Nam Trực tăng cường các biện pháp chống xâm hại di tích

04:06, 12/06/2020

Huyện Nam Trực có 390 di tích nằm trong danh mục kiểm kê; trong đó có 70 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng gồm: 14 di tích cấp quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh. Thực hiện quy định của UBND tỉnh về phân cấp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo di tích đảm bảo chất lượng, giữ nguyên vẹn kiến trúc gốc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, phát huy giá trị giáo dục lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.

 

Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Đền Đồng Quỹ, xã Nam Tiến.
Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Đền Đồng Quỹ, xã Nam Tiến.

Xã Bình Minh (Nam Trực) là vùng đất cổ lưu giữ được nhiều di sản văn hóa với 26 di tích, gồm các đình, đền, chùa, miếu, phủ được phân bổ rộng khắp 17 thôn, làng cổ; trong đó, di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Cầu Ngói - Phủ Bà gắn liền với lịch sử bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, con một vị quan dưới triều Lê Trung Hưng - Cung phi của Chúa Trịnh đã có nhiều đóng góp cho quê hương. Được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII), di tích Cầu Ngói thôn Thượng Nông có kiến trúc độc đáo “Thượng gia, hạ kiều” không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương và trở thành biểu tượng văn hóa của huyện Nam Trực. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, trước những biến cố lịch sử và tác động của thiên nhiên, cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng. Cuối năm 2019, Cầu Ngói thôn Thượng Nông được Bộ VH, TT và DL hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 để tu sửa phần mái chống xuống cấp. Tuy nhiên, trong quá trình sửa chữa, chính quyền địa phương đã tự vận động thêm nguồn xã hội hóa từ người dân địa phương để tu sửa thêm các hạng mục 2 bên đầu cầu như: sơn màu giả đá lên tường 2 cửa vào phía bắc và phía nam; các bậc lên xuống cầu bằng gạch được thay mới bằng đá xanh, mài nhẵn; các trụ đấu 2 bên đầu hồi được làm mới hoàn toàn với hoa văn, chữ Hán “Thượng Gia Kiều”… không đảm bảo thẩm mỹ và phù hợp với niên đại lịch sử của cây cầu, ảnh hưởng đến giá trị biểu tượng của cây cầu. Khi phát hiện sự việc, Sở VH, TT và DL đã cử cán bộ xuống kiểm tra, yêu cầu chính quyền địa phương khắc phục sửa chữa lại công trình Cầu Ngói theo nguyên bản kiến trúc gốc được lưu giữ trong hồ sơ di tích. Đến cuối tháng 2-2020, Cầu Ngói chợ Thượng đã được phục hồi nguyên trạng.

Từ sự việc Cầu Ngói thôn Thượng Nông, UBND huyện Nam Trực chỉ đạo tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; yêu cầu các xã, thị trấn, cộng đồng dân cư khi trùng tu, tôn tạo các di tích phải báo cáo, xin phép các cơ quan có thẩm quyền; phối hợp, tham mưu cho chính quyền các cấp để thuê các chuyên gia, đơn vị xây dựng có kinh nghiệm phục dựng các công trình văn hóa kiến trúc cổ nhằm hạn chế được những sai sót, đảm bảo giữ nguyên các giá trị ban đầu của di tích. Phòng VH-TT huyện tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi xâm hại di tích trên địa bàn. Ở các di tích xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh và các di tích trong danh mục kiểm kê đã được UBND huyện phê duyệt, Ban quản lý các di tích được thành lập do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Hàng năm, UBND các xã, thị trấn kiện toàn, củng cố Ban quản lý di tích; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở và các thành viên trong Ban quản lý di tích về công tác quản lý di tích; tuyên truyền cho nhân dân địa phương về ý nghĩa, giá trị di sản. Ban quản lý di tích có nhiệm vụ tiếp nhận những thông báo về di tích có nguy cơ bị hủy hoại, xuống cấp để kịp thời thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, chống xuống cấp; phối hợp với các ngành liên quan thẩm định, xây dựng các dự án tu bổ, phục hồi di tích; kiểm soát các công trình xây dựng nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng ảnh hưởng đến không gian cảnh quan môi trường di tích phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc bảo vệ, ngăn chặn và xử lý các hoạt động mê tín dị đoan... Thời gian qua, công tác kiểm kê di tích trên địa bàn huyện được thực hiện tốt, là cơ sở đánh giá tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể đa dạng, độc đáo ở địa phương. Trong 3 năm qua, toàn huyện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị và được Bộ VH, TT và DL, UBND tỉnh công nhận nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia như: Đình Vân Chàng, Đền Đông (thị trấn Nam Giang), Đình Tây Lạc (xã Đồng Sơn), Đền - Chùa - Phủ Ngọc Tỉnh (xã Nam Lợi), Đình Cả (xã Nam Thắng),  Từ đường họ Lê (xã Nam Hoa), Đền - Chùa Ba Xã (xã Nam Hồng), Chùa Linh Quang, Từ đường họ Phạm (xã Nam Hùng), Đền Đông (xã Điền Xá). Trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích, các xã, thị trấn đã chỉ đạo thành lập Ban giám sát cộng đồng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát quá trình tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều xã như: Nam Dương, Nam Thanh, Nam Cường, Nam Hồng, thị trấn Nam Giang… đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn huyện thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương. Ban tổ chức lễ hội các địa phương xây dựng kịch bản lễ hội chi tiết theo quy chế, xin phép cấp có thẩm quyền. Phòng VH-TT phối hợp với Công an huyện tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghiêm các chính sách về công tác môi trường văn hóa tại các di tích, du lịch lễ hội tâm linh như: hạn chế tình trạng hành khất, bán hàng rong, nạn cờ bạc, mê tín dị đoan; đặc biệt là tình trạng lạm dụng đốt vàng mã, thắp hương, nến trong khuôn viên, nội tự di tích và khu vực lễ hội. Để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ tại di tích, Ban quản lý di tích ở nhiều địa phương đã thành lập các đội, tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy được huấn luyện kỹ năng phòng, chống cháy nổ; trang bị phương tiện chữa cháy; đồng thời tăng cường tuyên truyền nhắc nhở phòng, chống cháy nổ trong các lễ hội...; niêm yết các nội quy, tiêu lệnh phòng cháy, chữa cháy; cử cán bộ kiểm tra, hướng dẫn các tăng, ni, thủ nhang, nhà đền khắc phục những thiếu sót trong công tác phòng, chống cháy nổ.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo, chống xâm hại di tích, huyện Nam Trực chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng các di tích; trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể đề án bảo vệ và phát huy giá trị. Ban quản lý di tích, Ban tổ chức các lễ hội căn cứ các văn bản của tỉnh, của huyện tổ chức hoạt động lễ hội phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, đảm bảo an toàn, vui tươi, tiết kiệm, hiệu quả./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com