Người lưu giữ nghệ thuật múa rối đầu gỗ Chầu Thánh

08:03, 27/03/2020

Múa rối đầu gỗ Chầu Thánh (còn có tên gọi múa rối cạn Ổi lỗi) là loại hình nghệ thuật độc đáo gắn liền với lễ hội Chùa Đại Bi đã có lịch sử trên 900 năm, đến nay vẫn được các thế hệ nghệ nhân ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực) dày công lưu giữ. Nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng (65 tuổi), Trùm trưởng Hội rối Chùa Bi hiện là một trong số ít người còn lưu giữ thực hành đầy đủ các kỹ năng ca - vũ - nhạc của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng có gần 40 năm kinh nghiệm biểu diễn nghệ thuật múa rối đầu gỗ Chầu Thánh Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).
Nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng có gần 40 năm kinh nghiệm biểu diễn nghệ thuật múa rối đầu gỗ Chầu Thánh Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) sinh ra trong gia đình có truyền thống 4 đời tham gia nghệ thuật múa rối Chầu Thánh ở Chùa Đại Bi. Từ nhỏ, cậu thường xuyên theo cha xem múa rối mỗi kỳ lễ hội. Những lời ca, điệu múa, nhịp gõ từ đó ngấm dần vào tâm hồn cậu. Năm 1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Tiến Dũng lúc đó là một chàng trai trẻ tuổi đã nhập ngũ vào Sư đoàn ô tô vận tải 571 Trường Sơn. Năm 1979, ông xuất ngũ về địa phương. Thời điểm này, thân phụ của ông đang là hội viên của hội rối Chùa Đại Bi. Biến cố xảy ra khi cha ông bất ngờ bị tai biến nằm liệt không thể tham gia hoạt động. Với tâm nguyện tiếp nối truyền thống gia đình, năm 1982 ông chính thức làm lễ Thánh xin gia nhập hội rối Chùa Đại Bi. Tư chất thông minh lại là con nhà nòi nên chỉ mất khoảng 1 tháng, ông đã học thuộc toàn bộ lời ca trong cuốn sách “Kinh thánh hát rối Chùa Đại Bi” và chỉ 5 năm sau, ông là kép chính của Hội. Ông Dũng cho biết: “Hát rối có tên cổ “Ổi lỗi” không đơn thuần chỉ là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian để giải trí mà mang đậm chất lễ nghi, thờ cúng. Những lời hát trong rối Chầu Thánh ca ngợi triều đại thanh bình, thịnh trị, ca ngợi đời sống ấm no, tình yêu lao động. Không dừng lại ở đó, dân gian còn đưa vào hát rối những điển tích cổ, các giáo điều để thông qua nghi lễ thờ cúng răn dạy con người sống hiếu nghĩa, thủy chung, chăm lo học hành, yêu lao động. Do gắn với nghi lễ thờ cúng nên hát rối có sự trang nghiêm, tạo hiệu quả giáo dục cao trong phần nội dung răn dạy. Nghệ thuật hát rối đầu gỗ giúp cho lễ hội Chùa Đại Bi thêm phong phú, đặc sắc”. Là người có uy tín trong cộng đồng dân cư ở địa phương, từ năm 2001 đến năm 2004 ông là Trưởng ban quản lý di tích thôn Vân Chàng; sau đó tham gia Ban quản lý di tích Chùa Đại Bi. Từ năm 2015 đến nay, ông được giao phụ trách Hội rối Chầu Thánh Chùa Đại Bi. Hội hiện có trên 40 thành viên thuộc 3 thôn Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba. Gánh vác trọng trách trùm trưởng, ông luôn nêu cao trách nhiệm gìn giữ nghệ thuật truyền thống quê hương. Ông thường xuyên gặp gỡ các hội viên cao niên trong hội để tiếp tục học hỏi, ghi chép, sưu tầm các tài liệu về múa rối Chầu Thánh. Để chuẩn hóa lời ca theo văn tự cổ và để các hội viên mới dễ tiếp cận lời ca, ông nhờ người dịch lại các chữ Hán - Nôm trong cuốn sách “Kinh thánh hát rối Chùa Đại Bi”. Các con rối của các kiểu rối cạn khác thì gọi là “quân rối” hay “con trò”, riêng quân rối Ổi lỗi được gọi là “Thánh tượng”. Mỗi khi lấy tượng ra biểu diễn (thường ngày cất trong hòm đặt ở giữa chùa, sau gian chính thờ Phật), các cụ trong hội rối phục trang áo the khăn xếp, thắp hương cúng lễ cẩn thận. Vậy nên, để tạo điều kiện cho các hội viên mới trong hội luyện tập thường xuyên, nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng đã nghiên cứu chế tạo đầu rối có trọng lượng tương đương với đầu rối được thờ ở Chùa Đại Bi. Là người nắm vững về nghệ thuật múa rối đầu gỗ Chầu Thánh, ông đã trực tiếp truyền dạy kỹ năng biểu diễn cho gần 20 hội viên. Ông Dũng cho biết thêm: Nhờ làm tốt công tác bồi dưỡng cho lớp trẻ kế cận nên nghệ thuật múa rối đầu gỗ Chầu Thánh Chùa Đại Bi vẫn bảo lưu được 26 bài, 32 làn điệu. Tuy nhiên, những nghệ nhân như ông cũng có nhiều nỗi lo về việc duy trì và phát triển hoạt động của Hội rối Chầu Thánh. Hát rối được biểu diễn vào đêm Giao thừa mỗi năm và vào dịp lễ hội Chùa Đại Bi vào ngày 20, 21, 22 tháng Giêng tại chính Chùa Đại Bi. Do được diễn rất ít và chỉ được diễn tại Chùa Đại Bi nên ngoài nhân dân quanh vùng và du khách hàng năm thường xuyên về dự hội Chùa biết đến, thì đối với đông đảo công chúng, hát rối Chùa Đại Bi vẫn còn là “điều bí ẩn”. Vấn đề đặt ra là, song song với việc nghiên cứu, bảo tồn các giá trị của nghệ thuật hát rối thì cần quảng bá để nghệ thuật hát rối lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng. Thấu hiểu điều đó, là người gắn bó lâu năm với nghệ thuật múa rối đầu gỗ Chầu Thánh, nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng đã giúp nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khai thác các tư liệu, cách thức thực hành múa - hát rối trong nghi lễ tại Chùa Đại Bi, từ đó thêm tư liệu thực tiễn cho các công trình nghiên cứu khoa học về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Ông cũng được mời tham gia nhiều hội thảo khoa học về múa rối đầu gỗ Chầu Thánh. Từ năm 2016 đến nay, Ban quản lý di tịch lịch sử Chùa Láng (Hà Nội) thường xuyên mời nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng cùng các hội viên Hội rối đầu gỗ Chầu Thánh Chùa Đại Bi biểu diễn tại lễ hội, nghệ thuật hát rối đầu gỗ Chùa Đại Bi dần được quảng bá rộng khắp đến nhân dân cả nước. 

Trước khi chia tay chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng giới thiệu về những tấm bia đá được dựng trang trọng và được thờ ở khuôn viên Chùa Đại Bi, trong đó, có những tấm bia khắc tên những hội viên Hội rối đã quá cố. Vừa qua lễ hội Chùa Đại Bi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó múa rối đầu gỗ Chầu Thánh là một trong những “thành tố” quan trọng tạo nên giá trị đặc sắc của lễ hội, đó cũng là động lực để những nghệ nhân như ông tiếp tục gắn bó, lưu giữ nghệ thuật dân gian độc đáo này./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com