Huyện Xuân Trường là vùng đất văn hiến với hàng chục lễ hội xuân truyền thống vào dịp đầu năm mới, vừa mang yếu tố tín ngưỡng dân gian vừa là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú của cộng đồng. Giữa tiết trời xuân ấm áp, vạn vật bừng sức sống, các lễ hội xuân nơi đây như rộn ràng hơn, vui tươi hơn với đa dạng sắc màu, giúp mỗi người dân tham dự nhớ về nguồn cội và tự hào trước sự đổi thay của quê hương, đất nước.
Cuộc thi bơi chải trong Lễ hội xuân truyền thống làng An Cư, xã Xuân Vinh luôn thu hút khán giả. |
Đã thành nếp, vào mồng 6, mồng 7 tháng Giêng hàng năm, người làng An Cư (xã Xuân Vinh) lại tưng bừng tổ chức lễ hội xuân truyền thống để tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở đất và tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Đây cũng là lễ hội làng được tổ chức sớm nhất trên địa bàn huyện Xuân Trường vào dịp đầu năm mới. Ông Vũ Xuân Hường và ông Đặng Xuân Cương là những bậc cao niên trong làng cho biết: Xưa kia, nơi đây là vùng đất ven biển, nhờ công của thủy tổ Phúc Diễn - được dân làng tôn vinh là “khai cơ Tổ” (ông Tổ mở mang miền đất mới) - làng được hình thành. Tên làng là An Cư có hàm ý chọn nơi ở ổn định để lạc nghiệp. Từ hàng trăm năm nay, dù trải qua nhiều thiên tai, địch họa, dân làng vẫn duy trì tổ chức lễ hội xuân truyền thống với quy mô lớn với đầy đủ các phần lễ và phần hội trong khuôn viên Đền làng An Cư. Từ giữa tháng Chạp, 10 xóm của làng đã đồng loạt dựng cây nêu đón Tết, í ới gọi nhau lập các đội thể thao tập luyện với mong muốn đạt thành tích cao trong lễ hội. Bao năm qua, hội xuân truyền thống làng An Cư nổi tiếng xa gần, thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự bởi đa dạng các hoạt động phần lễ: tế nam quan, tế nữ quan, dâng hương tiền nhân và phần hội: thi bơi chải, đánh cờ, tổ tôm điếm, bóng chuyền, chọi gà... Cuộc thi bơi chải nam, nữ trong hội làng không đơn giản chỉ là thi đấu thể thao mà còn gợi nhớ về hình ảnh tổ tiên thời kỳ lấn biển, lập đất. Sau khi khai hội, các đội bơi chải các xóm với khăn điều chít đầu, thân mặc trang phục theo lối xưa khiêng chải ra sân đền làm lễ dâng hương các vị tổ tiên rồi mới ra sông cầu Đình hạ chải thi đấu. Trong quá trình thi đấu, các chải luôn được sự động viên nhiệt tình của hàng nghìn người dân với cờ, trống, chiêng hò reo cổ vũ náo nhiệt. Cùng với bơi chải, từ xa xưa làng An Cư đã rất nổi tiếng với môn võ vật mang đầy tinh thần thượng võ của cha ông, trong đó miếng “đánh gồng” độc đáo chỉ nơi đây mới có. Vào thời Nguyễn, đô vật Kình người làng thi đấu giải vật ở Thanh Hóa đã dùng miếng đánh gồng để hạ đo ván nhiều đối thủ, giành được chức quán quân. Ngày nay tinh thần thượng võ trong dân làng vẫn luôn được duy trì và phát triển, là nơi đóng góp nhiều đô vật cho huyện tham gia và đoạt giải cao tại các Giải vật đầu xuân của tỉnh. Hình ảnh những nam nữ mạnh khỏe, nắm các tay chèo bổ sâu xuống nước đưa những thuyền phi như bay trên mặt nước trong tiếng chiêng, trống, hò hét cổ vũ của người dân náo động một vùng còn xuất hiện trong nhiều lễ hội xuân ở huyện Xuân Trường như Lễ hội Chùa Thọ Vực của xã Xuân Phong, Lễ hội truyền thống làng Xuân Bảng của thị trấn Xuân Trường... Lễ hội làng Xuân Bảng được tổ chức vào các ngày 11, 12 tháng Hai để tưởng nhớ công ơn của Ngô Tướng Công, một danh tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược vào cuối thế kỷ XIV và dẫn dắt 10 dòng họ từ làng Xuân Mai, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc, nay là phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) về đây khai dân lập ấp. Cụ Hoàng Thọ Huyền, năm nay 85 tuổi với “thâm niên” 20 năm làm công tác tổ chức lễ hội cho biết, năm nào lễ hội cũng có nhiều các hoạt động văn hóa dân gian như: tế, lễ, rước kiệu, bơi chải, chọi gà, bịt mắt bắt lợn, leo cầu ngô và giao lưu văn hóa văn nghệ, hát chèo…, trong đó cuộc thi bơi chải luôn diễn ra sôi động nhất. Tất cả các tổ dân phố của làng đều thành lập đội bơi chải nam, đội bơi chải nữ thi đấu trong 2 ngày với quãng đường từ cổng Đền làng Xuân Bảng ra sông Tiêu rồi về sông Mã tròn một vòng quanh làng với chiều dài 5km. Cuộc thi có người thắng, kẻ thua nhưng không vì thế mà bớt đi niềm hứng khởi bởi họ luôn có niềm tin, tham dự giải sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới, mùa màng bội thu, người người mạnh khỏe, con cái học hành thành đạt.
