Mùa xuân luôn là mảng đề tài thành công của văn nghệ sĩ trong tỉnh với sự đa dạng các loại hình: Thơ, văn xuôi, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật, nghiên cứu - phê bình…
Nhiều họa sĩ đã lưu lại trong tranh những góc nhìn đa dạng, sinh động, đầy sắc màu của lễ hội mùa xuân. Họa sĩ Vũ Xuân Dương có nhiều tác phẩm hội họa về đề tài lễ hội xuân, tiêu biểu như: Lễ hội Phủ Dầy (2002), Hội Chợ Viềng (2009) và lễ hội Đền Trần (2013)... Các tác phẩm về đề tài lễ hội của họa sĩ Vũ Xuân Dương được vẽ với phong cách độc đáo trên chất liệu sơn dầu bằng phương pháp chồng các lớp sơn tạo sự xen kẽ giữa các màu. Với cách vẽ này, mỗi màu trong các tác phẩm hội họa về lễ hội của Vũ Xuân Dương đều đòi hỏi sự kỳ công về kỹ thuật và thời gian hoàn thiện tác phẩm. Tác phẩm “Lễ hội Phủ Dầy” được họa sĩ Vũ Xuân Dương vẽ năm 2002 về không gian ở Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản). Những điểm nhấn trong tác phẩm được họa sĩ sử dụng gam màu cam tạo sức hút cho người xem. Để biểu đạt cảm xúc trong tác phẩm, tác giả đã phối hợp các đường lượn, các mảng màu xen kẽ, tạo cho tác phẩm có không gian linh thiêng, huyền bí. Đề tài mùa xuân trong tranh của nữ họa sĩ Vũ Thu Hường không cầu kỳ về bố cục, màu sắc, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Với bút pháp lãng mạn, đề tài thiên về phong cảnh, hoa và tĩnh vật, chị đã lưu lại mùa xuân quê hương trong tranh của mình bằng các gam màu sắc tươi mới, hình khối, đường nét mềm mại và nữ tính. Mỗi bức tranh của chị đều mang một thông điệp mùa xuân qua khắc họa rõ nét và miêu tả sinh động đặc điểm các loài hoa. Mỗi loài hoa dù mang màu sắc khác nhau và ý nghĩa riêng nhưng lại có chung một thông điệp là mang niềm vui đến cho mọi người mỗi dịp tết đến xuân về. Tác phẩm “Mùa xuân và lễ hội” được chị vẽ mới đây nhất với chất liệu bột màu khắc họa khá toàn diện về Đền Trần trong những ngày đầu xuân…
Rước qua cầu ngói. Ảnh: Trần Hưng |
Ở bộ môn thơ, vẫn là các cây bút quen thuộc như: Phạm Trọng Thanh, Trần Đắc Trung, Phạm Trường Thi, Nguyễn Hữu Tình, Bùi Công Tường, Vũ Minh Am, Đỗ Phú Nhuận, Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Hồng Vinh, Hoàng Trung Hiếu, Nguyễn Thấn, Phạm Ngọc Quang, Trần Văn Lợi… Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh đã có nhiều tác phẩm sáng tác về đề tài mùa xuân như “Khẽ khàng xuân”, “Phút xuân”, “Tản mạn về xuân”, “Xuân trong người lính đảo” (in trong tập “Thơ và Dấu ấn cuộc đời” - Nhà xuất bản Văn học năm 2018). “Xuân trong người lính đảo” với những vần thơ da diết như nói thay tâm tư, tình cảm của những người lính: “Vọng gác anh giữa trùng khơi mờ sương/ Gió cắt thịt da xiết vào nỗi nhớ/ Súng chắc tay, có hậu phương điểm tựa/ Và cùng em, Tổ quốc mãi mùa xuân”. Thơ xuân của tác giả Nguyễn Hồng Vinh còn truyền cho độc giả khát vọng chờ đón mùa xuân: “… Mạch sống nổi chìm năm tháng/ Lá rụng, cây ủ mầm xanh/ Sau đông từng cành gân guốc/ Bình minh bung nở chồi xuân!” (bài thơ “Cây vào đông”, đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam). Cuộc đời là vậy, khi lá rụng là lúc cây ủ mầm xanh, phải có mùa đông thì cây mới có thể “bung nở chồi xuân”. Qua bài thơ, độc giả thấy được triết lý của tác giả về cuộc sống, đó là đưa tiễn những gì cỗi cằn, lạc hậu, xưa cũ đi vào quá khứ để đón chờ những chồi xuân khỏe khoắn, tươi mới. Tác phẩm “Thành Nam có một gác văn” (in trong tập thơ “Chân sóng ngọn nguồn” - Nhà Xuất bản Hội Nhà văn năm 2015) viết về nhà thơ Tú Xương của tác giả Phạm Trọng Thanh đưa người đọc đến với mùa xuân trên bến đò xưa cùng những âm thanh của tiếng gọi đò từ một thời xa vắng: “Gọi đò gọi cả nhân gian/ Câu thơ sông Lấp xanh làn mưa xuân”… Mùa xuân trong thơ Trần Văn Lợi phần lớn là xuân ở các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ gắn với những vẻ đẹp của những cô thôn nữ mộc mạc, thanh khiết. Tiêu biểu là bài thơ “Lặng lẽ” (in trong tập thơ “Bàn tay Châu thổ” - Nhà Xuất bản Hội Nhà văn năm 2010) đã khắc hoạ được vẻ đẹp người thôn nữ được ví như những nét xuân mới chớm, chuyên cần mà khiêm nhường, âm thầm chịu đựng mà cứng cỏi, tin yêu, đẹp như cây mạ chiêm chờ đón nắng xuân: “Lặng lẽ đồng xa, đứng dầm chân/ Non tơ lúa bén nết chuyên cần/ Em như cây mạ, lòng đang Tết/ Rễ cuối mùa đông, nõn đã xuân…”.
Trong quá trình lao động sáng tạo, các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) thuộc Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh luôn chú trọng thu vào ống kính những nét đẹp văn hoá truyền thống. Từ những cảnh quan đã trở thành biểu tượng của văn hoá làng như cổng làng, cây đa, bến nước, mái đình, những sinh hoạt văn hoá dân gian mang đậm tính cộng đồng, những làng nghề truyền thống, nghệ nhân dân gian… đến nền nếp gia phong, thuần phong mỹ tục ngày xuân. Những năm gần đây, với kinh nghiệm, vốn sống của thế hệ NSNA đã thành danh và sự hăng hái, năng động của lớp nghệ sĩ trẻ, nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đã giúp người xem hiểu thêm về cảnh quan và con người Nam Định. NSNA Đinh Duy Quang có phong cách sáng tạo nghệ thuật sắp đặt với bố cục hài hòa, hợp lý; cách xử lý khuôn hình tinh tế và thường gửi gắm những thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc. Trước mỗi lần chụp về lễ hội, ông đều đầu tư công sức tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về đặc điểm di tích, về nội dung lễ hội, từ đó lựa chọn các góc chụp, chờ đợi khoảnh khắc để “bắt” được hồn cốt lễ hội trong từng khung hình. Ngoài những tác phẩm nổi tiếng về con người làng quê như: “Hoa cót”, “Ông cháu”…, ông còn nhiều tác phẩm chụp về mùa xuân, tiêu biểu nhất là bức ảnh “Hội làng” từng được chọn tham gia Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 26-2012. Trong số các hội viên của bộ môn Nhiếp ảnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, NSNA Trần Hưng là người trẻ tuổi nhất. Các tác phẩm của anh có đường nét tạo hình đa dạng, ấn tượng, góc máy táo bạo, dứt khoát, tạo nên những khoảnh khắc sinh động, đa chiều. Tác phẩm “Rước qua cầu ngói” của anh đoạt giải khuyến khích tại Liên hoan ảnh nghệ thuật sông Hồng năm 2015.
Mùa xuân - mùa của sinh sôi, nảy nở; mùa của gợi mở yêu thương, khát vọng. Nên mùa xuân mãi là đề tài giàu sức lôi cuốn của văn học nghệ thuật. Bằng niềm đam mê và những nỗ lực trong lao động sáng tạo nghệ thuật, các hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã và đang góp phần tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống, khơi dậy sức xuân và sắc xuân của quê hương, đất nước./.
Viết Dư