Là địa phương có phong trào văn nghệ phát triển, huyện Giao Thủy lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống gắn với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, tiêu biểu là nghệ thuật trống hội. Trong các lễ hội dân gian, âm vang trầm hùng của tiếng trống không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giục giã bước chân mỗi người tìm về cội nguồn bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước mà còn tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Hội trống nữ xã Giao Hải. Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
Xã Giao Thiện có 1 hội trống nam và 1 hội trống nữ, mỗi hội trống có từ 30-40 thành viên. Tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của các hội trống ở Giao Thiện mới thấy được sự say mê, tâm huyết của người dân nơi đây trong việc gìn giữ loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng quê ven biển. Bà Trần Thị Tươi, hội trưởng hội trống nữ xã Giao Thiện cho biết: Hội trống nữ được thành lập năm 2016. Đại đức Thích Thanh Tòng, trụ trì Chùa An Lạc là người tích cực vận động những nhà hảo tâm, tín đồ phật tử, con em xa quê hỗ trợ kinh phí và quy tụ những người đam mê tiếng trống thành lập hội trống nữ. Sau 4 năm hoạt động, từ nguồn xã hội hóa, đến nay, hội trống nữ xã Giao Thiện đã sắm được dàn trống gần 50 chiếc cùng nhiều loại trang phục, đạo cụ biểu diễn phục vụ nhân dân. Hàng năm, hội trống nữ xã Giao Thiện thường xuyên biểu diễn trong lễ hội truyền thống Chùa An Lạc (20 tháng Giêng). Trong ngày hội, âm vang của các bài trống cổ truyền như: trống tế, trống rước (18 nhịp), trống đón (4 nhịp), trống múa dùi, trống bái (120 nhịp)… được hòa quyện cùng những điệu dân vũ uyển chuyển, nhịp nhàng đã làm rộn ràng cả một vùng quê. Hội trống nữ còn kết hợp với hội trống nam biểu diễn trong dịp mừng thọ (mồng 4 tết), lễ Vu Lan (14-4 âm lịch), lễ Phật Đản (15-7 âm lịch) tại các di tích: Chùa Phúc Hải (xã Giao An), Chùa Thanh Quang (xã Giao Thanh), Chùa Nam Thái (xã Giao Hương)… Ngoài phục vụ biểu diễn trong các dịp lễ hội tại các di tích, cả 2 hội trống nam và nữ ở Giao Thiện còn tham gia nhiều sự kiện văn hóa của huyện như: Ngày hội VH-TT, Đại hội TDTT huyện nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Xã Giao Yến có 3 làng Thanh Khiết, Đan Phượng, Liên Trì. Ở mỗi làng, các loại hình nghệ thuật truyền thống như: hát chèo, hát văn, cà kheo, múa lân, trống hội luôn được các thế hệ người dân kế thừa, gìn giữ và phát triển. Trong đó, nghệ thuật trống hội tập trung ở làng Thanh Khiết với 2 đội trống nam và nữ, mỗi đội có trên 10 người. Đội trống nữ làng Thanh Khiết được thành lập năm 2017. Được sự ủng hộ từ nhân dân địa phương và tài trợ kinh phí của Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tình - người con của quê hương, đến nay đội trống nữ làng Thanh Khiết có nguồn quỹ ổn định hàng chục triệu đồng để duy trì hoạt động. Tại các sự kiện chính trị, xã hội, các dịp lễ rước Mẫu, rước Thánh tại các đình, đền, chùa ở địa phương đều có sự tham gia của đội trống nữ làng Thanh Khiết. Các bài múa trống của đội đều có sự kết hợp của tổng thể từ trang phục đẹp, động tác đồng đều, khéo léo đến âm thanh sôi động. Bởi vậy nghệ thuật trống hội ở làng Thanh Khiết không chỉ có âm sắc hay mà còn có cả vũ đạo hấp dẫn thu hút người xem với các động tác đẹp mắt như: múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống… Cứ từ cuối tháng Chạp đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm là thời điểm các đội trống làng Thanh Khiết bận bịu nhất. Các thành viên trong các hội trống kết hợp với đội múa lân của làng hối hả luyện tập chuẩn bị biểu diễn trong những ngày Tết cổ truyền với các chương trình văn hóa, văn nghệ, mừng thọ, lễ hội đầu xuân mới.
