Càng giáp Tết Nguyên đán, đường phố Thành Nam càng trở nên tấp nập. Hòa cùng dòng người xuống phố, tôi cũng lựa chọn những bông hoa cúc đẹp nhất cùng lễ vật thành kính dâng lên ban thờ tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Ảnh/ Internet |
Theo phong tục của người Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày cúng ông Công, ông Táo hay còn gọi là Tết Táo quân. Người Việt xưa tin rằng Táo quân là vị thần bảo vệ gia đình, có nhiệm vụ báo cáo mọi việc tốt xấu của gia chủ trong năm với Ngọc Hoàng. Chính vì vậy, với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, phong tục cúng, tiễn ông Công ông Táo về trời vào mỗi dịp cuối năm rất được người dân coi trọng. Mâm cúng ông Công ông Táo thường có hương, hoa, oản, quả, cau, trầu; cùng một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ với xôi, gà, giò, nem, canh măng miến... và không thể thiếu một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo. Tục lệ khi mua đồ cúng ông Táo, tùy vào năm theo ngũ hành mà chọn màu sắc của áo, mũ, hia tương ứng, ví dụ như năm hành kim dùng màu vàng, hành thủy dùng màu xanh...
Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (có thể cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp) bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được lễ vật. Những năm gần đây, sau rằm tháng Chạp người dân đã bắt đầu cúng ông Công ông Táo về trời mà không cần chờ đến đúng ngày 23 tháng Chạp vì như vậy sẽ có thời gian thư thả hơn để bao sái lại bàn thờ gia tiên và thảnh thơi sắm sửa một cái Tết đủ đầy.
Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép. Một số gia đình có thể mua cá chép giấy (đốt cùng vàng mã sau khi cúng), tuy nhiên phần lớn các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công.
Một năm mở đầu bằng Tết Nguyên đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Lễ cúng ông Táo là một nét văn hóa đẹp, mang nhiều nét tâm linh. Tiễn ông Táo về chầu trời, chia tay mọi vất vả, muộn phiền của năm cũ khiến cho tâm của mỗi người trở nên thanh thản, nhẹ nhõm hơn để sẵn sang tâm thế bước vào một năm mới bình an và hạnh phúc./.
Phương Mai