Góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

06:04, 17/04/2020

Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2019 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 với nhiều điểm mới góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách, nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. Báo Nam Định có cuộc trao đổi với đồng chí Ngô Thị Thơm, Giám đốc Thư viện tỉnh về vai trò và tác động của Luật Thư viện với việc phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Ngô Thị Thơm Giám đốc Thư viện tỉnh
Đồng chí Ngô Thị Thơm Giám đốc Thư viện tỉnh

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết vì sao Luật Thư viện mới lại được coi là “cú hích” phát triển văn hóa đọc?

Đồng chí Ngô Thị Thơm: Trong nền kinh tế tri thức và thông tin, mỗi quốc gia luôn có chiến lược phát triển sự nghiệp thư viện dựa trên sự hoàn thiện về pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực thư viện, thông qua hoạt động quản lý Nhà nước giúp định hướng cho lĩnh vực này hoàn thành sứ mệnh lưu giữ và truyền bá thông tin - tri thức.

Tại Việt Nam, trước đây Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28-12-2000. Tuy nhiên, sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh Thư viện cũng như các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ nhiều hạn chế. Việc ban hành Luật Thư viện thay cho Pháp lệnh Thư viện trước hết cho thấy sự thay đổi trong chủ trương, tư tưởng công tác lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác thư viện nói riêng, phát triển văn hóa đọc trong xã hội nói chung. Luật Thư viện ra đời đã khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Thư viện, đồng thời có những điểm mới đảm bảo cập nhật sát với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu phát triển xã hội hiện nay.

So với Pháp lệnh Thư viện, Luật Thư viện có một số điểm mới, như: Bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập, mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, lần đầu tiên quy định lấy ngày 21-4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển một xã hội có thói quen đọc sách, nâng cao văn hóa đọc… Ngoài ra, đáng chú ý có những quy định cụ thể trong chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện, thúc đẩy văn hóa đọc, như: Đầu tư cho thư viện công lập; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài; tổ chức dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện...

Tại tỉnh ta, hoạt động của hệ thống thư viện công cộng thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do thiếu kinh phí, trụ sở, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu của người đọc, nhất là trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 đang xâm nhập mạnh mẽ vào tất cả các mặt của đời sống xã hội. Với việc thiết lập cơ chế pháp lý cao hơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thư viện; kiện toàn, củng cố chuẩn hóa thư viện công lập, khuyến khích phát triển thư viện ngoài công lập,… Luật Thư viện tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để ngành Thư viện có thể phát triển mạnh mẽ, ổn định và bền vững.

Độc giả đọc sách trong Ngày Sách Việt Nam 2019. Ảnh: Viết Dư
Độc giả đọc sách trong Ngày Sách Việt Nam 2019. Ảnh: Viết Dư

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những cơ hội cho phát triển văn hóa đọc và hoạt động thư viện trên địa bàn tỉnh khi Luật Thư viện có hiệu lực?

Đồng chí Ngô Thị Thơm: Luật Thư viện với những quy định mang tính luật hóa, không chỉ tạo khung pháp lý mà còn góp phần định hướng cho hoạt động thư viện, hình thành được một chiến lược phát triển văn hoá đọc với các kế hoạch phát triển văn hoá đọc trên bình diện quốc gia. Bên cạnh đó, việc mở rộng phạm vi của hệ thống thư viện (bổ sung thêm loại hình thư viện ngoài công lập - Điều 4), đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện (Điều 6), tăng cường phối hợp giữa thư viện với các cơ quan, tổ chức (Điều 34)… Luật Thư viện đã liên kết, thống nhất các thành phần, các lực lượng của văn hoá đọc, cùng chung tay thực hiện trách nhiệm: xây dựng một xã hội học tập, một xã hội ham đọc như chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đặt ra. Nam Định là tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế, song lại nổi tiếng về truyền thống khoa bảng, hiếu học. Người dân Nam Định ham học, ham đọc và trọng chữ nghĩa. Bởi vậy, một trong những điểm mới Luật Thư viện năm 2019 mở rộng đối tượng thành lập thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa là một việc làm cần thiết, không chỉ thu hút nhiều nguồn lực tham gia đóng góp phát triển hoạt động thư viện, mà còn tạo mọi điều kiện để mọi đối tượng người dân có thể tiếp cận thông tin, tri thức. Thực tế, ở một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện một số thư viện ngoài công lập hoạt động tích cực và hiệu quả. Tuy nhiên để khai thác tiềm năng và phát triển mạnh loại hình thư viện này cần có những chính sách cụ thể, phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích thư viện ngoài công lập góp phần nâng cao dân trí và đời sống văn hóa, tinh thần ở cơ sở.

Cùng với đó, xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số được ghi nhận trong Luật Thư viện nhằm đa dạng hóa phương thức phục vụ, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin ngày càng cao của người dân. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của hoạt động thư viện. Trong quá trình hoạt động, Thư viện tỉnh luôn quan tâm, ứng dụng CNTT vào các hoạt động thư viện. Nhờ đó, công tác tổ chức, quản lý, khai thác nguồn lực thông tin và các sản phẩm, dịch vụ thư viện có những bước thay đổi lớn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của bạn đọc và người dùng tin. Tuy nhiên, để thực hiện xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số theo Luật Thư viện cần một lộ trình khá dài với rất nhiều các giải pháp đồng bộ: về cơ chế chính sách, về kinh phí, đầu tư trang thiết bị…

Trong những năm qua, Thư viện tỉnh đã không ngừng nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần không nhỏ vào việc phát triển sâu rộng văn hóa đọc trong cộng đồng: đã tổ chức, thu thập, lưu giữ, xử lý, bảo quản và phổ biến vốn tài liệu trong nước và nước ngoài phù hợp với đặc điểm, yêu cầu xây dựng và phát triển địa phương; Tích cực thực hiện các giải pháp thu hút bạn đọc đến thư viện; Đẩy mạnh hoạt động phục vụ bạn đọc ngoài thư viện (luân chuyển tài liệu, phục vụ lưu động) nhằm tận dụng tối đa nguồn lực thông tin sẵn có, khai thác tốt lượng bạn đọc tiềm năng, góp phần tạo cho người dân thói quen đọc sách, hình thành và phát triển văn hóa đọc; Quan tâm hỗ trợ bạn đọc xây dựng kỹ năng sử dụng thư viện, tìm kiếm thông tin, kỹ năng đọc sách… thông qua việc phối hợp với các trường tổ chức các tiết học thư viện, tham quan, trải nghiệm thư viện; hướng dẫn khai thác thư viện điện tử, định hướng nguồn tài liệu phù hợp; Đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền cho văn hóa đọc, khuyến đọc… Đồng thời, với vai trò là thư viện trung tâm, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo và điều phối hoạt động thư viện trên địa bàn tỉnh, Thư viện tỉnh luôn chủ động trong công tác tham mưu xây dựng mạng lưới thư viện cơ sở và phong trào đọc sách trong cộng đồng; Chỉ đạo, hướng dẫn, tích cực hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ cho thư viện cơ sở...

Khi Luật có hiệu lực, Thư viện tỉnh có điều kiện tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời quan tâm xây dựng chính sách bổ sung nguồn lực thông tin điện tử (CSDL: sách địa chí, bài trích báo; bộ sưu tập dữ liệu - dữ kiện; tài liệu số: CD-ROM, sách nói…); cùng với nguồn tài liệu truyền thống. Quan tâm nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ thư viện để có thể hoàn toàn chủ động khi tiến hành thực hiện nhiệm vụ mới này.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Viết Dư (thực hiện)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com