Xã Giao Châu có 3 hội trống gồm: hội trống nam làng Tiên Chưởng, hội trống nữ xóm Tiên Hưng và hội trống nữ Giáo xứ Sa Châu. Hội trống nữ Giáo xứ Sa Châu có trên 80 người, không chỉ phục vụ các nghi lễ của đồng bào theo đạo Thiên Chúa mà còn biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị và tham gia vào các sinh hoạt âm nhạc xã hội. Ở làng Tiên Chưởng, sau những ngày lao động vất vả người dân lại cùng nhau say sưa luyện tập các điệu trống. Xuất phát từ nhu cầu phục vụ người dân trong xã vào các dịp hội hè, lễ tết, năm 2014, hội trống nữ xóm Tiên Hưng được tự nguyện thành lập với gần 20 thành viên ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề tham gia. Với sự đóng góp của các nhà hảo tâm và sự tự nguyện của các hội viên, đến nay, hội đã trang bị đầy đủ trang phục, đạo cụ biểu diễn như: áo dài, khăn xếp cùng dàn trống, từ trống con, trống nhỡ đến trống cái. Để nâng cao kỹ năng cho các thành viên, hội đã mời những tay trống kỳ cựu về hướng dẫn kỹ thuật; đồng thời tích cực giao lưu với các hội trống khác trong huyện. Hội trống nam làng Tiên Chưởng có hơn 20 thành viên cao tuổi ở 4 xóm: Tiên Thủy, Tiên Thành, Tiên Hưng, Tiên Long chuyên phục vụ ở lễ hội Đình - Chùa Tiên Chưởng. Để có tiếng trống đặc trưng, đảm bảo về chất lượng và độ bền, hội đã đặt những người thợ làm trống giỏi của huyện Xuân Trường đóng trống theo yêu cầu. Hiện nay, dàn trống của hội có hơn 10 chiếc bịt bằng da trâu, đầy đủ các kích cỡ, đường kính từ 60cm - 1,5m. Bộ trống của hội không chỉ đảm bảo thẩm mỹ mà còn đáp ứng yêu cầu về âm sắc khi biểu diễn. Trong hội, nhiều thành viên cao tuổi tích cực tham gia biểu diễn và truyền dạy kinh nghiệm cho những người trẻ ở địa phương.
Tại xã ven biển Giao Hải, tiếng trống hội ngày xuân đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Trong những ngày hội làng Kiên Hành (mồng 5 tháng Giêng), âm thanh hối hả, rộn ràng của tiếng trống như thúc giục nhân dân trong xóm, ngoài làng về dự hội. Đoàn rước Thành hoàng làng đi đến đâu, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên tưng bừng, rộn rã đến đấy, làm sôi động không gian trầm lắng của làng quê. Hai bên đường rực lên sắc đỏ của cờ, phướn; người nông dân khoác lên người trang phục sặc sỡ đẹp nhất, nô nức tham gia vào ngày hội làng truyền thống. Theo nhịp trống, các trò chơi dân gian truyền thống như: đấu vật, kéo co, bơi chải… càng trở nên sôi động, rộn rã hơn. Trải qua thời gian, khi những người đánh trống giỏi ở địa phương đã cao tuổi, thanh niên trong xã thường xuyên đi làm ăn xa nên nghệ thuật trống hội ở Giao Hải một thời gian thiếu đi lực lượng kế cận. Đến đầu năm 2015, sau khi Đình làng Kiên Hành được phục dựng, Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Trịnh Văn Vệ - người con của quê hương đã có sáng kiến phối hợp với Hội Phụ nữ và Ban Văn hóa xã vận động thành lập CLB Trống hội quê hương xã Giao Hải. CLB đã nhận được sự hỗ trợ tận tình về chuyên môn của Đoàn Chèo Nam Định; người dân trong xã ủng hộ hàng trăm triệu đồng để mua sắm các loại trống, nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Đến nay, CLB Trống hội quê hương xã Giao Hải đã phát triển được gần 40 thành viên nữ, tuổi đời từ 30-40 tuổi, chủ yếu làm nghề nông. Sau hơn 5 năm hoạt động, các thành viên trong CLB đã thuần thục kỹ năng biểu diễn từ cơ bản đến nâng cao với các màn múa trống đẹp mắt kết hợp với các tiết mục hát Chèo, hát Văn đặc sắc. Với việc tổ chức bài bản, CLB Trống hội quê hương xã Giao Hải đã được mời biểu diễn ở khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh vào các dịp lễ hội đầu xuân, các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội; tiêu biểu như: Hội nghị tổng kết phong trào xây dựng NTM huyện, Ngày hội VH-TT huyện, Đại hội đại biểu phụ nữ của huyện, của tỉnh…
Hoạt động của các đội, hội trống ở Giao Thủy không chỉ làm phong phú các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng mà còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân. Âm vang tưng bừng của tiếng trống hội như “sợi dây” vô hình mà dẻo dai, bền chặt kết nối quá khứ với hiện tại, khơi dậy niềm tự hào quê hương, gắn kết tình làng, nghĩa xóm qua những sinh hoạt cộng đồng./.
Khánh Dũng