Trực Ninh nhân rộng các khu dân cư văn hóa

05:02, 28/02/2020

Thành công trong thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện Trực Ninh những năm qua đã giúp đời sống tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt. Năm 2019, UBND huyện đã tuyên dương, khen thưởng 11 thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương.

Khu dân cư văn hóa xóm Nam Tiến, xã Việt Hùng.
Khu dân cư văn hóa xóm Nam Tiến, xã Việt Hùng.

Lần đầu về xóm Nam Tiến, xã Việt Hùng, ai cũng bất ngờ trước con đường trục xóm dài hơn 300m được đổ bê tông phẳng lỳ, rộng rãi; hai bên đường là hàng cây sum suê tỏa bóng mát, những khóm hoa đua nhau khoe sắc; xung quanh xóm là những cánh đồng lúa trải dài, xanh mướt đan xen những công trình nông thôn mới được đầu tư xây dựng đồng bộ, kiên cố. Có được kết quả đó là nhờ sự chung sức, đồng lòng cùng sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân ở xóm trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Hằng Hải, trưởng xóm Nam Tiến cho biết: Xóm hiện có 128 hộ dân với 419 khẩu. Ngoài sản xuất nông nghiệp, số hộ làm nghề kinh doanh, dịch vụ ở xóm chiếm hơn 60%. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chi bộ xóm và các đoàn thể đã triển khai, cụ thể hóa các nội dung của phong trào gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao; trong đó cán bộ, đảng viên là hạt nhân của các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa ở xóm đạt trên 80%. Việc thực hiện các tiêu chí văn hóa đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế ở địa phương. So với trước đây, cuộc sống của người dân trong xóm có nhiều thay đổi. Hiện, toàn xóm chỉ còn 2,29% hộ nghèo; số hộ có nhà mái bằng, nhà kiên cố, hợp vệ sinh chiếm trên 80%. Từ nguồn xã hội hóa và ngân sách xã, năm 2018, xóm đã hoàn thành xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng, trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị phục vụ các hoạt động của cộng đồng. Hàng năm, vào các ngày lễ, tết xóm đều tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ lồng ghép với việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh như: phong trào văn nghệ của chi hội Phụ nữ, luyện tập dưỡng sinh của người cao tuổi, phong trào cầu lông, bóng đá của thanh, thiếu niên. Tỷ lệ người dân tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ và các hoạt động khác hàng năm tại nhà văn hóa xóm đạt trên 70%.

Xóm 3 Đông Thượng, xã Trung Đông là vùng quê đang trên đà khởi sắc. Những năm trước, tình trạng vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông ở xóm vẫn còn xảy ra. Năm 2019, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền xã và sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xóm, việc thực hiện các tiêu chí khu dân cư văn hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ông Trần Hữu Đạt, Bí thư chi bộ xóm 3 cho biết: Nằm ở trung tâm xã, xóm đông dân cư, kinh tế phát triển đa dạng nhiều ngành nghề như: buôn bán, kinh doanh, dịch vụ, làm mộc, cơ khí… nên xóm có nhiều thuận lợi trong triển khai thực hiện phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”. Hàng năm, xóm có từ 75-95% người dân đăng ký thi đua thực hiện các tiêu chí xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Khu dân cư 5 không” như: xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; đoàn kết tương trợ lẫn nhau, giữ vững an ninh trật tự; thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; thực hiện nghĩa vụ công dân. Năm 2019, tỷ lệ gia đình văn hóa ở xóm đạt 86%. Nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu là điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương như hộ các ông: Đỗ Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Việt Thắng, Trần Văn Sơn mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; Bùi Tiến Khoa, Bùi Văn Định, Bùi Sĩ Hiệp phát triển nghề sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cho thu nhập ổn định. Các gia đình trong xóm cũng tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Thực hiện tiêu chí về môi trường, đến nay, mọi trục đường dong, xóm đều sạch sẽ, thoáng đãng; cùng với bê tông hóa đường dong, ngõ xóm, xóm đã phát động trồng cây xanh, lắp điện chiếu sáng trên trục đường chính tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở xóm 3 Đông Thượng ngày càng đi vào nền nếp với nhiều hoạt động thiết thực gắn với công tác từ thiện, nhân đạo “Lá lành đùm lá rách”; quyên góp xây dựng các quỹ: vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học - khuyến tài; xây dựng và thực hiện quy ước nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc tang, mê tín dị đoan trong lễ hội, hạn chế làm cỗ trong việc cưới…

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc bình xét, công nhận, nâng cao chất lượng các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, đến nay, toàn huyện có 390/391 thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn “Khu dân cư văn hóa”; 63.780 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 95%; cả 21 xã, thị trấn trong huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo xây dựng khu dân cư văn hóa - nông thôn mới; 100% thôn, xóm, tổ dân phố đăng ký thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều đơn vị điển hình trong thực hiện xây dựng khu dân cư văn hóa - nông thôn mới; tiêu biểu như: Thôn Trung Khê, thôn Văn Cảnh (xã Phương Định); xóm Nam Tiến, xóm Phượng Trường (xã Việt Hùng); xóm 3 Đông Thượng (xã Trung Đông); xóm 12 Bắc Mỹ (xã Trực Tuấn); xóm 3 (xã Trực Hùng); xóm 9 (xã Trực Thái); xóm Thái Học (xã Trực Cường); tổ dân phố Bắc Phú, tổ dân phố Phú Thọ (thị trấn Cát Thành). Hàng năm, vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư (18-11), Ban công tác Mặt trận các thôn, xóm, tổ dân phố đều tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể, gia đình tiêu biểu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; tổ chức ký giao ước thi đua giữa các đơn vị trong thực hiện nếp sống văn minh; ký cam kết thực hiện hương ước, quy ước với từng hộ gia đình.

Thực tế cho thấy, ở huyện Trực Ninh sau khi hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trong huyện đã triển khai mô hình xã đạt chuẩn nông thôn mới bền vững, nâng cao, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Những yếu tố “nông thôn cũ” kết hợp với “nông thôn mới” được các địa phương kế thừa, phát huy có chọn lọc giữa những giá vị văn hóa truyền thống với xây dựng môi trường văn hóa theo hướng tiến bộ và ngày càng văn minh. Các di tích lịch sử - văn hóa đã được tổ chức quản lý, khai thác phát huy giá trị đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Những hình ảnh biểu tượng của làng quê cổ kính như: đình chùa, miếu mạo được nhân dân đóng góp tu sửa, khoanh vùng bảo vệ; hệ thống giếng nước, ao làng, cây cổ thụ được xây kè bê tông kiên cố, trở thành những “công viên văn hóa” trong lòng làng quê. Bên cạnh đó, các phong trào xây dựng nông thôn mới sáng - xanh - sạch - đẹp được các địa phương đẩy mạnh, phấn đấu trở thành những miền quê đáng sống.

Để phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa” đi vào chiều sâu, thời gian tới, huyện Trực Ninh tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn, củng cố tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Hàng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”. Phát động phong trào thi đua giữ vững, nâng cao các danh hiệu văn hóa đối với các khu dân cư đã đạt chuẩn văn hóa; đưa các khu dân cư chưa đạt chuẩn văn hóa vào kế hoạch phấn đấu thực hiện phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với 5 nội dung: Xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh trong các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể; Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật nơi công sở; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo trong mỗi gia đình; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, phát triển phong trào văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com