Là vùng đất cổ, Nam Định là địa phương lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Các biểu tượng văn hóa làng như: Cây đa, cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi, giếng nước, mái đình cổ kính… đã ăn sâu vào tiềm thức, ký ức của mỗi người dân nơi đây và được người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống hôm nay.
Di tích lịch sử - văn hóa Cầu Ngói, xã Hải Anh (Hải Hậu) được xây dựng từ thế kỷ XVI. B |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn bảo lưu được hơn 1.300 công trình kiến trúc cổ độc đáo; trong đó có đình làng. Đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của mỗi cộng đồng làng mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, là một “chứng nhân” của lịch sử. Về các huyện: Ý Yên, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Nam Trực, nhiều người bị cuốn hút bởi vẻ đẹp kiến trúc tinh xảo, vừa cổ kính lại vừa gần gũi, thân thiết của đình làng. Tiêu biểu như: Đình Ruối, Đình Cát Đằng, Đình La Xuyên (Ý Yên); Đình Cao Đài, Đình Bườn (Mỹ Lộc), Đình Hải Lạng, Đình Hưng Lộc (Nghĩa Hưng), Đình Hát (Nam Trực)… Không bề thế, phô trương, các đình làng đã gắn kết cộng đồng qua những sinh hoạt văn hóa tâm linh. Vào dịp “xuân, thu nhị kỳ”, tại các đình làng lại tưng bừng diễn ra các lễ hội làng tôn vinh tổ nghề hay tưởng nhớ các vị vua, danh tướng, các bậc tiền nhân được tôn vinh thành hoàng làng có công đánh giặc, giữ đất, mở mang bờ cõi. Trong hội làng, bên cạnh các nghi lễ linh thiêng như rước kiệu, tế lễ là phần hội với những trò chơi dân gian như múa lân sư rồng, chọi gà, đánh đu, thi nấu cỗ… được tổ chức tưng bừng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh các lễ hội truyền thống quy mô theo làng ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng có nhiều lễ hội phát triển với quy mô vùng. Ở nhiều nơi vẫn duy trì lễ tục đẹp là trước khi con cháu đi xa học hành, khởi nghiệp hay những người học hành đỗ đạt ngoài việc lễ tại từ đường, nhà thờ họ đều đến đình làng để làm lễ “vinh quy bái tổ”.
Cùng với các di tích lịch sử - văn hoá, hệ thống thiết chế văn hoá cổng làng ở các làng quê trong tỉnh là biểu tượng thể hiện rõ nét chiều sâu văn hóa nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Theo khảo sát, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 cổng làng, bao gồm cả cổng làng cổ lẫn cổng làng hiện đại. Huyện Ý Yên còn lưu giữ được nhiều cổng làng cổ, phần lớn làm bằng chất liệu gạch và vôi, vữa. Tiêu biểu như các cổng làng: Trại Đường, Phù Lưu (xã Yên Thắng), Độc Bộ, An Lại, Ngô Quyền (xã Yên Nhân), Hoàng Mẫu, Khang Thọ (xã Yên Lương), Cẩm (xã Yên Dương)… Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đến nay, nhiều cổng làng đã được phục dựng, xây mới. Trong quá trình phục dựng cổng làng, các bản vẽ thiết kế đều do các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm thiết kế và được bàn bạc dân chủ, thống nhất dựa trên các ý kiến đóng góp của nhân dân. Từ sự đóng góp của nhân dân địa phương và con em xa quê, năm 2010, cổng làng Trực Mỹ (xã Yên Cường) được xây dựng với kinh phí trên 50 triệu đồng; năm 2014, các cổng làng: Độc Bộ, Ngô Quyền, An Lại (xã Yên Nhân) được phục dựng, cải tạo với kinh phí trên 200 triệu đồng; năm 2015, cổng làng Phúc Lộc (xã Yên Thắng) được xây dựng với kinh phí trên 200 triệu đồng… Huyện Hải Hậu có hơn 60 cổng làng. Ngoài phần lớn cổng làng được xây dựng trong khoảng chục năm trở lại đây với quy mô lớn mang phong cách kiến trúc nghệ thuật truyền thống thì một số xã còn gìn giữ được cổng làng cũ với kiểu dáng cổ kính như: xã Hải Sơn có 8 cổng làng, xã Hải Phúc có 6 cổng làng, xã Hải Đường có 5 cổng làng, xã Hải Lý có 4 cổng làng… Ở huyện Trực Ninh, hàng năm, các xã, thị trấn đều thống kê những thôn, xóm có cổng làng, lập kế hoạch bảo vệ và quản lý. Để cổng làng phát huy giá trị trong giáo dục văn hóa, niềm tự hào truyền thống của quê hương, các địa phương trong huyện đẩy mạnh xã hội hóa, đồng thời khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí để xây dựng, tôn tạo hệ thống cổng làng.
