Xóm bờ sông ở cách xa làng, bước qua sân là chân đã ngập trong nước - cái thứ nước sông ngày hai buổi thủy triều lên xuống thay màu liên tục. Xóm bờ sông, đêm ngày được nghe tiếng sóng vỗ, cứ êm êm tai ru, nuôi lớn những giấc mơ của đứa trẻ nghèo. Xâm xẩm tối đêm mùa hè yên tĩnh, từ cuối xóm, tiếng lão già khản đặc bập bùng tiếng đàn ngân nga một câu vọng cổ: “Nước sông sâu bao nhiêu cho vừa, lòng người sâu bao nhiêu cho vừa…”. Từ đầu ghềnh cuối bãi, gió thổi tan tác những đợt sóng đưa tiếng hát lan dài trên khắp mặt nước.
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Mùa tháng tư, hoa cải mọc vương vãi khắp cả một triền sông. Một bên hoa nở trắng rải cánh mỏng tang xuống lòng sông. Bên kia từng đám hoa vàng mải mê theo gió rập rờn. Người nông dân trồng cải từ tháng hai, tháng ba cây bắt đầu lên ngồng xanh tốt. Tháng tư cải ra hoa và rộ nhất là vào tháng 5. Được hơi nước sông mát lành tưới tắm, cây cứ mỡ lên mỗi ngày. Từ triền đê nhìn xuống bến sông, cả trời hoa cải nương theo gió, theo nước chao nghiêng. Bến sông này, cha đã từng vơ vội nắm hoa cải vụng về cài lên tóc mẹ, thì thầm: “Chờ anh nhé”(!). Bao mùa hoa cải qua, đời con gái có thì như cây cải vào mùa rồi rũ quặt. Mẹ vẫn kiên nhẫn đợi. Cho đến ngày, theo đoàn quân áo xanh, cha trở về. Bàn chân mẹ chạy như bay trên bến sông, cánh hoa quấn theo gió vướng đầy gấu quần. Rồi sững lại giữa màu vàng mênh mông. Một bên chân cha là nạng gỗ, cả người phía trước tỳ hẳn lên cây nạng. Nước mắt mẹ rơi xuống những đám hoa cải vàng rực nóng hổi. Cha chống nạng quay đầu lặng lẽ. Mẹ hét lên, em vẫn chờ anh. Tháng tám năm đó, khi cải tàn, nước sông dâng cao quá bến ngầm ngập nước, làng trên xóm dưới hân hoan mừng đám cưới.
Bến sông làng nước rút từ đêm để trơ lại bùn nhão lẫn đất cát. Từ trong lớp bùn đặc quánh, thỉnh thoảng chú cá nhảy “bật bung” bắn lên nào nước, nào đất. Bọn cá nhảy, theo thằng Tý là lũ “bất trị” nhất của sông nước. Nhìn thấy chúng thân tròn nhẵn, trơn trượt và nghe nói là kho với đu đủ xanh thì đưa cơm hết ý, thằng Tý vẫn chẳng bao giờ tóm được; chỉ có mặt mũi, quần áo là sũng đất cát mỗi ngày ra sông trở về. Sáng sáng nước rút, bến sông trơ ra những bậc đá người làng kê từ bao giờ làm chỗ cho đám chị em ngồi giặt giũ. Từ trên bờ, những năm làng chỉ có duy nhất một con thuyền qua lại, bà còn gồng gánh khi thì nải chuối, khi dăm chục cau qua chợ bên sông bán. Ấy thế mà, chỉ cần qua khoảng 2h, cũng bến sông ấy nước xâm xấp, tràn qua bãi bờ. Từ giữa sông tàu thuyền mải miết lại qua. Những lúc thuyền to chạy, nước cuộn thành sóng, bắn vào mép sân ướp nhẹp. Mùi dầu mỡ hôi nồng, mùi tanh tanh của cát mới hút loang khắp mặt sông. Bến sông mùa hè ồn ã tiếng người. Đầu bến, lũ trẻ tranh nhau bơi lội, cuối bến trâu bò xì xụp tắm táp. Mẹ lội ướt nửa người tìm chỗ dòng trong nghiêng thùng gánh nước. Bà thủng thẳng từ trong nhà xắn quần xuống bến rửa rau, vo gạo. Lũ trẻ nghèo trưa nắng bơi dọc bến sông tìm những cây ổi la đà mặt nước hái trộm. Ăn chán thì chọn cây cao nhất, thoăn thoắt leo trèo nhảy sông. Cho đến khi người đen bóng, môi và chân tay bợt bạt chúng mới chịu lên bờ. Không dép guốc, cả lũ mang theo nước sông, tiếng huyên náo chạy ào vào nhà thay quần áo. Nửa đêm, người trong làng đi gặt về muộn nóng bức nhảy ùm xuống sông tắm; sau đó lên bờ vơ vội điếu thuốc lào rít nhả khói. Xong quay qua hỏi thăm nhau, năm nay lúa một sào được mấy tạ? Gặt đến hôm nào xong?
Bến sông ngày rằm giống dải lụa dài lượn lờ sáng trắng. Trăng vàng như mật mơn man bờ bãi, ru vỗ mạn thuyền. Khúc này bãi bờ vươn xa, khúc kia điểm xuyết cây cối tươi tốt. Đêm yên tĩnh, thuyền bè đã neo về một góc, mơ màng ngái ngủ. Phải tinh mắt lắm, người trong làng mới nhìn ra được sát cạnh mạn thuyền có đôi trai gái hò hẹn. Lời thì thầm hòa lẫn tiếng sóng. Mai này, từ bến sông kia lại nghe tiếng pháo đì đùng./.
Nguyễn Hoa Xuân