Năm nó 10 tuổi, nhà rất nghèo, gia tài của cả nhà thu gọn vào một chiếc radio cũ bố mang về từ chiến trường. Đây không chỉ là gia tài của cả nhà nó mà còn của… cả xóm. Năm đó, bố xuất ngũ, mặc quần áo xanh đi bộ về làng. Cẩn thận lục ba lô, bố lôi ra cái đài nhỏ xinh, dò sóng mở vang nhà. Đêm rảnh việc, bà con cô bác chòm xóm kéo đến chật nhà đòi bố mở đài. Tiếng đài vang lên, cả xóm im bặt, “nín thở” ngồi nghe đài. Thành thói quen, 7h tối làng xóm lại kéo đến nhà nó nghe đài. Những người ở ngoài làng còn rủ nhau ăn cơm sớm để đi nghe đài. Một vài người còn xách theo cả ghế gỗ để ngồi cho đỡ mỏi chân. Chiều chiều bố thường sai nó nấu một ấm nước thật lớn, thả vào vài cành chè xanh phục vụ các bác đến nghe đài.
Ảnh/ Internet |
Nắng hè chói sáng cả một khúc sông rộng xô mặt nước trải dài theo triền đê. Nắng ánh lên xanh biếc theo những vạt ngô đang vào thời kỳ trổ mã. Nắng đỏ bừng má mẹ nghiêng vành nón mỗi ngày ra đồng về nhà. Nắng hững hờ trên nụ mướp vàng buổi sáng chèo kéo lũ ong non, chùn chân nó mỗi trưa định vọt ra ngoài theo đám bạn. Mẹ bảo, nắng lắm, ở trong nhà không ốm chết. Nó ngoan ngoãn nằm lên cái phản lim ông nội huy động cả phường thợ mộc trong xóm xẻ rồi đóng. Giấc ngủ trôi theo những trưa hè oi nồng, khét lẹt mùi mồ hôi và những trò cười không dứt. Rồi nó nghe miên man đâu đó tiếng hát du dương, tiếng hát lan xa mãi, chạy trôi khắp những mái nhà còn đầy rơm rạ. Tiếng hát dịu dàng, êm ái như khi mẹ áp mặt mình vào má nó hít hà. Tiếng hát mãnh liệt, sôi nổi như ngày hội làng ồn ã. Và lại có những lúc, nó không hiểu tại sao mình buồn buồn, cảm giác vấn vương giăng tơ khắp nơi. Theo tiếng hát, theo âm nhạc, nó trôi đi bất định. Nó cứ lơ mơ như thế suốt các buổi chiều từ lúc bố mang đài về. Ban đầu, nó không hiểu sao mình có nhiều những cảm giác kỳ lạ đến thế cho đến khi các bản nhạc, bài hát thật sự không còn lơ mơ trong đầu mà ăn sâu vào giấc ngủ, hình thành nên những xúc cảm quá đỗi mới lạ. Một thế giới kỳ diệu mở ra sau chiếc radio cũ của bố, khơi gợi những cảm xúc, thậm chí thiêng liêng.
Bố ngần ngừ mãi có nên bán cái radio cũ không? Cả nhà mỗi người một ý kiến mà mặt buồn thiu(!). Bác hàng xóm biết chuyện cũng chạy sang góp ý bảo đừng bán. Bán rồi, cả xóm biết… trông vào đâu. Nhưng mảnh đất đồi bố mong mãi đang rao bán. Có mảnh đất đó, nhà nó làm được ối việc. Bố dự định trồng cây, nuôi thêm gà vịt. Ông nội thì bảo, có chỗ để dựng lán trại cho hội thợ mộc nghỉ ngơi. Mùa nào thức ấy, mẹ sẽ đỡ tốn tiền đi chợ, dành dụm thêm ít nhiều trang trải chuyện học hành của chị em nó… Tính thế nhưng cả nhà vẫn ngần ngừ, bàn ra tán vào. Nó lủi ra một góc lặng lẽ lau nước mắt. Thế là không được nghe đài hát, không được nấu nước chè mỗi ngày nữa. Kể cả khi chị em nó chạy tung tăng trên quả đồi mênh mông kia, nó nghĩ cũng không sướng bằng được nghe đài nói, đài hát. Sẽ buồn biết mấy nếu “người bạn” mới này bị mang đi. Nhưng nó cũng biết nhà mình nghèo, bố mẹ còn nhiều mơ ước cho ngày mai của chị em nó...
Chiều hiu hiu gió, nó nằm dài ôm cái radio cũ vào lòng. Có thể đây là lần cuối nó được nghe đài hát, được nghe nhạc trong đài. Nước mắt nó ứa ra, ầng ậng. Bố bước vào phòng, bố lặng lẽ quay ra ngay. Nó lại thiếp đi trong tiếng nhạc du dương phát ra từ chiếc đài cũ kỹ. Nó đã ôm chiếc radio này ngủ suốt cả những năm tháng niên thiếu cho đến khi cái đài ngưng hoạt động. Có lần nó thắc mắc, sao bố không bán cái radio? Bố bảo, vì có những thứ mà quả đồi kia cũng không mang đến được cho con, cho mọi người. Nó lại hỏi, nhưng biết đâu có quả đồi, nhà ta lại giàu lên thì sao? Bố cười, giàu sang có số, nếu những năm con còn thơ bé mà cứ phải buồn mãi về chuyện cái đài, con mất đi những thứ mà có thể bố cũng không cho con được thì lại càng có lỗi… Cho đến bây giờ, khi đã trở thành một nhạc sĩ, nó vẫn cứ giữ nguyên cái cảm giác được thấy mình rộng dài mãi khi nghe những bản nhạc ngân vang. Y như những năm tháng khi nó 10 tuổi./.
Nguyễn Hoa Xuân