Cái hay, hấp dẫn trong các lễ hội xuân truyền thống của huyện Xuân Trường không chỉ ở các trò chơi dân gian sôi động, mà còn có nhiều tập tục độc đáo riêng, đặc trưng, gắn với những điển tích, truyền thống của cha ông. Hội làng Nhân Thọ, xã Thọ Nghiệp được tổ chức 2 năm một lần vào dịp Rằm tháng Giêng tưởng nhớ công ơn Thánh Mẫu Thiên Thành Thái Trưởng công chúa thời Trần có công mang lương thảo cứu giúp dân đinh làng Hoành Vực và 16 vùng quê Phủ Thiên Trường xưa vượt qua cơn hoạn nạn, mất mùa đói kém, đồng thời dạy bảo người dân “biết lấy việc nông trang làm gốc, lấy lễ nhượng làm đầu”. Lễ hội luôn diễn ra trang trọng với phần lễ là các tuần rước kiệu, rước văn, dâng hương, các tuần tế thiên quan, tế nhập tịch, tế thần tổ và tế mẫu; phần hội lễ hội có nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống: thi đấu bơi chải, bóng đá, bóng chuyền, tổ tôm điếm, kéo co, leo cầu ngô, bắt vịt, thể dục dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu, văn nghệ. Độc đáo nhất lễ hội là màn thi 5 giải truyền thống: giải giã thóc, giải nước, giải lửa, giải cá, giải trứng. Hay như tục thổi cơm thi, làm cỗ chay dâng lên cúng thánh thần tổ tiên cũng là nét đẹp độc đáo của hội làng Ngọc Tiên của xã Xuân Hồng với ý nghĩa diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh dưới thời Thành hoàng làng Tướng quân Hoàng Văn Quảng triều Lê khi dấy binh trấn ấp, thiếu thốn mọi bề, vừa hành quân, vừa lo hậu cần và phải “tích cốc phòng cơ” cho những khi thiếu đói. Tục thổi cơm thi trong hội làng Ngọc Tiên diễn ra theo một quy trình khép kín từ việc lấy nước, tạo lửa, đến thổi cơm làm bánh. Tham dự cuộc thi có 6 giáp, mỗi giáp đủ 14 nam giới, tuổi từ 18 trở lên, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đạo đức tốt, gia đình toàn vẹn. Cuộc thi gồm hai phần thi “địch thủy” và “địch hỏa”. Ở phần thi “địch thủy”, mỗi giáp cử ra 2 người, tay cầm một chiếc nậm nhỏ, đồng loạt chạy ra dòng sông Ninh lấy cho đầy nậm nước mang về đổ vào nồi đáy của chõ đồ. Ở phần thi “địch hỏa”, mỗi giáp mang theo một bộ dụng cụ dùng thanh tre khô cọ vào nhau tạo ma sát thành lửa nấu cỗ, làm bánh thổi cơm. Sự khéo léo của người thi thể hiện ở chỗ, mọi công việc từ đeo cần trúc lên vai, cố định niêu cơm, vừa đi vừa nấu, giữ lửa cho cơm chín. Cùng thổi cơm, các đội còn làm cỗ chay gồm 4 loại bánh khác nhau: bánh ống, bánh bìa, bánh phong, bánh giáo và một bát chè đường. Sau 2 tiếng rưỡi, các đội phải hoàn thành mâm cỗ chay phải hoàn tất có đủ 4 loại bánh, một bát chè đường, một bát cơm lồng, một cút rượu trắng, một đĩa trầu cau, và một quả bưởi dâng lên cúng đức Thành hoàng làng. Thổi cơm thi, nấu cỗ chay thực sự là một lễ tục đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa làng quê Xuân Hồng, thể hiện nét tài hoa, chăm chỉ của những người dân nơi đây.
Cũng như bao lễ hội mùa xuân trên mảnh đất Thiên Trường xưa - Nam Định nay, các lễ hội ở huyện Xuân Trường vừa mang tính tâm linh, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Sau một năm bộn bề với những lo toan cuộc sống, được tham gia trẩy hội xuân với các tập tục độc đáo, được thư giãn với những trò chơi dân gian sôi động đã mang đến tâm thế phấn khởi cho một năm mới nhiều kỳ vọng mới./.
Bài và ảnh: Đức Thiện