Xã Xuân Vinh (Xuân Trường) là vùng quê lưu giữ nhiều di sản văn hóa với 5 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng gồm: Đền An Cư, Đền Trần làng Nam Điền, Từ đường họ Vũ, Từ đường họ Đỗ và Từ đường họ Đoàn. Các di tích này không chỉ có giá trị lịch sử mà còn là những công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa tín ngưỡng dân gian gắn với các lễ hội truyền thống.
Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền An Cư. |
Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền An Cư là nơi thờ tự các ông tổ khai cơ, đứng đầu là Thủy tổ Vũ Quý Công, tự Phúc Diễn, quê làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương. Ông là người có công khai hoang, lấn biển thế kỷ XIV và được nhân dân địa phương suy tôn là Thành hoàng làng. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Đền An Cư ngày nay được đánh giá là công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, với tổng diện tích trên 4.000m2. Các hạng mục của đền được xây dựng đăng đối với hệ thống nghi môn được tạo dáng bởi hai đồng trụ, chồng diêm tám mái. Khu vực thờ tự chính xây theo kiến trúc chữ “Tam” gồm: tiền đường, trung đường và hậu cung. Tòa tiền đường 5 gian; các bộ phận cột trụ, tường được xây bằng gạch; các cấu kiện xà, vì kèo, câu đầu làm bằng gỗ lim. Liền với tòa tiền đường là tòa trung đường 5 gian, mái cuốn vòm, lợp ngói nam và tòa cung cấm 3 gian, chồng diêm tám mái. Đền An Cư hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX) như: nhang án, kiệu bát cống, bức cuốn thư ghi chữ “Khai cơ tổ” viết bằng chữ Hán tại gian tiền đường; bát biểu, bức cửa võng sơn son, thếp vàng, chạm trổ tứ linh, hoa lá tại gian trung đường; khám thờ, ngai, bài vị Thủy tổ Phúc Diễn và hai vị thần Nam Hải Đại vương, Linh Lang Đại vương trong cung cấm... Cách Đền An Cư không xa là Đền Trần làng Nam Điền. Đền thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Thượng Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Đền nằm trên khu đất cao ráo, rộng 409m2 gồm các hạng mục: Nghi môn, sân đền, khu thờ tự chính và Phủ Mẫu. Công trình kiến trúc chính của đền được xây dựng theo kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”; tiền đường 3 gian, trung đường 3 gian, cung cấm 2 gian. Đặc biệt, tại gian trung đường còn xây dựng 2 cung thờ các Anh hùng Liệt sĩ của làng. Đền Trần làng Nam Điền là di tích bảo tồn được nhiều di vật, cổ vật đa dạng nhiều chất liệu bằng sứ, gỗ, đồng, giấy. Tiêu biểu là đạo sắc phong niên hiệu Khải Định (1924) ghi công lao của Đức Thánh Trần; 18 cuốn sách chữ Hán nói về lịch sử Vương triều Trần; khám, tượng thờ Trần Hưng Đạo; kiệu long đình cao 2,3m, rộng 1m, mang phong cách nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Nguyễn. Với những giá trị về lịch sử văn hóa, kiến trúc, Đền Trần làng Nam Điền được UBND tỉnh xếp hạng cấp tỉnh năm 2014.
Trong tổng số các di tích lịch sử - văn hóa từ đường họ tộc của huyện, xã Xuân Vinh là địa phương có hệ thống từ đường, nhà thờ dày đặc; trong đó có 3 từ đường được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Căn cứ vào các văn bia lưu giữ tại di tích thì Từ đường họ Vũ được xây dựng năm Quý Mão (1843) với 5 gian nhỏ hẹp. Dưới các triều Vua Tự Đức, Khải Định, con cháu trong dòng họ đã đóng góp tiền của xây dựng, mở rộng từ đường thành một tổng thể công trình kiến trúc độc đáo gồm nhiều hạng mục: nghi môn, nhà khách, lăng mộ, sân và công trình trung tâm. Nghi môn được xây dựng khang trang 3 cổng, trang trí họa tiết nghê chầu, nhấn nổi câu đối bằng chữ Hán có nội dung ca ngợi công lao của thuỷ tổ Vũ Phúc Diễn. Tiền đường được xây dựng 2 tầng, nhiều khoang, chất liệu bê tông, cốt thép; trong đó khoang giữa nhấn nổi 3 chữ Hán “Vũ linh từ”, hai khoang bên đắp nổi rồng, phượng chất liệu vôi vữa. Nối liền tiền đường là trung đường có đặt nhang án, ngai, bát biểu và bát hương thờ các vị công đồng. Hậu cung là nơi đặt tượng thờ thuỷ tổ cùng hệ thống ngai, khám thờ, bài vị của ông và phu nhân cùng 4 người con trai: Vũ Phúc Thiêm, Vũ Phúc Đằng, Vũ Phúc Triều, Vũ Phúc Nhân. Bên trái từ đường là nhà khách, bên phải là lăng mộ. Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo từ đường, con cháu dòng họ vẫn bảo lưu được nguyên vẹn kiến trúc gốc của di tích. Từ đường họ Đỗ là di tích thờ Thủy tổ Đỗ An Tâm, quê xã Trạng Đầu (nay là thôn Đồng Quỹ, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực). Ông cùng 2 Thủy tổ Vũ Phúc Điền (cha của Thủy tổ Vũ Phúc Diễn) và Đặng Phúc An là những người có công chiêu mộ nhân dân khai khẩn ấp Bình Cư (nền móng làng An Cư sau này). Các ông đã biến vùng đất bùn lầy, nước đọng thành những cánh đồng màu mỡ, trù phú, dạy dân cày cấy và được dân làng suy tôn là “Tam vị phúc thần”. Hiện nay, Từ đường họ Đỗ còn phối thờ các vị tổ kế thành: Đỗ Phúc Tiên (đời thứ 3) và Đỗ Phúc Khoát (đời thứ 8). Căn cứ vào gia phả họ Đỗ cùng tư liệu truyền ngôn thì Từ đường họ Đỗ được khởi dựng vào năm Cảnh Hưng 10 (1912). Đến năm Duy Tân 6 (1912) và Khải Định 4 (1919), từ đường được trùng tu, tôn tạo lại toàn bộ tổng thể kiến trúc. Sau đó, do tác động của thiên tai và chiến tranh tàn phá, từ đường bị xuống cấp nghiêm trọng nên đến năm 1995, con cháu trong họ tộc đã đóng góp tiền của, công sức tu sửa và mở rộng từ đường với quy mô bề thế như ngày nay.
