Xác định công tác xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) là mục tiêu vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách trong sự nghiệp xây dựng con người trong thời kỳ mới, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào xây dựng GĐVH theo các tiêu chí “bình đẳng, tiến bộ, văn minh”, đảm bảo gìn giữ, kế thừa truyền thống đạo lý của dân tộc, phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của đời sống xã hội.
Gia đình chị Phạm Thị Lê ở thôn Nam Trực, xã Nam Tiến (Nam Trực) là gia đình văn hoá tiêu biểu phát triển nghề mộc truyền thống. |
Thực hiện Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Chính phủ quy định về bình xét, công nhận các danh hiệu “GĐVH”, “Làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa”, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện với 3 nhóm nội dung, 24 tiêu chí gồm: Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương (11 tiêu chí); Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng (6 tiêu chí); Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả (7 tiêu chí). Sở VH, TT và DL phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào xây dựng “GĐVH” cho đội ngũ cán bộ văn hóa và Ban công tác Mặt trận cơ sở. Các địa phương đưa việc thực hiện phong trào xây dựng “GĐVH” vào chương trình kế hoạch công tác hàng năm, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM; trong đó, chú trọng xây dựng giá trị văn hóa gia đình tiên tiến, hiện đại trên cơ sở kế thừa, phát huy chọn lọc những giá trị văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì trẻ em và kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), ngành VH, TT và DL trong tỉnh phối hợp với các ngành, đoàn thể các cấp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tọa đàm, giao lưu với chủ đề “Phụ nữ với gia đình” tại cơ sở nhằm đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng, bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên. Việc tổ chức đăng ký và bình xét danh hiệu “GĐVH” hàng năm ở các khu dân cư trong tỉnh diễn ra công khai, dân chủ vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11). Số lượng và chất lượng gia đình đạt tiêu chuẩn “GĐVH” ngày càng được nâng lên. Năm 2019, toàn tỉnh có 521.160/613.378 gia đình được công nhận danh hiệu “GĐVH”, đạt tỷ lệ 85%.
Tại thành phố Nam Định phong trào xây dựng “GĐVH” đã tác động tích cực đến mục tiêu xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Hàng năm, tỷ lệ GĐVH ở thành phố luôn đạt từ 80-90%. Nhiều phường có tỷ lệ “GĐVH” cao như: Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Vị Hoàng, Hạ Long, Lộc Vượng, Lộc Hạ… Các gia đình luôn có ý thức thực hiện tốt quy ước cộng đồng, quy chế hoạt động của khu dân cư; trong nhiều lĩnh vực như: Quy ước thực hiện nghĩa vụ quân sự; quy ước sử dụng điện, nước và các công trình công cộng; quy ước ứng xử trong gia đình và xã hội, truyền thống hiếu học trong gia đình, dòng họ; quy ước thực hiện an ninh trật tự, an toàn giao thông, thăm hỏi người ốm đau, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng… Ở huyện Giao Thủy, nhiều phong trào, mô hình GĐVH của đoàn thể các cấp được xây dựng và nhân rộng, tiêu biểu như: “Gia đình nông dân văn hoá” của Hội Nông dân; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội Phụ nữ; “Gia đình cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh; “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” của Hội Người cao tuổi. Năm 2019, toàn huyện có 53.175/60.795 hộ được công nhận “GĐVH”, đạt tỷ lệ 87,5%; 989 GĐVH tiêu biểu được UBND huyện khen thưởng có nhiều đóng góp trong các hoạt động nhân đạo - từ thiện, khuyến học - khuyến tài, xây dựng NTM, phát triển kinh tế, giảm nghèo, giúp nhau làm giàu chính đáng. Nhiều xã có tỷ lệ GĐVH đạt trên 80% như: Giao Hà, Giao Hải, Giao Long, Giao Phong, Giao Xuân, Hoành Sơn, Bình Hòa, Giao Yến, Giao Thiện, thị trấn Quất Lâm… Ở huyện Xuân Trường, năm 2019, phong trào xây dựng GĐVH trong thời kỳ mới; tập trung xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em; thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò của người phụ nữ… nhằm bảo vệ sự ổn định và phát triển gia đình. Toàn huyện có 84,1% hộ được công nhận “GĐVH”; 80,3% xóm, tổ dân phố được công nhận “Xóm, tổ dân phố văn hóa”. Ở huyện Hải Hậu, các quy chế về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được các hộ dân thực hiện nghiêm túc, các gia đình đảng viên luôn gương mẫu. Ở cả 34 xã, thị trấn, các đám cưới mang tính phô trương, lãng phí trên địa bàn giảm hẳn; xoá bỏ tình trạng tảo hôn, thách cưới quá mức. Các đám tang được tổ chức trang trọng, chu đáo với đầy đủ các nghi lễ truyền thống; các hủ tục lạc hậu rườm rà không còn. Năm 2019, số gia đình đạt danh hiệu “GĐVH” trên địa bàn huyện đạt 96,8%. Ở huyện Trực Ninh, phong trào xây dựng “GĐVH” đã phát huy sức mạnh nội lực và vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM. Các phong trào, cuộc vận động như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Xây dựng thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” được triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc trong cộng đồng. Năm 2019, toàn huyện có 63.780 GĐVH, đạt tỷ lện 95%; 287 khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 99,7%. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều GĐVH điển hình thực hiện tốt phong trào “Nông dân sản xuất giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu chính đáng” như hộ các ông: Vũ Văn Tiến (xã Trực Thắng), Vũ Thanh Chuyền (xã Trực Thanh), Vũ Đức Thuận (thị trấn Cổ Lễ), Trịnh Văn Diện (xã Trực Chính)…
Ngày nay, quá trình CNH-HĐH và hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện để từng gia đình phát triển song đồng thời cũng đặt công tác gia đình của ngành VH, TT và DL trong tỉnh trước nhiều khó khăn, thách thức do những tác động của mặt trái của cơ chế thị trường gây ra. Để gia đình thực sự là “tế bào” vững chắc của xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan… Tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các kiến thức toàn diện chủ động phòng ngừa ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Ở các địa phương, công tác bình xét danh hiệu “GĐVH” đảm bảo “thống nhất, công bằng, dân chủ”, tránh xu hướng chạy theo thành tích. Tăng cường các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “GĐVH”. Thường xuyên tổng kết, sơ kết phong trào xây dựng “GĐVH”; tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiêu biểu xuất sắc. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức về công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng