Thời gian qua, Sở VH, TT và DL đã đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; xây dựng các kế hoạch, triển khai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương, đất nước. Các chỉ tiêu phát triển văn hóa của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận cả về quy mô, số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Lãnh đạo Sở VH, TT và DL kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định). |
Năm 2019, Sở VH, TT và DL đã xây dựng, ban hành hơn 1.800 văn bản chỉ đạo, định hướng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức: cổ động trực quan, qua hệ thống truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử…; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước; đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 07 ngày 9-6-2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2017-2020. Sở VH, TT và DL phối hợp với các ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ VH, TT và DL, các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn... Trong năm 2019, Sở phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thanh, kiểm tra 157 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ VH, TT và DL, trong đó có 42 cơ sở karaoke, 11 cơ sở quảng cáo, 32 lượt di tích đình, đền, chùa, phủ, 60 cơ sở lưu trú, 16 cơ sở thể dục, thể thao, 5 cơ sở lữ hành; phát hiện và xử phạt 7 cơ sở có vi phạm. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở đều chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ VH, TT và DL; có đầy đủ thủ tục hành chính, giấy phép kinh doanh; đạt các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất; niêm yết đầy đủ bảng nội quy theo quy định của pháp luật. Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được ngành VH, TT và DL từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Năm 2019, toàn tỉnh có 3 nghệ sĩ, diễn viên (các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở), 8 nghệ nhân (lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể) được Chủ tịch nước phong tặng các danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” và “Nghệ nhân ưu tú”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020, các huyện, thành phố trong tỉnh đã thực hiện tốt quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản trên địa bàn. Năm 2019, toàn tỉnh có thêm 5 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đã hoàn thành trùng tu, gồm: Đình Ruối, Chùa Nề (Ý Yên); Phủ Bà - Cầu Ngói, Đền Am (Nam Trực); Đền An Cư (Xuân Trường). Bộ VH, TT và DL đã đưa các lễ hội: Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), Đền thờ Đức thánh tổ nghề đúc làng Tống Xá (Ý Yên) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; xếp hạng thêm 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hiện nay, Ban Quản lý di tích tỉnh đã hoàn thành công tác khảo sát, nghiên cứu và xây dựng phương án điều chỉnh tên gọi một số di tích trong danh mục kiểm kê thuộc Quần thể di tích - lịch sử văn hóa Phủ Dầy. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh sau khi sắp xếp, đổi mới tổ chức đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn trong và ngoài tỉnh; xây dựng các vở diễn mới tham gia nhiều hội thi, hội diễn toàn quốc và đạt kết quả cao như: vở “Thánh Mẫu”, “Gò đống mối” (chèo); “Huyền Trân công chúa” (cải lương); “Hải âu trắng” (kịch nói). Ở lĩnh vực thư viện, bảo tàng, các hoạt động được quản lý, triển khai thực hiện hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của nhân dân. Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận 16 cổ vật, 214 đầu sách nghiên cứu chuyên ngành; duy trì việc kiểm kê khoa học và tư liệu hóa các tài liệu, hiện vật sưu tầm. Thư viện tỉnh bổ sung 6.500 bản sách, gần 130 loại báo, tạp chí; mỗi ngày trung bình có trên 300 lượt người đến thư viện đọc sách, báo, tra cứu thông tin. Các hoạt động phục vụ, nâng cao văn hóa đọc bằng xe ô tô thư viện đa phương tiện được tăng cường với 191 điểm luân chuyển sách, báo và hàng trăm điểm phục vụ lưu động tại các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư...
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc. Với mục tiêu “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”, các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai thực hiện các nội dung công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và tổ chức các hoạt động thiết thực, sôi nổi nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Tháng hành động vì trẻ em, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình... Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa công sở được đẩy mạnh trong các tổ chức, đoàn thể và nhân dân theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, văn minh. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong các gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị được các cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện thường xuyên; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật.
Từ tháng 2-2020 đến nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Sở VH, TT và DL đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh như: Tăng cường tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng dịch, phun thuốc khử trùng tại trụ sở, các rạp chiếu phim, tụ điểm sinh hoạt văn hóa công cộng; tăng cường thanh, kiểm tra tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, danh lam - thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa; chỉ đạo dừng các hoạt động hội thảo, tham quan, nghiên cứu, phục vụ bạn đọc, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, tập huấn, thi đấu thể dục, thể thao; chỉ đạo các địa phương trong tỉnh dừng tổ chức các lễ hội đầu xuân (chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội); siết chặt quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa tại di tích.
Thời gian tới, Sở VH, TT và DL tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hoá; tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể với các tổ chức xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động, tạo điều kiện cho sự phát triển văn hoá đồng đều trên các lĩnh vực. Ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trên lĩnh vực văn hoá; ngăn chặn kịp thời các sản phẩm văn hoá độc hại tác động xấu đến đời sống xã hội. Tiếp tục xây dựng và thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh; thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh; đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh nơi công cộng./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng