Huy động sự "vào cuộc" của hệ thống chính trị để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

04:04, 03/04/2020

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đoàn thể trong xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hoá; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá; Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá; Huy động nguồn lực đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá.

Một góc làng quê xã Hải Đông (Hải Hậu).
Một góc làng quê xã Hải Đông (Hải Hậu).

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 07, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền về phát triển văn hóa; tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được đưa vào quy ước, hương ước thôn, xóm, tổ dân phố (TDP), đề cao vai trò của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ðến nay, toàn tỉnh có 521.160/613.378 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 85%; 3.495/3.634 làng, thôn, xóm, TDP được công nhận danh hiệu “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa”, đạt 96,1%. Nhiều địa phương đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc huy động các nguồn lực phát triển đời sống văn hóa cộng đồng; tiêu biểu như các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Trực Ninh… Hơn 40 năm là điển hình văn hoá cấp huyện của toàn quốc, huyện Hải Hậu là địa phương có hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ và phong trào văn hóa, văn nghệ thể thao phát triển mạnh. Triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu, hàng năm, huyện Hải Hậu chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng nông thôn, từ đó lập quy hoạch phát triển bền vững các tiêu chí về văn hoá; đồng thời ban hành các đề án nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và hoạt động nhà văn hóa xóm, TDP các giai đoạn 2015-2020 và 2020-2025. Từ nguồn kinh phí xã hội hoá, cả 34 xã, thị trấn trong huyện đã có nhà văn hóa xã (diện tích trên 500m2, hội trường trên 250 chỗ ngồi, đầy đủ các phòng chức năng), sân vận động trung tâm (diện tích trên 10.500m2), khu thể thao trung tâm (diện tích 1.500-2.000m2 gồm các sân: cầu lông, bóng đá, bóng chuyền); cả 546 xóm, TDP đều có nhà văn hóa, được trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng, bàn, ghế, tủ sách, bảng tin, nội quy hoạt động, hương ước xóm… Ngày hội văn hoá - thể thao truyền thống hàng năm được huyện tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 đã thành nề nếp, người dân toàn huyện vừa là người tham gia thực hiện, vừa là người hưởng thụ, với trên 20 bộ môn văn hóa nghệ thuật, thể thao và trên 2 vạn người Hải Hậu ở mọi miền đất nước tham dự.

Với việc thực hiện tốt công tác huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, đến nay toàn tỉnh có trên 3.005 thôn, xóm, TDP có nhà văn hóa, sân thể thao; 1.376 điểm vui chơi, giải trí. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở sau khi xây dựng đều được khai thác, phát huy hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu “Ðưa văn hóa, thông tin về cơ sở”, “Tạo môi trường văn hóa lành mạnh để người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa”.

Phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng tại các địa phương phát triển ngày càng lớn mạnh, thu hút đông đảo người dân có năng khiếu tham gia. Theo số liệu của Sở VH, TT và DL, toàn tỉnh hiện có 60 CLB văn hóa - nghệ thuật; 866 đội văn nghệ quần chúng; trong đó cấp huyện, thành phố có 24 đội, cấp xã, phường, thị trấn có 186 đội, cấp thôn, xóm, TDP có 657 đội; hơn 1.500 CLB thể thao cơ sở, thu hút 35,05% dân số, 19,05% số gia đình luyện tập thể thao thường xuyên. Các đội văn nghệ quần chúng tổ chức biểu diễn hàng trăm buổi/năm; tiêu biểu như: Hội trống cà rùng, đội kèn đồng, CLB thơ các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường; CLB cà kheo các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; CLB Chèo, hát Văn, Ca trù các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh; CLB múa lân - sư - rồng, múa rối nước các huyện Nam Trực, Vụ Bản, Giao Thuỷ, Mỹ Lộc, Hải Hậu và thành phố Nam Ðịnh... Ðể nâng cao chất lượng hoạt động, Trung tâm VH, TT và TT các huyện, thành phố thường xuyên quan tâm bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ cơ sở, đẩy mạnh công tác xã hội hoá, tạo điều kiện để các đội văn nghệ quần chúng tham gia giao lưu, biểu diễn nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hoá địa phương.

Là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, tỉnh ta có hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú với 1.330 di tích; trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 83 di tích cấp quốc gia, 299 di tích cấp tỉnh, 4 nhóm bảo vật quốc gia. Các di tích hội tụ, lưu giữ được nhiều di sản văn hoá có giá trị bao gồm các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội, các làng nghề thủ công truyền thống với 9 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Ðể phát huy giá trị các di sản, từ năm 2016 đến nay, công tác trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu phát triển văn hoá giai đoạn 2016-2020, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa. Tiêu biểu là Dự án xây dựng các công trình văn hóa tín ngưỡng quy mô quốc gia - Khu trung tâm lễ hội Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Ðịnh) có mức đầu tư hơn 734 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm 3 phân khu: Khu công viên văn hoá Trần, Khu trung tâm lễ hội, Khu đệm; được khởi công xây dựng từ tháng 1-2019; đến nay dự án vẫn đang triển khai xây dựng theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ, có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý chuyên môn. Ở huyện Vụ Bản, từ năm 2016, UBND tỉnh đã lập Quy hoạch phân khu hơn 20 di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy và những vùng phụ cận nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Năm 2019, huyện đã hoàn thành việc thống nhất quy định điều chỉnh tên gọi và tổ chức treo biển tên tại một số đình, đền, chùa, phủ, lăng. Hiện nay, Phòng Quản lý Di sản (Sở VH, TT và DL) đang phối hợp với UBND huyện Vụ Bản tiếp tục tổ chức rà soát, xây dựng lại hồ sơ các di tích Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh và các di tích có liên quan; kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể trên cơ sở tập trung xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật Ca trù, Nghi lễ Chầu văn của người Việt; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức hội thi hát văn nhân kỷ niệm 5 năm “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 07 trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa coi trọng và nhận thức đầy đủ về vai trò, tính đặc thù của văn hóa trong đời sống xã hội dẫn đến công tác quản lý Nhà nước về văn hóa còn mang tính hình thức, chưa đồng bộ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý, khai thác các thiết chế văn hoá cơ sở chưa hiệu quả; việc xã hội hóa các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao chủ yếu tập trung ở những địa phương có phong trào phát triển mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa chưa kịp thời, kiên quyết. Trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một và biến tướng dẫn đến việc bảo vệ, gìn giữ, kế thừa và phát huy còn gặp nhiều khó khăn. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong các hoạt động lễ hội đã dần được xóa bỏ nhưng tình trạng phô trương hình thức trong việc cưới, việc tang, mừng thọ vẫn còn diễn ra. Việc thực hiện nếp sống văn hoá công sở, ứng xử văn minh nơi công cộng, ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường sinh thái chưa tạo được sự chuyển biến tích cực; công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn còn nhiều bất cập, khuynh hướng tư nhân hoá, thương mại hóa vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy Ðảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện các giải pháp Nghị quyết 07 đề ra; nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, thu hút đảm bảo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; gắn phát triển du lịch với phát triển văn hóa, tạo động lực đột phá cho kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com