Không chỉ mang trong mình vẻ đẹp trang nghiêm, cổ kính, các di tích lịch sử - văn hóa ở Xuân Vinh còn là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa dân gian, gắn kết cộng đồng. Lễ hội truyền thống tại các di tích diễn ra thường niên “Xuân - Thu nhị kỳ” để tỏ lòng biết ơn của người dân đối với các liệt tổ đã có công khai khẩn, lập ấp xây dựng quê hương. Lễ hội Đền An Cư diễn ra vào các ngày mồng 6, 7 tháng Giêng có các nghi thức tế lễ, rước kiệu và nhiều trò chơi như: Hát chèo, chọi gà, cờ tướng, tổ tôm điếm... Đấu vật và bơi chải là các môn thể thao truyền thống mang tinh thần thượng võ và tính đồng đội, đoàn kết ở địa phương từ bao đời nay. Từ xưa, sới vật An Cư rất nổi tiếng. Vào ngày mở hội, nhiều đô vật trong và ngoài tỉnh đã về đăng ký tham gia thi đấu. Ngày nay tinh thần thượng võ trong dân làng vẫn luôn được địa phương duy trì, phát triển, hàng năm đóng góp cho thể thao của tỉnh nhiều vận động viên tiêu biểu. Cuộc thi bơi chải tại sông cầu Đình có sự tham gia của 10 xóm trong xã với hơn 200 tay chải cả nam và nữ. Đây là hình thức để dân làng rèn luyện sức khỏe, hăng say lao động sản xuất. Trước ngày thi, các xóm tổ chức làm lễ hạ chải, lễ dâng hương tại đền. Đường đua của đội chải nam dài gần 8km, bắt đầu từ cầu Đình đến giao điểm sông Mã rồi quay về điểm xuất phát. Đường đua của đội nữ dài hơn 5km cũng xuất phát từ cầu Đình đến điểm giao cầu Đá rồi quay về điểm xuất phát, với tổng chiều dài hơn 5km. Trong mỗi cuộc đua, hai bên đường, người dân reo hò, cổ vũ, cờ trống nhộn nhịp đã tạo nên không khí náo nhiệt của ngày hội làng mỗi dịp đầu xuân. Đền Trần làng Nam Điền hàng năm diễn ra 3 kỳ lễ hội: lễ hội mùa xuân, lễ hội kỷ niệm ngày hóa của Đức Thánh Trần (20-8 âm lịch) và lễ hội kỷ niệm ngày mất của tướng quân Phạm Ngũ Lão (23-11 âm lịch). Trong đó, lễ hội mùa xuân tổ chức vào các ngày mồng 7 và 8 tháng Giêng. Vào dịp hội làng, đông đảo người dân trong xã không phân biệt lương, giáo đều nô nức tham gia. Từ sáng sớm mồng 7, con cháu cả 9 dòng họ lớn trong làng đã tề tựu tại sân đền để sửa soạn dâng lễ tham gia nghi thức rước kiệu Thánh xung quanh làng rồi về đền để làm các nghi thức: dâng hương, tế nam quan, tế nữ quan…
Ở Xuân Vinh, kể từ khi các thủy tổ về An Cư sinh cơ, lập nghiệp, đặt nền móng cho sự phát triển của các dòng họ đến nay đã truyền được 16 đời và trở thành dòng họ lớn trong xã; trong đó họ Đỗ có 5 chi, trên 700 nhân khẩu, họ Vũ có hơn 1.000 suất đinh sinh sống ở khắp nơi trên cả nước. Nhiều thế hệ con cháu trong các dòng họ học hành thành đạt với hàng chục người trình độ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, hàng trăm người trình độ đại học, cao đẳng. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, vào các ngày 14, 15-2 âm lịch, tại Từ đường họ Vũ, con cháu trong dòng họ tổ chức lễ giỗ tổ. Trong ngày này, con cháu trong các chi, ngành dù ở xa, gần đều về thắp hương, báo công, tạ ơn tiên tổ, trời đất, tôn vinh công lao to lớn của các cụ tổ đối với quê hương, đất nước, dòng tộc. Vào dịp này, Ban khuyến học - khuyến tài các dòng họ tổ chức vinh danh, trao thưởng cho các chi tộc, gia đình và các cá nhân đạt thành tích cao trong sự nghiệp học hành. Ngoài các lễ hội truyền thống diễn ra tại các di tích, các trường học ở Xuân Vinh thường tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống thông qua hoạt động học tập ngoại khóa tìm hiểu về di tích, thân thế sự nghiệp của các thủy tổ khai cơ, lập ấp, tạo dựng nền móng cho sự phát triển của quê hương.
Trải qua hàng trăm năm, những giá trị, lịch sử, kiến trúc, văn hóa, tín ngưỡng tại các di tích ở Xuân Vinh vẫn luôn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, góp phần bồi đắp những giá trị đạo đức quý báu, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng