Thời gian qua, Đảng uỷ, UBND thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nếp sống văn minh nông thôn.
Đồng chí Đỗ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Để phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa” phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thị trấn chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, áp dụng nhiều hình thức vận động phong phú, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Để có đủ nguồn lực đầu tư kiến thiết quê hương đáp ứng yêu cầu phát triển, với tư tưởng chỉ đạo “Lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân”, phong trào được nhân dân hưởng ứng tích cực, bà con tự nguyện đóng góp tiền của, công sức từng bước hoàn thành các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Năm 2017, UBND thị trấn đã ban hành quy chế nếp sống văn hóa, quy định cụ thể việc tổ chức các đám cưới, đám tang, lễ hội theo phương châm “văn minh, lành mạnh, tiết kiệm”, “bỏ hủ tục lạc hậu, gìn giữ thuần phong mỹ tục”. Qua 3 năm thực hiện phong trào đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Cụ thể, trong một đám tang chỉ chuẩn bị 3 vòng hoa luân chuyển làm thủ tục phúng viếng. Quy định này vừa tiết kiệm, chống lãng phí, vừa chống ô nhiễm môi trường. Trong đám cưới làm cỗ đủ ăn, không làm cỗ lấy phần và không mời thuốc lá. Lễ hội truyền thống tại các di tích được tổ chức theo đúng quy chế quản lý, đảm bảo yêu cầu “trang trọng, an toàn, tiết kiệm”. Từ việc xã hội hóa, chính quyền và nhân dân thị trấn đã tập trung tôn tạo các di tích lịch sử với kinh phí hàng trăm triệu đồng, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa của địa phương.
Tổ dân phố văn hóa Phú Thọ. |
Hàng năm, vào ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), cả 26 tổ dân phố đều tổ chức tổng kết phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, gặp mặt, liên hoan, biểu dương các “Gia đình văn hóa” tiêu biểu; công khai kết quả bình xét gia đình văn hóa trong năm, phát động đăng ký thực hiện gia đình văn hóa cho năm tiếp theo. Trong chương trình, có các hoạt động văn hóa, văn nghệ tự biên tự diễn nhằm tạo sự phấn khởi trong nhân dân, khích lệ phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Thị trấn có 1 câu lạc bộ chèo, 1 đội văn nghệ tuyên truyền ca khúc cách mạng, 26 đội bóng đá ở các tổ dân phố, 3 câu lạc bộ dưỡng sinh (thôn Cát Chử, thôn Hương Cát, thôn Phú An). Câu lạc bộ chèo của thị trấn nhiều năm liền tham dự hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện đều có tiết mục xuất sắc đạt thành tích cao. Đội văn nghệ tuyên truyền ca khúc cách mạng do Đoàn Thanh niên thị trấn phụ trách đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, ca ngợi những cá nhân, tập thể điển hình trong xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng nhiệt tình.
Trong thực hiện phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, một số tổ dân phố có tỷ lệ gia đình văn hoá luôn đạt từ 85-90% là: Bắc Đại 2, Sơn Ký, Bắc Hoà, Nam Tiến... Năm 2019, tỷ lệ “Gia đình văn hóa” ở thị trấn đạt 86%; cả 26 tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hoá”; trong đó tổ dân phố Bắc Phú và Phú Thọ là 2 trong 11 khu dân cư văn hóa tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được UBND huyện tuyên dương. Đến nay, cả 26 tổ dân phố ở thị trấn đã xây dựng được quy ước nếp sống văn hóa, đưa quy ước vào đời sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, từ việc ăn, mặc, ở, đi lại, học hành đến ứng xử, giao tiếp, lao động, sản xuất… Thuần phong mỹ tục, nền nếp gia phong được gìn giữ, nhân dân các xóm đã chủ động tích cực tham gia đấu tranh với các tệ nạn xã hội. Ý thức sống và làm việc theo pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, mỗi gia đình, mỗi làng quê văn hoá đã trở thành một “chủ thể” vững chắc ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực do tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Ủy ban MTTQ thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng phối hợp chăm lo các gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo, hộ gặp khó khăn; tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xây dựng ủng hộ quỹ tình nghĩa để tặng quà, giúp đỡ những người khó khăn vào các ngày lễ, tết.
Những thành quả trong xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn đã tác động tích cực đến thực hiện nhiệm vụ thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, dịch vụ thương mại của thị trấn Cát Thành. Đến nay, trên địa bàn thị trấn đã có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong các lĩnh vực: vận tải thủy, cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sửa chữa, đóng mới tàu biển; làm nón lá truyền thống và cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt cho người dân trong vùng. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, trong 5 năm qua, thị trấn đã tập trung, huy động các nguồn lực đóng góp của nhân dân và con em quê hương đang sinh sống, làm việc ở mọi miền Tổ quốc để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh. Toàn thị trấn có hơn 3.900 hộ hiến hơn 97 nghìn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi, kiến thiết chỉnh trang thôn xóm, ruộng đồng; 100% hệ thống đường liên xã, đường dong, ngõ xóm đều được nhựa hoá, bê tông hoá. Các thiết chế văn hóa - thể thao cũng được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Hiện nay, 22/26 tổ dân phố ở thị trấn đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp; chi phí xây dựng mỗi nhà văn hóa từ 600-700 triệu đồng, chủ yếu từ nguồn nhân dân đóng góp, thị trấn hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà văn hóa. Thị trấn có 1 sân vận động trung tâm và 26 sân cầu lông, sân bóng chuyền, mỗi sân có diện tích từ 70-100m2, đáp ứng nhu cầu luyện tập thể dục thể thao cho nhân dân.
Thời gian tới, Đảng uỷ, UBND thị trấn Cát Thành tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, phát huy tinh thần tự giác của nhân dân trong thực hiện quy ước. Tiếp tục đẩy mạnh huy động xã hội hóa khuyến khích các nguồn lực từ nhân dân, các cơ sở ngoài công lập, các thành phần kinh tế đóng góp đầu tư xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa - thể thao, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, lành mạnh, phong phú phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng