Chiều cuối năm rét ngọt, rời sân bay Hương vội vã thuê taxi phóng như bay về làng. Lập nghiệp rồi lấy chồng ở Sài Gòn, mười mấy năm nay, Hương không về quê ăn Tết. Công việc bận rộn, con nhỏ, chồng quanh năm đi làm ăn xa… chừng ấy thứ cuốn Hương xa dần khỏi làng quê cũ thân thương. Thậm chí, ký ức xưa về ngôi làng cũng dần mỏng theo năm tháng. Họa hoằn lắm, có đôi khi trong giấc mơ vội nào đó, Hương thấy mình trong những năm tháng tuổi thơ cùng lũ trẻ nghèo đi chăn trâu, nhổ lạc trộm, chơi những trò chơi con trẻ đơn giản. Càng về đến gần làng, Hương càng có cảm giác kỳ lạ. Một chút hồi hộp xen lẫn lạ lẫm, lo âu. Chớp mắt, bụi tre già đầu làng đã hiện ra, trong tiết xuân ấm không còn gầy guộc mà xanh mướt dịu dàng. Đường làng to, phong quang rộng rãi. Bãi ngô đang vào thời kỳ trổ mã cây đậm, xanh óng. Xen giữa những thân ngô cao vút luống dâu tằm được mưa xuân tưới tắm óng ả những cành lá xanh. Xa xa sau bờ đê kia nữa là dòng sông mát trong những buổi trưa hè Hương thường trốn bà theo chúng bạn nhảy sông tắm. Cảnh vật không thay đổi quá nhiều so với những giấc mơ ngắn về làng của Hương. Xe chạy về gần cuối làng, bên chiếc cổng tre đơn sơ, bà nội đã đứng chờ tự bao giờ. Hệt như ngày Hương đi, bà cũng đứng yên lặng như vậy chào cô. Bóng dáng đó vừa tha thiết lại vừa thân thuộc đến ám ảnh. Bà nhìn cháu gái mắt rưng rưng, Hương nhào đến ôm lấy bà. Bà xoa lưng khe khẽ, đã về đến nhà, năm nay ăn Tết, đón giao thừa với bà hử? 9h tối, ngoài sân nồi bánh chưng vẫn sôi lục bục. Ông nội bảo, năm nay cái Hương về quê ăn Tết nên bận mấy, ngại mấy cũng phải nấu bánh chưng. Trước hôm cháu về mấy ngày, ông gọi điện liên tục hỏi giờ để “căn” thời gian luộc bánh. Ngày nhỏ, Hương thích nhất là đêm 30 được ngồi luộc bánh chưng. Khi đó cả nhà quây quần, chị em Hương thì vừa nô đùa vừa tranh nhau chỗ gần bếp lửa. Mệt quá, cả lũ nằm ngay cạnh bếp chờ bánh chín.
Rước đuốc trong Lễ hội Phủ Dầy. Ảnh: Ngọc Quang |
10h đêm, cỗ cúng giao thừa đã được ông bà chuẩn bị đầy đủ. Con gà, đĩa xôi, bánh trái, bánh chưng… còn có cả món chè mà Hương yêu thích. Ông nội pha sẵn cả một ấm chè xanh thơm ngát nài nỉ cháu uống cho tỉnh người sau chuyến đi dài. Bây giờ Hương mới có đủ thời gian để quan sát ngôi nhà, làng xóm. Làng trên xóm dưới điện đường sáng trưng, cổng nhà nào cũng treo cờ đỏ. Tại các dong ngõ chính, cờ đuôi nheo, ngũ sắc giăng kín đẹp mắt. Lũ trẻ ồn ã chạy nhảy tưng bừng, hò reo chờ đón giao thừa… Ồ, thì ra mọi thứ vẫn gần giống như xưa không thay đổi, Tết ở quê vẫn vui hơn nhiều lần trên phố, Hương tự nhủ. Càng gần đến thời khắc giao thừa, đường càng vắng vẻ. Gần như trong không gian chỉ còn lại mùi trầm hương bay ấm áp. Có lẽ bọn trẻ cũng đã mệt nhoài sau một tối chạy nhảy đã đời. Còn người lớn thì đang bận rộn sửa soạn cỗ cúng gia tiên đêm trừ tịch. Ở nhà Hương, ông nội vô cùng coi trọng thời khắc này. Ông bảo, một năm chỉ tổng kết trong đúng đêm 30. Vui buồn gì của năm cũ cứ gói ghém hết lại rồi an vui mà đón năm mới. Đêm trừ tịch phải là khoảng thời gian của sự yên nghỉ, giũ bỏ những muộn phiền, là đêm của tĩnh lặng và thiêng liêng. Gần 12h đêm, ông cầm ra bộ quần áo bảo Hương, mặc vào đi con, năm mới phải… mới toàn bộ mới được. Ông không biết có vừa không, ông cứ đặt may ang áng. Con mặc cái gì chẳng đẹp nhỉ? Hương ứa nước mắt nhìn ông, bao năm không về quê, vậy mà ông vẫn nhớ để may quần áo mới cho cháu gái mặc đêm giao thừa. Đây đã thành truyền thống của gia đình Hương bao năm. Ông cũng quay qua nhắc bà đi thay đồ mới. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, ông bà và Hương đứng trang nghiêm trước ban thờ thắp hương cúng bái tiên tổ. Không khí có cái gì lắng lại lạ thường, yên ắng đến nỗi Hương cảm thấy có thể nghe rõ tiếng giọt sương đang rơi ngoài vườn. Ti vi ngoài nhà vẫn đang phát lời chúc mừng năm mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Ngoài đường tịnh không một bóng người. Từ một vài dong ngõ trong gió đưa lại tiếng cười nói. Ban đầu hãy còn nho nhỏ sau dần sắc nét giòn giã. Người người tỏa đi chúc Tết, đám thanh niên thì hò nhau thành từng tốp hái lộc ở chùa. Tuần hương hết cũng là lúc những giây phút đầu tiên của năm mới tới, ông bà và Hương cùng nhấp chén rượu chúc nhau một năm mới tràn đầy hạnh phúc và may mắn. Sáng mồng 1 Tết, Hương dậy sớm hơn thường lệ. Ông bà đã ngồi ngay ngắn trên bàn nước. Ông bảo bà đưa lì xì mừng tuổi cho cô. Bàn tay bà nhăn nheo, run run cầm tay cháu gái, mừng con thêm một tuổi, năm mới vui vẻ, hạnh phúc. Mừng ông bà khỏe mạnh, gia đình an khang.
Sáng sớm của ngày đầu năm rót cái trong trẻo, tình khôi của khí trời vào ngọt ngào tình đất. Tiếng những giọt mưa xuân rất mỏng, rất nhẹ thao thiết ngân trên chồi cây, ngọn cỏ. Tiếng mùa xuân xốn xang trong lòng mỗi người, mỗi nhà. Tết đến là một năm mới nữa lại đến, một mùa xuân nữa lại về, mọi thứ đều bắt đầu lại từ đầu. Nụ hoa bồi hồi chia xa thời khắc cuối cùng của mùa đông để chuyển sang giai đoạn mới, phô nhị khoe sắc, chuyển hóa dần sang cung bậc mới của thời gian. Bao nhiêu lo toan, muộn phiền đều khép lại khi thời khắc giao mùa đã điểm, chỉ còn lại niềm vui và hy vọng về một năm mới tốt đẹp hơn. Trong lòng mỗi người, ai cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới. Có thể chúng ta còn nhiều điều chưa hài lòng về bản thân, về những gì chúng ta đã làm được nhưng dường như mỗi người đều rộng lượng hơn với chính mình và những người xung quanh vào cái giây phút ngắn ngủi mà thiêng liêng ấy. Mọi lỗi lầm sẽ được tha thứ. Mọi hiểu lầm, hờn ghen hay giận dỗi sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi một năm mới đến. Những nỗi buồn sẽ được tạm gác lại để cùng hòa chung với niềm vui đón tết của cả đất trời, con người. Rồi mỗi người luôn nghĩ mình sẽ cố gắng sống tốt hơn, sống cho những người mình yêu thương và gắn bó, sống cho đất nước này, cho Tổ quốc này, cho đồng loại của mình…Từ phút giao thừa ấy, những niềm hy vọng sẽ lại được thắp lên, rạng rỡ hơn./.
Hoa Xuân