Những nghi lễ thiêng trong giờ Tý đêm Giao Thừa

03:01, 09/01/2020

Theo cách tính giờ của người xưa, giờ Tý là khoảng thời gian từ 11 giờ đêm hôm trước tới 1 giờ sáng ngày hôm sau. Vào thời khắc trước và trong giờ Tý đêm Giao thừa (đêm cuối cùng của tháng Chạp sang ngày 1 tháng Giêng), ở mỗi miền quê trong tỉnh diễn ra nhiều nghi thức thiêng liêng gắn với các đặc trưng văn hóa tín ngưỡng địa phương như: lễ trừ tịch, tế nam quan, rước lửa… 

Đội tế nam quan làng Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) tập luyện nghi thức tế đêm Giao thừa.
Đội tế nam quan làng Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) tập luyện nghi thức tế đêm Giao thừa.

Lễ trừ tịch theo quan niệm dân gian là để “tống cựu, nghinh tân” - tiễn những vị thần cai quản năm cũ đi và đón những vị thần cai quản năm mới. Đây là một tập tục tín ngưỡng đẹp thể hiện sự tri ân công đức được thần phật phù hộ độ trì che chở cho bình an trong một năm cũ, cũng như bày tỏ lòng mong ước năm mới được gia hộ cho bình an, hạnh phúc và ấm no. Nghi lễ này gia đình nào cũng phải thực hiện. Tuy nhiên, ngoài nghi thức riêng ở các gia đình, ở nhiều địa phương có di tích, cộng đồng vẫn gìn giữ nghi lễ tế vào thời khắc Giao thừa cầu mong quốc thái dân an. Tại di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) vào đêm Giao thừa, dân làng tổ chức trang trọng lễ tế tại sân đền. Tiêu chuẩn để chọn chủ tế của thôn là bậc cao niên, khoẻ mạnh, gia đình song toàn, con cháu đông đúc, đề huề, được công nhận là gia đình văn hoá. Vật phẩm tế lễ gồm: xôi, gà, lợn, rượu, tiền vàng, hương, trầu cau, hoa quả… Sau khi thực hiện xong lễ tế, đồng hồ điểm thời khắc chuyển giao sang năm mới, chủ tế mở cửa đền để người dân dâng hương, xin lộc. Mọi nghi lễ trong đêm trừ tịch thể hiện ý nguyện gắn kết tình cảm cộng đồng vượt qua những khó khăn thử thách trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ở Đền Thượng (còn gọi là Đền Mẫu Thượng Ngàn trên đỉnh núi Tiên Hương) thôn Tiên Hương, Khu di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy xã Kim Thái (Vụ Bản) vào giờ Tý đêm Giao thừa còn duy trì nghi thức cúng Thành Hoàng với lễ vật chính là gà luộc để kính cáo những thành quả lao động trong năm và cầu mong thần phù hộ cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Gà luộc xong được các gia đình bày lên mâm xôi gấc đỏ tươi, quả cau, lá trầu, hoa tươi và hương, nến, chờ đến giờ Tý đêm Giao thừa, các gia đình trong thôn bưng lên đền trên núi dâng lễ. Sau khi lễ thánh các gia đình mới về xông nhà, cúng gia tiên. Thôn Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) còn lưu giữ nhiều phong tục truyền thống văn hoá, trong đó có nghi thức xông đền, xông nhà thờ vào đêm Giao thừa. Các cụ cao niên trong thôn cho biết, nghi thức này có từ lâu đời, gắn liền với nguồn gốc 18 cụ tổ buổi đầu về dựng làng lập ấp hình thành cộng đồng dân cư như ngày nay. Người xông nhà thờ, từ đường được dân làng chọn phải có đủ các tiêu chí: từ 60 tuổi trở lên, ông bà khoẻ mạnh, con cháu đề huề, thành đạt và trong năm gia đình không có việc tang chế. Còn đối với những người xông các nhà thờ họ thì tiêu chí có phần giản lược hơn. Người xông đền có trách nhiệm chuẩn bị lễ vật cúng, gồm có: gà, xôi, chè, rượu, hoa… Buổi chiều ngày 30 Tết, lễ vật được mang đến đền, từ đường thắp hương kính cáo với thành hoàng, tổ tiên xin phép được đại diện cho dân làng, dòng họ mở cửa xông đất, cầu mong trong năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Đầu giờ Tý (23 giờ) làng tổ chức đám rước; Đến giờ chính Tý (0 giờ), thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tiếng trống điểm sang canh, người xông đền tiến lên mở cửa đền vào, thay mặt cho dân làng, dòng họ thành tâm dâng lễ khấn cầu. Ở các từ đường dòng họ, trong giờ phút lễ tổ thiêng liêng, mọi người dự lễ ngồi quây quần bên nhau nghe ông trưởng tộc kể về truyền thống của tổ tiên để giáo dục niềm tự hào, đồng thời nhắc nhở con cháu không quên nguồn cội và các trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ truyền thống dòng tộc. Sau đó, các gia đình mới về lễ tại gia đình.

Nhiều địa phương trong tỉnh vào giờ Tý đêm Giao thừa còn diễn ra nghi thức rước lửa ở các điểm di tích như: làng Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên), làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản), thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy)… Vào đầu giờ Tý đêm Giao thừa, nhân dân ở thị trấn Ngô Đồng tập trung tại Đền làng Hoành Đông với bó đuốc trên tay. Cửa đền mở ra, tiếng chiêng trống nổi lên, các già làng dâng hương kính thần để nhân dân động thổ trồng cây xanh trong khuôn viên đền. Một cụ cao niên được dân làng tín nhiệm mặc trang phục khăn, áo lụa điều vào cúng thần và xin lửa từ cung cấm ra ngoài bồn lửa trước cửa đền. Khi ngọn lửa bùng lên, dân làng tuần tự từ già đến trẻ châm đuốc xin rước lửa thần đưa về nhà cúng gia tiên đón năm mới, sum họp gia đình, cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng. Tục rước lửa đêm Giao thừa ở làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) có từ đời Lê Trung Hưng (giữa thế kỷ XVII). Vào giờ Tý (23 giờ) đêm Giao thừa, khi dân làng đã tề tựu đông đủ trước sân và quanh khu vực Đền Ngoài, một vị trong ban hành lễ nêu lý do và ý nghĩa của việc xông đền. Đúng mười hai giờ đêm, chủ tế bước lên bậc thềm chính giữa cửa đền để làm lễ xin rước lửa, sau đó trao đuốc cho thủ từ đốt thêm nến, nhang và đưa đuốc ra sân đền cho mọi người cùng châm đuốc nhận lửa Thánh. Tục rước lửa đêm Giao thừa ở làng Vĩnh Lại ngoài ý nghĩa tri ân chiến công đánh thắng giặc Chiêm Thành của tướng quân Phạm Phúc Quảng còn mang nghĩa nhắc nhở lưu truyền cho các thế hệ con, cháu ghi nhớ truyền thống lịch sử hào hùng để có trách nhiệm xây dựng quê hương giàu đẹp, ấm no. Với quan niệm ngũ hành tương sinh “mộc sinh hỏa”, hàng năm vào giờ Tý đêm Giao thừa, hàng trăm người dân ở làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh tập trung ở đình làng để xin lửa thiêng. Sau khi xin được lửa từ đình làng, mọi người sẽ tới xông nhà, cầu chúc bình an, sức khỏe, may mắn, tiền tài cho anh em họ hàng, sau đó mới mang đuốc lửa về xông đất, thắp đèn dầu, giữ ngọn lửa liên tục trong bếp suốt ba ngày Tết. Lễ rước lửa ở Yên Ninh thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các vị tổ nghề, đồng thời bày tỏ khát vọng truyền ngọn lửa đam mê nghề mộc tới thế hệ trẻ quê hương.

Ngoài ra, cũng như hầu hết các vùng quê Bắc Bộ, làng nào, xã nào cũng có chùa làng, nơi thờ Phật và phối thờ các vị có công với địa phương theo sử sách chép lại. Do vậy, đêm Giao thừa tại các chùa không đơn thuần để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để người dân bày tỏ tâm tưởng tri ân nguồn cội - những đấng bậc tiền nhân mà trong suốt năm họ bận làm ăn không có dịp bày tỏ lòng biết ơn, cảm nhận sự giao hòa của đất trời trong thời khắc chuyển giao năm mới. Những nén hương trên tay cùng với những lời chúc sức khoẻ, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn là ý nguyện gắn kết tình cảm cộng đồng để vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống hàng ngày.

Những nghi thức thiêng vào giờ Tý đêm Giao thừa được kết tinh từ truyền thống dân tộc gắn với yếu tố tín ngưỡng tâm linh, thể hiện ước nguyện hướng tới chân, thiện, mỹ trong đời sống tinh thần của người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com