Thời gian qua, việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội ở huyện Xuân Trường luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong cộng đồng dân cư.
Lãnh đạo xã Xuân Vinh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. |
Đồng chí Bùi Thị Hồng Chiên, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Xuân Trường cho biết: Thực tế việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội ở huyện Xuân Trường thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, ở một số địa phương trong huyện việc thực hiện các phong trào, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh chưa đi vào chiều sâu, còn nặng về hình thức; các nghi lễ trong việc cưới còn rườm rà; hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong việc tang còn diễn biến phức tạp; tình trạng làm cỗ chia phần và ăn cỗ lấy phần theo thói quen cũ gây tốn kém, lãng phí trong các đám cưới, đám tang, mừng thọ còn phổ biến. Trước thực trạng trên, tháng 6-2019, Huyện ủy, UBND huyện Xuân Trường đã xây dựng, ban hành Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện”, tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025. Đề án được huyện chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời nêu gương, khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, thiết thực của các cá nhân, tập thể tiêu biểu; đồng thời đề ra những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, xóa bỏ triệt để những hiện tượng tiêu cực, vi phạm quy ước về nếp sống văn minh. Công tác tuyên truyền từ huyện đến cơ sở được đẩy mạnh, gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và người dân; trong đó xác định xóm, tổ dân phố là địa bàn, cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên thanh niên là nòng cốt đi đầu trong mọi phong trào, cuộc vận động. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt hương ước, quy ước của cả 312 xóm, tổ dân phố. Mỗi xóm, tổ dân phố xây dựng điểm từ 2-3 mô hình đám cưới và đám tang tổ chức theo nếp sống văn minh. Đối tượng được chọn thực hiện mô hình là gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu. Việc thực hiện mô hình điểm có sự hướng dẫn, giúp đỡ và giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương để họp bàn đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn toàn xã. Trong tháng 1-2020, toàn huyện có 186 đám cưới, 111 đám tang; trong đó, có 9 đám cưới ở các xã: Xuân Phương, Xuân Kiên, Xuân Tiến và thị trấn Xuân Trường được tổ chức theo mô hình nếp sống văn minh. 100% các cặp đôi tổ chức đám cưới thực hiện đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; trước khi tổ chức lễ cưới đều đăng ký kết hôn tại UBND xã; tiệc cưới được các gia chủ tổ chức đơn giản, không rườm rà, kéo dài thời gian. Nhiều đám cưới đã hạn chế số lượng khách mời, không phô trương, không làm cỗ chia phần và ăn cỗ lấy phần, tình trạng tiếp khách bằng thuốc lá, rượu bia giảm hẳn. Đặc biệt, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đi dự lễ cưới trong giờ làm việc hầu như không còn. Việc tổ chức đưa đón dâu đã chấp hành đúng quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự công cộng. Những hủ tục thách cưới, đón dâu hai lần, tảo hôn được xóa bỏ. Xã Xuân Đài là địa phương tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn minh việc hiếu, hỉ. Mỗi năm xã có từ 90-95% đám cưới diễn ra theo phương châm “trang trọng, lành mạnh”; người dân trong xã đã gắn phong tục tập quán tốt đẹp với nếp sống văn hóa mới trong các hoạt động như: chạm ngõ họp bàn, thống nhất quy trình tổ chức cưới hỏi giữa nhà trai với nhà gái; trong lễ ăn hỏi, lễ cưới, cô dâu, chú rể làm lễ bái lễ tổ đường họ tộc, dâng hương, hoa tại các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương… Ở xã Xuân Kiên, từ đầu năm 2020 đến nay, các đám cưới đều được tổ chức theo mô hình điểm nếp sống văn minh. Tại các gia đình có hỉ sự, các nghi lễ trước, trong và sau khi tiến hành đám cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ từ 1-2 ngày. Các phong trào, cuộc vận động như: “Câu lạc bộ gia đình trẻ hạnh phúc”, “Cưới theo nếp sống mới”, “Đám cưới 5 không” (không rượu, bia; không thuốc lá; không cờ bạc; không cãi vã, không đánh nhau; không mở loa, đài quá to, quá sớm, quá khuya) được nhân dân hưởng ứng tích cực. Ở xã Xuân Phong, mô hình: “Cưới văn minh, tiết kiệm” được phát động đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt, xã khuyến khích các gia đình tổ chức đám cưới tại các địa điểm sinh hoạt cộng đồng như: nhà văn hóa, sân thể thao, đình, chùa để giảm thiểu chi phí cho các gia đình khó khăn. Nhiều đám cưới ở xã được tổ chức tại khu vực nội tự, khuôn viên di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Chùa Thọ Vực. Khách mời dự đám cưới tại chùa được tham dự lễ Hằng thuận, nghe sư trụ trì thuyết giảng giáo lý đạo Phật về tình nghĩa vợ chồng, đạo làm con, trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ để cuộc sống hôn nhân bền vững, hạnh phúc.
Đối với việc tang, hiện nay, 100% đám tang ở huyện Xuân Trường được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với phong tục tập quán địa phương và hoàn cảnh gia đình, tiết giảm các hoạt động gây lãng phí. Việc phúng viếng đã sử dụng vòng hoa luân chuyển; nhiều hủ tục như: lăn đường, yểm bùa, khóc mướn được bỏ. Các gia đình tang chế không tổ chức ăn uống linh đình, tục lệ đưa tang quanh làng, rắc tiền thật, rải vàng mã, tiền âm phủ giảm đáng kể. Các nghĩa trang xây dựng theo đúng quy hoạch, cách xa khu dân cư, khu hung táng và cát táng riêng biệt, đảm bảo tiện lợi cho việc chôn cất, bảo vệ môi trường, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang. Đồng chí Vũ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vinh cho biết: Nhiều năm trước đây, tổ chức việc tang trong cộng đồng còn nhiều hủ tục lạc hậu. Gia đình có người thân qua đời tổ chức nấu cỗ tràn lan, ăn uống nhiều ngày. Việc vận động tiến hành hỏa táng rất khó khăn vì được coi là điều cấm kỵ. Nhận thức ý nghĩa xã hội sâu sắc của việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức tang lễ, Ban công tác Mặt trận các xóm đã đến từng gia đình để vận động, đưa những nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang vào quy ước của xóm và tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, chi bộ. Từ năm 2003, xã đã xây dựng được quy ước trong tang lễ, có 10/20 xóm thực hiện mô hình điểm. Đến năm 2010, cả 20 xóm trong xã thực hiện nghiêm túc quy ước về tổ chức tang lễ. Từ năm 2017 đến nay, hầu hết các đám tang lựa chọn hình thức hỏa táng; có cán bộ xóm phối hợp cùng gia quyến để tổ chức các nghi lễ bảo đảm trang trọng, ngắn gọn, tiết kiệm.
Đối với lễ mừng thọ, huyện Xuân Trường chỉ đạo duy trì tổ chức từ ngày mồng 3 đến mồng 5 Tết. Trong dịp mừng thọ, đại diện chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi xã và Chi bộ xóm sẽ thay mặt nhân dân đến từng nhà để chúc thọ các cụ cao niên (từ 70 tuổi trở lên). Các gia đình tổ chức tiệc mặn chỉ gọn trong nội bộ gia đình, không mời khách tràn lan, ăn uống linh đình... Trong việc tổ chức lễ hội, huyện Xuân Trường đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, giá trị văn hóa của di tích, di sản và lễ hội; công tác tổ chức bảo đảm nguyên tắc an toàn, trang trọng, gìn giữ các giá trị truyền thống, hài hòa giữa lễ và hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng. Các lễ hội lớn như: Lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng; lễ hội làng An Cư, xã Xuân Vinh; lễ hội làng Xuân Bảng, thị trấn Xuân Trường; lễ hội Chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong, hội làng Nhân Thọ, xã Thọ Nghiệp… thường thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương về dự nên được các địa phương chú trọng bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Các điểm lễ hội quy hoạch rõ nơi thực hành nghi lễ, nơi diễn ra các hoạt động phần hội, vui chơi, giải trí; kịp thời ngăn chặn những hoạt động biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật, thương mại hóa lễ hội như: xóc thẻ, bói toán, móc túi, cờ bạc, ném tiền lên kiệu, đốt vàng mã, đặt nhiều hòm công đức, rải tiền lên các ban thờ, lưu hành văn hóa phẩm vi phạm, nạn hành khất…
Những kết quả đạt được trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở huyện Xuân Trường đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ngày càng tiến bộ, văn minh, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng