Nghề vẽ tranh tường

06:04, 17/04/2020

Ngày nay, không khó để bắt gặp những bức tranh tường tại các quán cà phê, trường học, nhà hàng, phòng khách, phòng ngủ của các gia đình… Với các chủ đề đơn giản về con vật, phong cảnh, đời sống sinh hoạt, những người họa sĩ có thể thoải mái sáng tác những tác phẩm phù hợp với bối cảnh của từng địa điểm, mang lại không gian gần gũi, hiện đại, khiến người nhìn cũng cảm thấy thư giãn hơn.

Anh Vũ Tiến Thành vẽ tranh phong thủy trang trí nhà ở cho khách hàng.
Anh Vũ Tiến Thành vẽ tranh phong thủy trang trí nhà ở cho khách hàng.

Để vẽ được một bức tranh tường, người hoạ sĩ ngoài khiếu thẩm mỹ, trí tưởng tượng phong phú thì còn phải biết chọn chủ đề phù hợp với địa điểm vẽ và đặc biệt là phải nắm được kỹ thuật pha màu, bố cục. Vẽ tranh tường không giống như vẽ tranh trên giấy thông thường, để bắt đầu vẽ tranh tường, việc đầu tiên phải sơn lót trắng từ 1-2 lần, sau đó lên ý tưởng cho khung tranh. Mẫu do khách hàng tự chọn hoặc có thể gợi ý chủ đề để họa sĩ sáng tác cho phù hợp với nhu cầu. Người vẽ sẽ phác hình, chia bố cục bức tranh và lên màu. Giai đoạn lên màu được chia thành 2 bước, lên màu nền và vẽ chi tiết. Sau khi vẽ xong, họa sĩ thường phủ tiếp một lớp dầu bóng để giữ màu cho tranh và giúp bức tranh có chiều sâu hơn. Về chất liệu vẽ, nếu vẽ ngoài trời, hoạ sĩ sẽ sử dụng các loại sơn màu chất lượng cao, đắt tiền hơn để giữ bức tranh bền màu. Thông thường tuổi thọ của tranh tường thường được khoảng trên 10 năm. Với những bức tranh tường ở không gian ngoài trời phải chịu tác động của thời tiết, màu dễ bạc hơn thì có thể giữ được từ 5-7 năm. Tranh tường còn được chia ra làm 2 yếu tố là màu sắc và bố cục. Hiện nay, thể loại đang rất được ưa chuộng là tranh 3D, tranh cổ điển... Những loại tranh này đòi hỏi người họa sĩ phải có trình độ, kỹ thuật và hiểu biết, óc sáng tạo mới thể hiện được hết thần thái của bức tranh, khiến người xem có cảm giác như đang sống trong không gian thật. Với nhiều năm trong nghề, anh Vũ Tiến Thành, đường Phan Bội Châu (thành phố Nam Định) hoàn toàn chủ động trong việc tìm kiếm ý tưởng. Chỉ cần khách hàng đưa ra chủ đề như học đường, phong cảnh, tuổi thơ..., anh sẽ linh hoạt thể hiện tác phẩm theo nhãn quan của mình. Sau khi bàn giao công trình, hầu hết khách đều hài lòng. Sau đó, họ lại giới thiệu tới người thân, bạn bè, vì vậy, anh không mất quá nhiều công sức trong tìm kiếm khách hàng. Anh thường nhận vẽ cho các trường mầm non, các quán cà phê, các quán ăn và vẽ tranh gia đình... Anh Thành cho biết: “Tranh vẽ lên tường thường ở không gian ngoài trời nên họa sĩ rất khó tập trung. Vất vả nhất là vẽ các mảng tường tại các không gian và địa hình không thuận lợi  như ở những không gian cao, rộng. Khi đó người vẽ phải đứng trên giá đỡ mới có thể thực hiện được nên rất nguy hiểm. Chưa kể, gặp phải những bức tường sần sùi khó đi màu, công việc càng khó hơn. Vẽ tranh tường không thể tẩy xóa như trên giấy nên người vẽ phải đặc biệt cẩn thận và chính xác. Có những lần khi hoàn thành xong một bức vẽ, chân tay tôi mỏi rã rời vì phải cầm bảng và di chuyển nhiều”. Giá mỗi bức tranh tường được tính theo m2. Những bức tranh 2D như các bức tranh vẽ tại các trường học có giá 250 nghìn đồng/m2. Tranh vẽ 3D, tranh phong thủy có giá 400-500 nghìn đồng/m2. Tranh đắp nổi giá từ 700-800 nghìn đồng/m2. Chị Bùi Minh Nguyệt (thành phố Nam Định) ngoài nghề chính là giáo viên dạy vẽ của một trường THCS trên địa bàn tỉnh cũng có niềm đam mê với nghề vẽ tranh trên tường. Mỗi lần nhận công trình, chị Nguyệt đều kết hợp với 2-3 người bạn để cùng làm, vì vẽ trang trí tường tốn nhiều thời gian, do khối lượng công việc khá lớn. Nhóm vẽ của chị hầu hết đều là các cô giáo dạy vẽ, có niềm đam mê với vẽ tranh tường. Đối với các trường học, chị chọn vẽ các tranh đơn giản, gần gũi với đời sống hàng ngày của các bé như bé tưới cây, bé nhảy dây, học bài, đá bóng. Còn đối với các quán cà phê, các quán ăn..., chị thường vẽ theo yêu cầu của khách hàng. Chị gợi ý cho khách hàng những kiểu dáng, màu sắc phù hợp với khung cảnh để khách hàng lựa chọn. Với chị, vẽ tranh tường là niềm đam mê, đem lại cho chị sự thoải mái sáng tạo, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi.

Thị hiếu, gu thẩm mỹ của người sử dụng tranh tường cũng rất khác nhau, nhưng với xu hướng như hiện nay, nghề vẽ tranh tường sẽ còn thịnh hành và phát triển mạnh trong tương lai. Nghề vẽ tranh tường nhìn thì đơn giản nhưng rất kỳ công, đòi hỏi người vẽ vừa phải có tính khoa học, vừa phải đam mê và am hiểu nhất định không gian sinh hoạt, văn hóa chung của nơi thực hiện đề tài. Cùng với đó là phải hiểu, “chiều” ý khách hàng nên không phải ai cũng có thể thành công ở lĩnh vực này. Ngoài việc làm đẹp cho không gian, tranh tường còn có thể đem lại lợi ích về kinh tế đối với nhiều người. Hy vọng rằng, loại hình nghệ thuật này sẽ ngày càng phát triển, tô điểm cho không gian cũng như cảnh quan tại các khu vực công cộng khác nhau./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



Tranh In chuyên tranh dán, treo tường

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com