc. Quà “thuê” thường là những câu chuyện cổ tích bà đọc hoặc được nghe kể. “Sang” hơn, bà lần trong túi quả ổi găng chín muỗng, thơm lừng dứ dứ, đứa nào nhặt được nhiều hơn bà thưởng cho vài quả. Mùa cỏ may, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau đi dọc triền đê tìm hái những bông cỏ dúm thành dúm nhỏ mang về nhà cắm. Mấy đứa sải chân ngồi bệt ngay trên đê dùng cây cỏ may tết thành những chiếc chổi nho nhỏ. Mạnh dạn hơn, có đứa còn làm thành bó hoa mang tặng bạn cùng lớp.
Chiều nay, nghe người trong làng nói sắp tới xã sẽ gia cố đê, hai bên bờ sẽ được kè lại cho chắc chắn, chị tôi nói, từ nay mùa mưa bão yên tâm hẳn, không còn thấp thỏm mỗi lần nhìn con đê oằn mình chống bão. Rồi chị hỏi vu vơ, đám cỏ may biết mọc ở đâu? Bà tôi bảo, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, con cứ tin đi, mỗi mùa mới cây lại sẽ xanh tươi./.
Nguyễn Hoa Xuân