Bức thư đến trong ngày 30-4

08:05, 08/05/2020

 

Ảnh/ Internet
Ảnh/ Internet

Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào thời kỳ quyết liệt, bố tôi gác công việc nghiên cứu, lên đường vào Nam chiến đấu. Bố dừng chân ở Quảng Trị, điểm nóng khốc liệt nhất lúc đó. Anh ra đời trong những ngày bố tôi cùng bao đồng đội dồn sức chiến đấu cho 81 ngày đêm khói lửa, dành từng tấc đất với kẻ thù. Nghe tiếng anh khóc, mẹ lặng lẽ lau nước mắt, miệng lẩm nhẩm, anh ơi, anh ơi, hết chiến tranh nhanh về với con anh nhé. Quảng Trị giải phóng, bố tôi được về phép ít ngày, mang theo một khuôn mặt lạ, chi chít sẹo và có chút méo mó. Mẹ tôi cứ gục trên vai bố khóc suốt. Mấy ngày đầu, anh tôi thấy bố thì khóc thét lên sợ hãi, mấy ngày sau lại liên tục huơ tay tìm sờ mặt bố. Ngày trở lại chiến trường, bố lặng lẽ đưa cho bà nội 1 bức thư dặn, nếu con chẳng may bị làm sao, mẹ theo thư này lo liệu cho con. Bà nội run run 1 tay cầm thư, 1 tay ôm chặt lấy mặt bố, đôi vai gầy rung bần bật sau manh áo bạc. Sau lần đó, bố có một đôi lần ra Bắc công tác, tranh thủ ghé qua nhà. Lần cuối là vào giáp Tết 1974. Bố bảo mẹ ra ga tàu tiễn. Lên tàu, bố cầm tay mẹ xoa đi xoa lại, lần này đánh lớn, năm sau có khi được về nhà rồi. Xong bố ngập ngừng: “Mà cũng chả biết đâu được…” (!). Tiếng còi tàu hú vang, bố không nói nữa, mắt ầng ậng nước. Mẹ nắm chặt tay bố kiên gan: “Anh sẽ về nhà”. Đó là lần cuối cùng họ gặp nhau. Mẹ tôi, cho đến nay vẫn không biết chính xác bố nằm lại ở đâu. Bà nội bảo, đâu cũng là đất mẹ. Tôi sinh ra sau thời điểm lịch sử - miền Nam hoàn toàn giải phóng nên chỉ biết bố qua những bức ảnh đen trắng hiếm hoi mẹ giữ cằn cặt. Tôi hình dung về bố theo những câu chuyện vui bà kể hàng ngày. “Bố mày ngày xưa giỏi leo trèo lắm và nghịch như quỷ sứ… Bố mày ngày xưa làm tao khóc bao lần… Bố mày tính ra cũng chỉ được ở với ông có vài năm chứ mấy. Ông mày cũng hy sinh như bố mày ấy” (!). Những lúc đó mẹ sẽ ào vào nhà, cầm tay bà nhăn nheo áp vào má. Có một lần duy nhất trong đời, tôi nghe bà nói với mẹ, đời phải đau đến 2 lần con ạ. Thiếu vắng bố, bà và mẹ dành hết tình yêu thương cho hai anh em tôi, kể cho chúng tôi nghe hàng ngày những ký ức, có lẽ theo tuổi tác sẽ mỏng dần đi về những người đã khuất. Qua cái tuổi 80, một lần bà dặn phòng tôi: “Bà có thứ này, phải đưa cho mẹ con, cho các con. Chẳng may khi nào bà ốm quá, không còn nhớ ra được nữa, con phải nhắc bà”. Vào đúng ngày 30-4, giữa những cơn đau, bà gọi mẹ con tôi vào, mắt sáng lên rực rỡ, sai tôi đem cái kính lại giường, đỡ bà ngồi dậy cho ngay ngắn. Tay bà run rẩy, giọng nói gần như đã hoà lẫn tiếng thở. “Em yêu quý! Cuộc chiến đấu đang vào giai đoạn cuối, chắc chắn sẽ ngày càng khốc liệt. Trước Tổ quốc, anh không có gì phải băn khoăn cả, chỉ lo lắng cho mẹ và em, thương con trai hãy còn quá nhỏ. Bọn anh vẫn thường nói với nhau trước mỗi trận đánh, làm sao để mẹ ta, vợ ta không phải giật mình vì tiếng súng. Con ta lớn lên không còn phải sợ hãi bom đạn, được vui vẻ đến trường. Bọn anh trên chiến trường chỉ có một mục tiêu, chiến đấu và chiến thắng. Nhưng em biết đấy, chiến tranh mà, không thể nói trước điều gì. Nếu anh không về, em hãy xây dựng một cuộc đời mới. Tuổi trẻ không phải để chìm đắm mãi trong nỗi đau. Anh và mẹ và cả con chúng ta nữa đều sẽ hiểu. Anh đã nhìn thấy mẹ khóc suốt cả những đêm trắng. Anh hy vọng, nỗi đau sẽ không đè nặng lên em như vậy. Tất nhiên, điều anh hy vọng nhất là được gặp lại em, được trở về chăm sóc mẹ, được nhìn thấy con trai chúng ta lớn lên. Ước mơ của mọi người lính đều như vậy. Và vì thế, bọn anh cầm súng. Tổ quốc lúc này cần những trái tim nhiệt thành để bảo vệ, cũng là bảo vệ sự bình yên cho mỗi gia đình. Anh yêu em. Mong bình an cho những người lính trong trận chiến cuối cùng…”. 

45 năm qua nhanh như bức thư bà đọc. Anh tôi theo bố trở thành quân nhân, tôi cũng đã là một bác sĩ. Mặc dù bà tôi thuyết phục nhiều lần, mẹ vẫn quyết ở vậy nuôi chúng tôi. Mẹ bảo với bà, mẹ cũng có khác con đâu. Không còn bố, anh em tôi vẫn cảm nhận thấy ông hiện diện hàng ngày qua cuộc sống của bà rồi mẹ tôi. Hàng ngày, họ bình thản kể chuyện, vui vẻ cười, chèo chống căn nhà nhỏ thiếu vắng bóng đàn ông. Họ chưa một phút giây nào quên bố, quên ông tôi. Họ tự hào vì được làm vợ, làm mẹ của người lính. Họ dặn tôi, đứa trẻ được sinh ra trong hòa bình ngay khi bố hy sinh vài tháng. Cuộc sống hôm nay vô cùng đáng quý, Tổ quốc này được xây dựng, bồi đắp nên từ lòng dũng cảm, quật cường của cha ông...

Thắp nén hương thơm cho bố giữa nhà, mẹ bảo, nếu 30-4 sang năm còn khỏe, cả nhà lại vào Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn. Không hiểu sao, mẹ cứ tin bố đang nằm ở đó, bên cạnh những đồng đội có tên và vô danh khác./.

Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com