Xã Xuân Kiên (Xuân Trường) là địa phương có lịch sử, văn hóa lâu đời. Theo phả ký của một số dòng họ còn lưu lại, vào thế kỷ XVI-XVII, hai cụ Bùi Công Ngọc Bảo và Trịnh Công Đình Cẩn (người Hà Đông) đã chiêu mộ 13 dân đinh các nơi về đây khai hoang, lập ấp, biến vùng đất lau sậy, sú vẹt thành vùng quê màu mỡ Kiên Lao (2 xã Xuân Kiên và Xuân Tiến ngày nay). Từ một vùng quê dân cư thưa thớt, hiện xã Xuân Kiên đã phát triển 8.573 khẩu thuộc nhiều dòng họ như: Bùi, Trịnh, Lương, Phạm, Mai, Nguyễn, Đinh, Lê, Trần, Ngô, Vũ, Đặng, Đỗ. Trải qua hàng trăm năm phát triển, các thế hệ con cháu trong nhiều dòng họ ở Xuân Kiên vẫn gìn giữ, kế thừa và phát huy được các giá trị văn hóa dòng họ lâu đời.
Từ đường họ Phạm gốc Mạc, xã Xuân Kiên là nơi giáo dục truyền thống, khen thưởng, động viên con em trong dòng họ có thành tích học tập xuất sắc. |
Họ Phạm gốc Mạc là chi họ có nguồn gốc từ cụ tổ Mạc Đăng Thận - cháu 4 đời của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Năm Ất Sửu 1625, trước sự truy sát của triều đình Lê - Trịnh, cụ đã thay tên đổi họ thành Phạm Đình Trú, đưa một số thân vương triều Mạc cùng các “gia bảo” về cư trú lập nghiệp tại miền đất này. Trải qua 4 đời, họ Phạm phân thành 3 chi: Chi trưởng là cụ Phạm Công An ở lại làng Kiên Lao, được giao lưu bảo di hài hoàng tộc. Chi 2 là cụ Phạm Công Úc di cư về làng Ngọc Tỉnh (thị trấn Xuân Trường). Chi 3 là cụ Phạm Đình về lập ấp ở vùng đất Hoành Tây, phủ Thiên Trường (nay là xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy). Trải qua thời gian, các thế hệ con cháu dòng họ Phạm gốc Mạc không chỉ có công lao trong việc tạo lập làng xã, xây dựng quê hương mà còn đóng góp nhiều cho đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cả dòng họ có 151 người lên đường nhập ngũ, 4 người tham gia thanh niên xung phong; trong đó có 19 người hy sinh trên các chiến trường, 13 người trở thành thương, bệnh binh, 4 bà mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông Phạm Văn Viễn, trưởng họ Phạm gốc Mạc xã Xuân Kiên cho biết: Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Từ đường họ Phạm gốc Mạc là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân xã Kiên Lao. Mặc dù phải thay đổi danh tính, giấu kín nguồn gốc cùng phần mộ tổ tiên nhưng trong tâm thức các thế hệ kế thành thì hồi ức thịnh - suy của một vương triều cùng những ngày giỗ của các vua Mạc vẫn được duy trì. Hàng năm, tại từ đường học Phạm gốc Mạc duy trì tổ chức giỗ 4 vị vua gồm: 22-8 âm lịch (giỗ Thái tổ Mạc Đăng Dung), 15 tháng Giêng (giỗ Thái tông Mạc Đăng Doanh), 8-5 âm lịch (giỗ Hiến tông Mạc Phúc Hải), 7-2 âm lịch (giỗ Tuyên tông Mạc Phúc Nguyên). Lễ giỗ tổ được tổ chức vào ngày kỵ tổ Phạm Công An (mồng 9 và mồng 10-2 âm lịch). Đây là kỳ lễ chính trong năm, là dịp để con cháu ở khắp nơi trên mọi miền đất nước hội ngộ, thăm hỏi, báo công với tiên tổ thành tích học tập, làm ăn thành đạt của con cháu. Dòng họ Phạm gốc Mạc ở Kiên Lao có 5 chi, theo quy định tuần tự mỗi năm 1 chi sẽ đứng ra tổ chức rước kiệu từ Từ đường chi về Từ đường tổ để hành lễ. Đám rước có sự tham gia của đội múa lân, phù giá, dàn nhạc… Sau khi đám rước yên vị, tại từ đường diễn ra các nghi thức: dâng hương, dâng lễ vật của các chi, ngành trong dòng họ. Chiều mồng 10, tại từ đường tổ chức lễ Yến lão (mừng thọ) tôn vinh những người đại thọ, thượng thọ, đắc thọ trong họ tộc. Ngày nay, vào dịp này, dòng họ còn tổ chức phát động phong trào “Khuyến học - khuyến tài”, tuyên dương, trao thưởng con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập. Mặc dù mới thành lập nhưng nhờ những hoạt động hiệu quả, thiết thực, trong dòng họ Phạm gốc Mạc đã xuất hiện nhiều “gương sáng hiếu học”. Đến nay, dòng họ có 9 tiến sĩ, 13 thạc sĩ cùng hàng trăm cử nhân. Tất cả các con cháu trong họ đều thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, chăm chỉ học hành để đền đáp công ơn của tiên tổ, dòng tộc.