Trong tiềm thức của người dân nông thôn, từ xưa, giếng làng là biểu tượng mang giá trị tinh thần của nhiều làng, xã. Theo quan niệm, giếng làng không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, mà còn là nguồn tụ “thủy - phúc” của cả làng. Hàng trăm năm trước, mỗi làng khi xây dựng hương ước đều có quy định phải coi trọng, giữ gìn, bảo vệ giếng làng. Tiêu biểu như: giếng đá, giếng nước ở các xã: Quang Trung, Hiển Khánh, Vĩnh Hào (Vụ Bản), Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng)… Nhiều giếng cổ cùng với các cây cổ thụ nằm trong khuôn viên các di tích như: giếng cổ ở Chùa Tháp (thành phố Nam Định), giếng đá ở Chùa Hồng (Nam Trực), Chùa Lương, Chùa Kim Đê (Hải Hậu)… Huyện Vụ Bản là vùng quê có nhiều giếng cổ tồn tại từ hơn 100 năm. Về các xã Quang Trung, Hiển Khánh, trò chuyện với các cụ cao niên ở các thôn, làng: Hậu Nha, Hội, Làng, Giáp Ba được kể lại, giếng làng xưa kia là giếng đất. Cách đây hơn 20 năm, giếng vẫn cung cấp toàn bộ nguồn nước ăn cho người dân. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đời sống ngày càng phát triển, nhà nhà trong thôn đều đào, khoan giếng riêng thì hình ảnh người người, nhà nhà đứng xếp hàng quanh bờ giếng đợi gánh nước mới không còn nữa. Ngày nay, dù không còn là nguồn cấp nước sinh hoạt cho dân làng nhưng với tâm niệm đó là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của thôn làng nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, để giữ cho giếng không sụt lún và bị xâm phạm, nhiều giếng làng đã được người dân địa phương và con em xa quê hương đóng góp khôi phục, sửa chữa, kè chắn bảo vệ. Tiêu biểu như các ông: Nguyễn Trọng Luyện, xã Hiển Khánh ủng hộ hơn 120 triệu đồng cải tạo giếng nước thôn Hậu Nha; ông Bùi Thiện Hân, xã Quang Trung ủng hộ hơn 90 triệu đồng cùng nhân dân địa phương và con em xa quê đóng góp hơn 150 triệu đồng để cải tạo, khôi phục giếng nước làng Giáp Ba… Hình ảnh giếng làng gắn liền với các biểu tượng văn hóa Việt như: cổng làng, trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng (đình, đền, chùa) đã tạo nên hình ảnh làng quê nông thôn vừa tươi mới, vừa cổ kính, mộc mạc.
Là vùng đất có địa hình sông ngòi ngang dọc dày đặc nên trong các “di sản” vật thể ở tỉnh ta còn có nhiều công trình kiến trúc cầu rất đặc trưng. Ở các làng quê thuộc các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực…, những cây cầu cổ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với người dân. Có 2 loại cầu là cầu ngói và cầu đá. Cầu Ngói, xã Hải Anh (Hải Hậu) và Cầu Ngói, xã Bình Minh (Nam Trực) là 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Cả 2 cầu đều có kết cấu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) - tức là cầu bắc qua sông, có mái che như mái nhà. Đặc biệt, Cầu Ngói, xã Hải Anh được các nhà nghiên cứu kiến trúc trong nước đánh giá là công trình nghệ thuật “Cầu Chùa Phương Đông” độc đáo hiếm có và được chọn làm hình ảnh in trên tem Bưu chính Việt Nam. Ngoài Cầu Ngói, xã Hải Anh còn có 9 cây cầu đá cổ trang trí mây cách điệu đầu rồng độc đáo. Huyện Trực Ninh có 3 cây cầu đá trang trí cánh sen, rồng mây; đặc biệt là Cầu Bổi (lợp bằng cọ) ở làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ. Với kiến trúc độc đáo, thời gian tồn tại hàng trăm năm, các cây cầu cổ đã gắn bó mật thiết với bao thế hệ người dân và trở thành biểu tượng văn hóa, ăn sâu vào tiềm thức, trở thành một phần ký ức của mỗi người.
Tồn tại và kết tinh giá trị văn hóa dân tộc qua nhiều thế kỷ, những công trình, vật thể như mảnh “hồn quê Việt” trên quê hương Nam Định vẫn đang được các thế hệ người dân gìn giữ, bảo tồn vẹn nguyên giá trị mộc mạc, thuần nhất. Những thiết chế văn hóa cổ đó không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống dân sinh, nuôi dưỡng, hình thành nên những cảm xúc với quê hương của mỗi người mà còn góp phần tạo nên sức mạnh nội lực thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng