Để mãi lưu danh các anh hùng liệt sĩ

04:02, 14/02/2020

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh ta đã có hàng vạn người con quê hương anh dũng hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Mãi khắc ghi công ơn của các anh hùng liệt sĩ ở nhiều địa phương trong tỉnh tên của các liệt sĩ đã được đặt cho các xóm, làng.

Để tri ân và ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ, từ năm 1956 một số xã ở huyện Hải Hậu đã lấy tên các anh hùng liệt sĩ đặt tên cho xóm, cho làng. Xã Hải Thanh là một trong những xã đầu tiên của huyện tri ân các anh hùng liệt sĩ bằng cách lấy tên các liệt sĩ của địa phương đặt cho 13 xóm. Trong đó, xóm Hoan Huỳnh (tên ghép của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Vũ Giao Hoan và liệt sĩ Đỗ Ngọc Huỳnh), xóm Nguyễn Chẩm (liệt sĩ Nguyễn Xuân Chẩm), Nguyễn My (liệt sĩ Nguyễn Viết My), xóm Xướng Chử (liệt sĩ Nguyễn Văn Xướng và liệt sĩ Nguyễn Văn Chử)… Cuối năm 1956, xã Hải Phú đã lấy tên 12 liệt sĩ là người con quê hương đặt cho 12 làng, xóm. Để chuẩn hóa việc đặt tên xóm, tên làng, năm 1994, UBND huyện Hải Hậu ban hành hướng dẫn về việc củng cố thành lập lại các làng, xóm cho phù hợp địa bàn dân cư, phong trào lấy tên các liệt sĩ làm tên xóm, tên làng ngày càng phát triển. Đến nay toàn huyện có 41 xóm, tổ dân phố ở 4 xã, thị trấn (Hải Thanh, Hải Phú, Hải Xuân và thị trấn Cồn) mang tên các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của quê hương. Xã Hải Phú, xưa có 12 xóm, dịp này tách thành 17 xóm; tất cả các xóm đặt theo tên các liệt sĩ như: xóm Vũ Đĩnh (liệt sĩ Phạm Vũ Đĩnh), Mai Quyền (liệt sĩ Mai Văn Quyền)… Xã Hải Xuân, 2 liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là: Nguyễn Đức Thuận và Nguyễn Thị Mát (Kim Liên) được đặt tên cho xóm Đức Thuận và xóm Kim Liên. Thị trấn Cồn, 9/16 tổ dân phố mang tên các anh hùng liệt sĩ như: Nguyễn Chẩm (liệt sĩ Nguyễn Thái Chẩm), Cao An (liệt sĩ Cao Văn An), Thị Lý (liệt sĩ Nguyễn Thị Lý)… Cùng với huyện Hải Hậu, xã Đồng Sơn (Nam Trực) với chiến khu Bắc Sơn - Đồng Lạc nổi danh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng lấy tên 5 anh hùng liệt sĩ của quê hương trong trận đánh bảo vệ khu kháng chiến là Đồng Bình, Đồng Chi, Đồng Bái, Đồng Huy, Đồng Thông đặt tên cho 5 xóm nơi các liệt sĩ hy sinh.

Người dân xã Đồng Sơn (Nam Trực) tham quan phòng lưu niệm khu kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc.
Người dân xã Đồng Sơn (Nam Trực) tham quan phòng lưu niệm khu kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, cán bộ và nhân dân các xóm mang tên liệt sĩ đều phấn đấu, vượt qua những khó khăn thách thức, giành nhiều thành tựu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới. Đồng chí Nguyễn Văn Thiếp, Bí thư chi bộ xóm Vĩnh Hiệp xã Hải Thanh cho biết: người dân xóm Vĩnh Hiệp tự hào được mang tên 2 anh hùng liệt sĩ (Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Văn Hiệp) nên ngoài việc vận động nhân dân thi đua thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình để nối dài thêm truyền thống của thế hệ đi trước; chi bộ xóm thường xuyên tổ chức lồng ghép nói chuyện chuyên đề về anh hùng liệt sĩ của xóm cho thanh niên, học sinh trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể và “nói chuyện dưới cờ” trong các buổi sinh hoạt đầu tuần của các trường. Đồng thời tổ chức các hoạt động tri ân thăm hỏi thân nhân gia đình liệt sĩ; tu sửa, dọn dẹp khu thờ tự, nghĩa trang các liệt sĩ. Đặc biệt, trong suốt quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xóm đều là đơn vị làm điểm, về đích trước thời gian. Đến nay, xóm đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu, đảm bảo “sáng - xanh - sạch - đẹp”; thu nhập bình quân của người dân trong xóm đạt 55 triệu đồng/năm, cao hơn so với bình quân chung của xã và huyện; trong xóm không còn hộ nghèo; 70% lao động không phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Ở xã Đồng Sơn, 5 xóm mang danh các anh hùng liệt sĩ đều thuộc thôn Tây Lạc. Anh hùng trong kháng chiến bảo vệ cách mạng, bảo vệ quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới, người dân nơi đây năng động trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh. Từ gánh phở và nghề làm bánh phở của nhân dân thôn Tây Lạc này đã theo chân người dân đi khắp trong và ngoài nước. 80% hộ dân thôn Tây Lạc kinh doanh bán phở, làm giàu từ nghề bán phở. Phở Đồng Sơn đã được nâng tầm thành đặc sản ẩm thực nổi tiếng thế giới.

Việc ghi danh các anh hùng liệt sĩ qua tên làng, tên xóm đã trở thành nét văn hóa đẹp của người dân trong tỉnh. Qua đó đã khơi dậy niềm tự hào truyền thống cách mạng của quê hương, tạo động lực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa và giáo dục tư tưởng chính trị cho thế hệ mai sau./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com