Họ Nguyễn là một trong 13 dòng họ chính ở Xuân Kiên. Theo gia phả, vào cuối thế kỷ XV, thủy tổ Nguyễn Bá Địch, gốc Hải Dương đã về đây sinh cơ, lập nghiệp, gây dựng và phát triển dòng họ. Cụ làm quan dưới thời Tiền Lê, giữ chức Đô Chỉ huy sứ, tước Nham Hầu và được vua Nguyễn truy ban 6 đạo sắc phong. Là dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao nên nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống quan chức của triều đình có người họ Nguyễn nắm giữ như các tổ: Nguyễn Bá Ro (đời thứ 2), Nguyễn Bá Trúc (đời thứ 3), Nguyễn Bá Hiển (đời thứ 8)… Tính đến nay, dòng họ Nguyễn đã phát triển đến đời thứ 21 và trở thành dòng họ lớn trong xã. Hiện nay, nhiều truyền thống tốt đẹp vẫn được các thế hệ con cháu họ Nguyễn kế thừa, phát huy. Trong dòng họ, nhiều gia đình văn hóa, cá nhân tiêu biểu đã trở thành niềm tự hào của dòng tộc với nhiều đóng góp trong xây dựng các công trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua ở địa phương như hộ các ông: Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Đông... Cả dòng họ có 16 ngôi từ đường, nhà thờ các chi, ngành. Hàng năm, vào ngày mồng 6 tháng Chạp, con cháu nội, ngoại từ khắp nơi lại tụ họp về các từ đường, nhà thờ để thể hiện nghĩa tình và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; truyền cho nhau nghe về lịch sử dòng tộc, nhắc nhở con cháu về mối quan hệ thiêng liêng gắn bó với họ hàng, xóm làng; tuyên dương các “gia đình hiếu học” để làm gương về đạo đức, nhân cách cho dòng họ noi theo.
Dòng họ Đinh tại Xuân Kiên có nguồn gốc từ Ninh Bình do thủy tổ Đinh Đức Tuyên đến khai khẩn từ thế kỷ XVI. Ông Đinh Hữu Chí, trưởng ban khánh tiết họ Đinh cho biết: Họ Đinh là dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao trong các thời kỳ phong kiến. Hàng trăm năm trước, khi cuộc sống còn khó khăn, dòng họ đã bằng mọi cách để “người biết chữ dạy cho người chưa biết, người biết chữ nhiều dạy cho người biết ít”. Vì vậy, số người biết chữ Nho của dòng họ chiếm tỷ lệ cao trong vùng. Phát huy truyền thống hiếu học, sau 15 đời, họ Đinh có 3 tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ, hàng trăm cử nhân. Với truyền thống hiếu học của dòng tộc, trong thời kỳ đổi mới dòng họ đã thực hiện nhiều phương cách thúc đẩy phong trào học tập trong mỗi gia đình. Ban Khuyến học dòng họ được thành lập từ năm 2000 nhằm xây dựng họ tộc trở thành tổ ấm, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi trong giáo dục thế hệ mai sau. Hàng năm, cứ vào 15 tháng Giêng con cháu họ Đinh lại tổ chức giỗ tổ. Lễ giỗ tổ không nặng về phô trương hoành tráng nhưng chú trọng chiều sâu ý nghĩa giáo dục đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “con chim có tổ” cho các thế hệ con cháu. Trong ngày giỗ họ, con cháu trong dòng họ dù ở đâu cũng tìm về thắp hương, dâng lễ tạ ơn tiên tổ, trời đất. Vào đầu năm học, dòng họ tổ chức thăm, tặng quà cho các cháu là con gia đình chính sách, gia đình hoàn cảnh khó khăn; đồng thời vận động con, cháu đã thành đạt, đang sinh sống, làm việc ở khắp mọi miền đất nước đóng góp xây dựng Quỹ Khuyến học để động viên con cháu trong dòng họ học hành tiến bộ. Quỹ Khuyến học họ Đinh hiện có hơn 80 triệu đồng; mỗi năm có từ 100-120 con em được tặng giấy khen, trao thưởng có thành tích xuất sắc trong học tập với số tiền từ 10-12 triệu đồng. Năm 2009, dòng họ Đinh được UBND huyện tặng bằng khen “Dòng họ Khuyến học - khuyến tài”.
Trải qua bao thế hệ, những hoạt động dòng họ ở Xuân Kiên đã trở thành “cây cầu” kết nối giữa quá khứ và hiện tại, gắn kết giữa các gia đình, dòng họ, làng xóm. Trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong các dòng họ vẫn được người dân Xuân Kiên bảo tồn, phát huy, trở thành di sản văn hóa quý báu của quê hương, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng