Sau hơn 10 năm thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” theo Quyết định số 581 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Rước kiệu trong lễ hội truyền thống Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). |
Để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa nhằm thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo; các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố căn cứ tình hình, nhiệm vụ thực tế của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Từ đó, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa được thực hiện đồng bộ ở nhiều mặt và đạt được những kết quả tích cực, tiêu biểu như: Hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân các địa phương. Toàn tỉnh hiện có 384 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng; trong đó có 2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 83 di tích xếp hạng quốc gia, 4 nhóm bảo vật quốc gia. Trong hơn 10 năm qua, công tác xã hội hóa hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích đã được triển khai hiệu quả. Một số di tích lịch sử - văn hóa đã được bảo tồn, tôn tạo ngăn chặn xuống cấp kịp thời từ nguồn kinh phí xã hội hóa như: Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần, chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định); Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản); Đình và Miếu Cao Đài, xã Mỹ Thành; Đình làng Tiểu Liêm, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc)... Các huyện thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo di tích là: Hải Hậu, Nam Trực, Mỹ Lộc, Giao Thủy. Ở Hải Hậu, các địa phương có di tích đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay góp công, góp của tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Tiêu biểu như các di tích: Chùa Phúc Hải, xã Hải Minh; Đền - Chùa Xã Hạ, xã Hải Bắc; Đền Bảo Ninh, xã Hải Phương; Chùa Thanh Quang, xã Hải Thanh; Chùa Cồn, thị trấn Cồn; Đền An Phú, xã Hải Phong; Chùa Phúc Sơn, xã Hải Trung… được trùng tu, tôn tạo với kinh phí hàng tỷ đồng. Trên địa bàn huyện Giao Thủy có 35 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 32 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Số lượng di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Giao Thủy lớn, mật độ phân bố khá dày đặc. Nhiều di tích đã xây dựng từ lâu; có di tích trên 300 năm tuổi, đến nay đã xuống cấp. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương có di tích trên địa bàn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích, tuyên truyền cho người dân địa phương về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý di sản, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động nguồn lực để trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp các di tích. Nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo hiệu quả từ nguồn kinh phí xã hội hóa, đảm bảo giữ nguyên kiến trúc gốc, kéo dài tuổi thọ công trình. Tiêu biểu như: Đình làng Thanh Khiết, xã Giao Yến được trùng tu với kinh phí gần 3 tỷ đồng; Đình Vuông xã Giao Phong được khôi phục với kinh phí 4 tỷ đồng; Đền - Chùa Tồn Thành, xã Giao Thịnh được trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng; Đền - Chùa Diêm Điền, xã Bình Hòa được hạ giải trùng tu với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng từ nguồn thu công đức do nhân dân và du khách thập phương tiến cúng.
Với bề dày truyền thống văn hóa cùng hệ thống công trình di tích tỉnh ta là nơi hội tụ và lưu giữ được nhiều di sản văn hoá phi vật thể có giá trị bao gồm các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội, các làng nghề thủ công truyền thống. Tiêu biểu như thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; 9 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, Nghệ thuật Ca trù, Nghề sơn mài truyền thống Cát Đằng, Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, Lễ hội Chùa Đại Bi, Lễ hội Đền - Chùa Linh Quang, Lễ hội đền thờ Tổ đúc đồng Tống Xá. Thời gian qua, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu liên quan đến các nghi lễ thờ cúng và các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các lễ hội được các địa phương khôi phục và phát huy thông qua huy động nguồn lực xã hội hóa, trong đó tiêu biểu là lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản). Ngoài các nghi thức rước, hoa trượng hội… trong lễ hội Phủ Dầy hàng năm, vào ngày 4-3 âm lịch, Ban tổ chức lễ hội tổ chức thi hát chầu văn tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát. Đây là “không gian” để vẻ đẹp nghệ thuật của hát chầu văn được thể hiện đậm đà, lan tỏa đến với cộng đồng. Tại khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh hàng năm diễn ra các kỳ lễ, lễ hội với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc mang ý nghĩa tôn vinh công đức nhà Trần đối với đất nước. Trong Lễ hội Trần tổ chức vào tháng 8 âm lịch phần lễ được cử hành trang nghiêm, phần hội có sự tham gia của đông đảo nhân dân với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian như: múa lân, múa sư tử, hát chèo, chọi gà, đấu vật…
Toàn tỉnh hiện có trên 3.000 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, sân tập thể thao. Nhiều địa phương như các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, Nghĩa Hưng… đã thực hiện tốt việc xây dựng, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở. Ở Xuân Trường, với phương châm: Cấp uỷ chỉ đạo, chính quyền quy hoạch, cấp đất, nhân dân đóng góp, từ năm 2017 đến nay, huyện đã hỗ trợ gần 700 triệu đồng để các địa phương xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Các xã, thị trấn hỗ trợ các thôn, xóm, tổ dân phố xây mới nhà văn hóa. Với cách làm đồng bộ, đến nay, toàn huyện có 300/312 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, 12 nhà văn hóa liên xóm. Nhiều xã thực hiện tốt việc xây dựng thiết chế văn hóa như: Xuân Kiên, Xuân Bắc, Xuân Vinh… Ở Nghĩa Hưng, các thiết chế văn hoá của huyện, nhà văn hoá, trung tâm văn hóa - thể thao xã, thị trấn do ngân sách Nhà nước các cấp đảm nhiệm. Công trình nhà văn hoá, sân thể thao thôn, xóm, tổ dân phố được Nhà nước hỗ trợ từ 20-50% kinh phí, còn lại do nhân dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, đến nay, cả 25 xã, thị trấn trong huyện đều có nhà văn hoá, trung tâm văn hoá - thể thao; 283 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá. Các nhà văn hóa đều có Ban chủ nhiệm; xây dựng quy chế, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, phát triển các phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng. Toàn tỉnh hiện có gần 900 đội văn nghệ quần chúng, 60 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống được duy trì như hát chèo, hát chầu văn, múa rồng, múa cà kheo, trống trắc… đã góp phần giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời đặc sắc của các vùng, miền, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Cũng từ nguồn xã hội hóa, hàng năm tỉnh ta thường xuyên tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn nghệ quần chúng từ tỉnh đến cơ sở, duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như: Chương trình nghệ thuật chào mừng năm mới, kỷ niệm Giải phòng miền Nam 30-4, Quốc tế Lao động 1-5, sinh nhật Bác Hồ 19-5, Ngày hội văn hóa, thể thao nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9… qua đó tạo khí thế phấn khởi trong toàn dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian tới các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển văn hóa. Tiếp tục rà soát, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa xuống cấp theo đúng Luật Di sản bằng các nguồn vốn hợp pháp. Khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia đóng góp để xây dựng hệ thống thiết chế và tham gia hoạt động văn hóa cơ sở./.
Bài và ảnh: Viết Dư