Giao Thủy xây dựng đội ngũ công chức văn hóa cơ sở

08:01, 17/01/2020

Từ nhận thức đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH); gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa ở các địa phương, những năm qua, huyện Giao Thủy đã quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở.

Anh Trần Văn Hiếu (đứng giữa), công chức văn hóa - xã hội xã Giao Hải tuyên truyền các quy định nếp sống văn hóa cho nhân dân.
Anh Trần Văn Hiếu (đứng giữa), công chức văn hóa - xã hội xã Giao Hải tuyên truyền các quy định nếp sống văn hóa cho nhân dân.

Toàn huyện hiện có 22 công chức văn hóa - xã hội các xã, thị trấn; trong đó 19/22 công chức văn hóa - xã hội có độ tuổi từ 30 đến 45. Đội ngũ công chức văn hóa cấp xã trong huyện thường xuyên được quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn, đủ về số lượng; trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tổ chức, điều hành thực hiện nhiệm vụ từng bước được nâng lên; đa số được đào tạo đúng chuyên ngành và có quá trình rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn. Hàng năm Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện đều tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, công chức văn hóa - xã hội; tiến hành đánh giá chất lượng và thực trạng hoạt động của cán bộ văn hóa cơ sở. Trên cơ sở đó, đăng ký và phối hợp với Sở VH, TT và DL nội dung tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ văn hóa cơ sở. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng được lựa chọn linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế từng địa phương, thời kỳ như: nghiệp vụ thư viện cơ sở; tập huấn Luật Di sản văn hóa, các quy định của Nhà nước về trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức và quản lý lễ hội. Ở các xã như: Giao Hải, Giao Thịnh, Giao Yến, Giao Xuân… đều phân công cán bộ đảm nhiệm chức danh công chức văn hóa đảm bảo các yếu tố về sức trẻ, được đào tạo đúng chuyên ngành văn hóa. Từ việc sắp xếp nhân sự hợp lý, khoa học của các xã, các cán bộ văn hóa cơ sở có điều kiện phát huy tốt vai trò của mình, trở thành hạt nhân, nòng cốt trong việc vận động, hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh các phong trào văn hóa tại cơ sở. Đến xã Giao Thịnh (Giao Thủy), chúng tôi cảm nhận được sức lan tỏa của phong trào TDĐKXDĐSVH tới từng cán bộ và các tầng lớp nhân dân địa phương. Năm 2004, anh Đinh Văn Dự (36 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã tốt nghiệp ngành Quản lý văn hóa tại Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật Nam Định (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Nam Định) nên khi về công tác ở lĩnh vực văn hóa xã anh nhanh chóng bắt kịp công việc. Dẫn chúng tôi đi tham quan các xóm văn hóa “điểm” của xã, anh chia sẻ: Xã có trên 13 nghìn nhân khẩu, trong đó 60% đồng bào theo đạo Thiên Chúa, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, với vai trò thành viên thường trực trong Ban chỉ đạo, mỗi tuần anh đều dành từ 3-5 buổi đến các xóm, cùng tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân; triển khai các chuyên đề về xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; nắm bắt tình hình thực hiện phong trào để báo cáo Ban chỉ đạo xã… Nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo và sự đồng thuận của nhân dân nên phong trào TDĐKXDĐSVH ở Giao Thịnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Còn anh Trần Văn Hiếu, công chức văn hóa - xã hội xã Giao Hải không chỉ gắn bó, am hiểu các phong trào văn hóa, anh còn có nhiều “tài lẻ” như ca hát, làm trọng tài, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao ở địa phương. Năm 2013 khi anh bắt đầu nhận công việc cán bộ văn hóa xã, Giao Hải có tỷ lệ gia đình văn hóa đạt là 80%, 6/18 xóm được công nhận văn hóa. Với trách nhiệm là ủy viên thường trực trong Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH xã, anh Hiếu đã tham mưu, xây dựng kế hoạch nhằm nâng cao tỷ lệ gia đình văn hóa, xóm văn hóa ở địa phương. Năm 2014, anh Hiếu được tham quan một số mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội ở huyện Hải Hậu. Về địa phương, anh luôn trăn trở tìm phương thức áp dụng phù hợp ở địa phương; tham mưu với lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Giao Hải ban hành quy chế thực hiện nếp sống hóa, trong đó tập trung vận động nhân dân thực hiện tốt việc “làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần”. Đến nay, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội ở Giao Hải đã đi vào nền nếp; tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2019 của xã nâng lên 88%, 18/18 xóm đạt danh hiệu xóm văn hóa. Chị Trần Thị Nhung (31 tuổi) công chức văn hóa - xã hội xã Giao Yến là cán bộ nữ được ghi nhận hết sức năng nổ. Tốt nghiệp chuyên ngành Bảo tàng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, năm 2013 chị trúng tuyển vị trí công chức văn hóa - xã hội xã Giao Yến. Là cán bộ trẻ chị luôn chủ động nghiên cứu kỹ văn bản chỉ đạo, văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực văn hóa; cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, tham mưu xây dựng các văn bản cho lãnh đạo như: kế hoạch, quyết định, báo cáo, công văn… Đồng thời theo dõi nắm bắt tình hình thực hiện quy chế nếp sống văn hóa từng xóm, qua đó kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào TDĐKXDĐSVH… Năm 2016, chị Nhung tham mưu lãnh đạo UBND xã Giao Yến ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn hóa, quy định về tổ chức lễ hội, lễ cưới, lễ tang. Quy chế được xây dựng trên cơ sở bàn bạc, tham vấn công khai, dân chủ nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tự giác thực hiện. Năm 2019, tất cả các đám hiếu, đám hỉ tổ chức tại địa phương đều được thực hiện theo đúng nếp sống văn hóa hạn chế cơ bản các thủ tục rườm rà, lạc hậu. Trong lĩnh vực văn nghệ, thể dục thể thao, chị Nhung đã làm tốt công tác phát hiện các hạt nhân văn nghệ, tập hợp xây dựng câu lạc bộ xung kích phục vụ các nhiệm vụ chính trị của xã, tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện Giao Thủy. Đến nay xã Giao Yến là một trong những địa phương phát triển mạnh phong trào văn nghệ quần chúng với 15 đội văn nghệ các xóm, 1 câu lạc bộ thơ, 2 câu lạc bộ trống… Phát huy vai trò đội ngũ công chức văn hóa cơ sở, phong trào TDĐKXDĐSVH ở huyện Giao Thủy đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2019, toàn huyện có 53.175/60.795 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá” đạt tỷ lệ 87,5%; 313/332 xóm, tổ dân phố văn hóa, đạt tỷ lệ 94,3%. Phong trào văn nghệ, thể thao của huyện cũng phát triển mạnh với trên 20 câu lạc bộ chèo, 157 tổ, đội văn nghệ quần chúng, 5 câu lạc bộ văn học nghệ thuật cấp huyện, 389 câu lạc bộ thể dục, thể thao.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, phát huy vai trò cán bộ văn hóa cơ sở, thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Giao Thủy tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa xã, thị trấn; tạo điều kiện để cán bộ văn hóa tiếp tục được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, khắc phục tình trạng biến động trong cơ cấu nhân sự của cấp chính quyền cơ sở. Bản thân mỗi cán bộ, công chức văn hóa - xã hội cần không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, có ý thức cầu thị tiến bộ, nâng cao kiến thức quản lý Nhà nước và phương pháp tổ chức hoạt động thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Có như vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, hoạt động văn hóa - thông tin ở cơ sở mới thực sự được nâng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đời sống văn hóa hiện đại./.

Bài và ảnh: Viết Dư


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com